Những đề xuất đáng chú ý trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Thứ ba, 30/04/2019 07:30

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đăng tải dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị. Theo đó, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành; sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều trong tất cả các chương.

Theo Ban soạn thảo, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết và áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định. Trong ảnh: Bộ phận Tổng đài của hãng Taxi Đà Nẵng làm việc theo chế độ 24/24 giờ.   Ảnh: N.L

Một số nội dung lấy ý kiến được dư luận quan tâm là: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; thời gian nghỉ Tết Âm lịch; bổ sung thêm 1 ngày nghỉ Lễ trong năm; thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động...

Tăng tuổi nghỉ hưu

Theo dự thảo, quán triệt tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và cụ thể hóa nội dung Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Ban cán sự Đảng Chính phủ, để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe, tuổi thọ của người lao động Việt Nam, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, đảm bảo góp phần ổn định chính trị - xã hội, Ban soạn thảo đã quy định nội dung này trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) theo 2 phương án để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến như sau:

Phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm  4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định: Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Chính phủ đề xuất lựa chọn lộ trình điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu (tăng chậm) với các lý do: Tránh gây “sốc” cho thị trường lao động. Lộ trình điều chỉnh tuổi chậm có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động, doanh nghiệp. Qua khảo sát, đánh giá, tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến đề xuất chọn phương án 1. Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm; tuy nhiên, phương án 1 có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Rút ngắn thời gian nghỉ Tết

Quy định nghỉ Tết trong Bộ luật Lao động 2012 thực hiện từ ngày 1-5-2013 và đã được đa số nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng kỳ nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam dài so với một số quốc gia trong khu vực, có thể làm ảnh hưởng gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, hiệu quả thực hiện công việc không cao khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài. Do đó, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án về thời gian nghỉ Tết Âm lịch dự thảo Bộ luật Lao động để lấy ý kiến như sau:

Phương án 1 (giữ nguyên hiện hành): Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Phương án 2: Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù. Quá trình thảo luận và tham vấn ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến thể hiện sự đồng thuận với phương án 1.

Trong quá trình chuẩn bị dự thảo Bộ luật Lao động, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung ngày 27-7 làm ngày nghỉ lễ để nhân dân có một ngày nghỉ làm việc thực hiện những hoạt động thiết thực tri ân những người có công với cách mạng, đất nước. Ban soạn thảo cho rằng ý kiến đề xuất bổ sung 1 ngày nghỉ lễ để tri ân người có công (vào ngày 27-7 dương lịch) là phù hợp. Việc có 1 ngày nghỉ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bày tỏ sự tri ân đối với không chỉ những người có công đã hy sinh xương máu bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, còn là một thông điệp thể hiện sự tri ân đối với những người có công trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước phồn vinh kể từ nay về sau.

Đề xuất làm việc từ 8 giờ 30

Trên cơ sở tham vấn ý kiến một số chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ, nhà quản lý, công chức, người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội như sau:

Phương án 1: Bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân). Phương án này giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia.

Phương án 2: Giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định).

Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa cũng là nội dung đáng chú ý. Theo đó, Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm (tuy nhiên, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh). Sau khi nghiên cứu và tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan, Ban soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) thấy rằng việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết và áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định. Ban soạn thảo đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Qua khảo sát, đánh giá, tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành với nội dung này.

NGUYÊN AN