Những điều thí sinh cần lưu ý khi bước vào phòng thi

Thứ ba, 18/06/2019 13:40

Còn chưa đến 10 ngày nữa là bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Để bước vào phòng thi với tâm thế tự tin, thoải mái, thí sinh và cả phụ huynh cần lưu ý một số điểm dưới đây.

Đà Nẵng tổ chức cho thí sinh thi thử kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Thực tế, không ít thí sinh có học lực tốt nhưng tự gây áp lực cho chính mình,  ôn tập quá mức dẫn đến thiếu ngủ, căng thẳng, ức chế tinh thần nên khi bước vào phòng thi làm bài không được tốt như mong muốn. Đối với những trường hợp này, phụ huynh cần tìm cách giải tỏa tâm lý ức chế, có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý, khoa học để đảm bảo sức khỏe cho con trẻ  trước khi bước vào kỳ thi.

Trong thi cử, việc có mặt đúng giờ tại điểm thi rất quan trọng. Điều này được minh chứng từ sự cố đáng tiếc xảy ra trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Đà Nẵng, 1 thí sinh không được dự thi vì đi trễ gần 70 phút. Vì vậy, trước ngày thi, phụ huynh nên khuyên con thả lỏng cơ thể, nghỉ ngơi, đi ngủ sớm. Phụ huynh phải giúp con trẻ hiểu kiến thức là cả quá trình tích lũy, không thể dồn ép, ôn tập trong ngày một, ngày hai là có được.

Điều quan trọng nhất là trong quá trình đi thi, ngoài giấy CMND, thẻ dự thi, bút viết, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, Atlat Địa lý Việt Nam do NXB Giáo dục ấn hành (không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì), thí sinh không được mang thêm bất kỳ vật dụng nào khác. Khi nhận đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN), giấy giáp, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh; kiểm tra kỹ đề thi về số trang và chất lượng các trang in. Nếu thấy đề thi bị thiếu trang hoặc rách, nhòe, mờ phải lập tức báo cho cán bộ coi thi để kịp thời xử lý. Nếu thí sinh không phát hiện hoặc để quá thời gian sau khi phát đề 10 phút đối với môn Toán, Ngoại ngữ và 5 phút đối với môn Văn và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp môn mới báo thì thí sinh đó tự chịu trách nhiệm. Ngoài ra, thí sinh cũng cần lưu ý đối với môn thi đầu tiên của bài thi tổ hợp môn phải ghi mã đề thi vào 2 phiếu thu bài sau khi đã kiểm tra đề thi; kiểm tra kỹ mã đề thi để đảm bảo mã đề thi của các môn thi thành phần của mỗi bài thi tổ hợp môn phải trùng nhau. Trong quá trình làm bài, thí sinh đặc biệt không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì trừ vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Thí sinh chỉ được viết bằng một thứ mực và không được dùng bút mực đỏ. Thí sinh cũng không được ghi chép các nội dung hoặc để lại các dấu hiệu liên quan đến bài thi, đề thi ra các giấy tờ, tài liệu, vật dụng... nào khác ngoài bài thi, giấy nháp có chữ ký của cán bộ coi thi. Trong quá trình làm bài, không được trao đổi, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự trong phòng thi. Trong trường hợp muốn phát biểu, thí sinh phải giơ tay để báo cáo với cán bộ coi thi. Khi được phép nói, thí sinh phải trình bày công khai với cán bộ coi thi về ý kiến của mình. Khi phát hiện bài thi của mình có người khác xâm hại, phải báo cáo ngay cán bộ coi thi để xử lý. Đặc biệt, lúc nộp bài thi tự luận, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài. Đối với những thí sinh không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi đối với bài thi tự luận và phiếu TLTN đối với bài thi trắc nghiệm...

Khi làm bài thi tổ hợp, các thí sinh cần lưu ý một số nội dung sau: Thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp môn nào để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì phải thi tất cả các thành phần của bài thi tổ hợp đó (trừ trường hợp có điểm bảo lưu). Đối với thí sinh đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì phải dự thi đủ cả hai bài. Nếu thí sinh bỏ 1 trong 2 bài thi tổ hợp đã đăng ký thì sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh làm bài các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo lịch thi trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm. Hết thời gian làm bài của môn thi thành phần cuối cùng của thí sinh, cán bộ coi thi mới thu phiếu trả lời trắc nghiệm... Đối với những thí sinh dự thi các môn thi thành phần không phải là môn thi thành phần đầu tiên của bài tổ hợp phải có mặt tại phòng thi trước giờ phát đề thi của môn dự thi ít nhất 10 phút (thường là thí sinh tự do) và phải giữ trật tự trong khi chờ được gọi vào phòng thi. Nếu thí sinh đến trước 15 phút thì phải vào đợi tại phòng chờ và thực hiện đúng các quy định đã nêu trên.

Phụ huynh và thí sinh cần nắm rõ lịch thi các môn để chủ động thời gian, không đi trễ. Cụ thể, sáng 25-6 thi môn Ngữ Văn (120 phút), thời gian phát đề là 7 giờ 30, giờ làm bài: 7 giờ 35 phút. Chiều thi môn Toán (90 phút), giờ phát đề:14 giờ 20, giờ làm bài: 14 giờ 30. Ngày 26-6, sáng thi tổ hợp môn KHTN (Vật Lý- Hóa- Sinh), mỗi môn 50 phút. Cụ thể: Lý: 7 giờ 30 phát đề, 7 giờ 35 làm bài; Hóa: 8 giờ 30 phát đề, 8 giờ 35 phút làm bài; Sinh: 9 giờ 30 phát đề, 9 giờ 35 làm bài. Chiều cùng ngày thi ngoại ngữ (60 phút), 14 giờ 20 phát đề, 14 giờ 30 làm bài. Sáng 27-6, thi tổ hợp môn KHXH (Sử, Địa, Giáo dục công dân) thời gian phát đề giống như tổ hợp môn KHTN.

Những thông tin rất cần thiết, thí sinh và phụ huynh không nên bỏ qua cũng đừng chủ quan, khinh suất.

KHÁNH YÊN