Những điểm mới cơ bản của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân
(Cadn.com.vn) - Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2015. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những điểm mới cơ bản của luật này so với các văn bản luật trước đây về bầu cử, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Tư pháp.
Ông Phan Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, giới thiệu nội dung các luật. |
P.V: Xin ông cho biết Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về Hội đồng bầu cử quốc gia như thế nào?
Ông Phan Thanh Long: Thể chế hóa quy định về Hội đồng bầu cử (HĐBC) Quốc gia được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND năm 2015 quy định HĐBC quốc gia do Quốc hội thành lập (luật cũ gọi là HĐBC ở Trung ương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập). Luật còn quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐBC quốc gia theo hướng cơ bản kế thừa của HĐBC Trung ương và có bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn.
P.V: Ông có thể cho biết luật quy định như thế nào về danh sách cử tri?
Ông Phan Thanh Long: Luật quy định cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương dưới 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH, ĐB HĐND cấp tỉnh và cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân; công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến UBND cấp xã xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri để bầu ĐBQH và ĐB HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú). Luật đã mở rộng đối tượng cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và ĐB HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
P.V: Về hồ sơ bầu cử, vận động bầu cử có những điểm mới nào so với quy định trước đây, thưa ông ?
Ông Phan Thanh Long: Cơ bản là như trước đây, có bổ sung thêm Bản kê khai tài sản giúp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của các ứng cử viên trước khi tham gia ứng cử nhằm minh bạch về tài sản, thu nhập của ứng cử viên đó. Về nguyên tắc vận động bầu cử, Luật có bổ sung nguyên tắc người ứng cử ĐBQH, ứng cử ĐB HĐND ở đơn vị bầu cử nào thực hiện quyền vận động bầu cử ở đơn vị bầu cử đó.
P.V: Ông có thể cho biết Sở Tư pháp đã có giải pháp gì để triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND đến với cử tri thành phố?
Ông Phan Thanh Long: Trên cơ sở phân công nhiệm vụ của Ủy ban bầu cử thành phố, Sở Tư pháp đã tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền, cổ động về bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND thành phố khóa IX trên trang thông tin điện tử của sở, ngành, quận, huyện; phân công đội ngũ Báo cáo viên pháp luật thành phố tham gia hoạt động tuyên truyền miệng, đồng thời xây dựng chuyên mục hỏi-đáp, Bản tin Tư pháp số chuyên đề, tờ gấp tuyên truyền những nội dung cơ bản pháp luật về bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND, phát hành đến hội, đoàn thể, tổ dân phố, thôn, bản, tổ hòa giải ở cơ sở và nhiều nội dung, hình thức thiết thực khác.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Tuấn
(Thực hiện)
Ngày 3-3, UBND Q. Sơn Trà (Đà Nẵng) tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND cho hơn 300 cán bộ, công chức viên chức các cơ quan; đoàn viên, hội viên các hội, đoàn thể, các báo cáo viên của quận và các phường. Ông Phan Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng giới thiệu những điểm mới của Luật bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND, trong đó tập trung vào các vấn đề như: Tuổi ứng cử, tuổi bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu, đơn vị bầu cử, quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử, tuyên truyền vận động bầu cử, nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu, bầu cử thêm, bầu cử lại... Tại hội nghị này, các đại biểu còn được phổ biến, quán triệt Luật Tổ chức chính quyền địa phương (TCCQĐP) năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Luật này gồm 8 chương và 143 điều, tăng 2 chương và 3 điều so với Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Trong đó, tập trung vào chương III "Chính quyền địa phương ở đô thị" với các nội dung liên quan thiết thực đến cấp quận, phường là: nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương, của HĐND, UBND; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính. K.T |