Những đứa con của buôn làng

Thứ bảy, 08/06/2024 07:25

Nhớ lại ngày đầu năm mới xuân Nhâm Dần (tháng 2-2022), chỉ hai tháng sau khi được Bộ Công an tăng cường về với xã biên giới A Xan (huyện Tây Giang, Quảng Nam), một cụ già trong thôn Arầng ghé ngang, trên tay là bánh sừng trâu, bánh tét và một nải chuối nói là tặng mình, Đại úy Nguyễn Anh Tuấn vẫn còn nguyên cảm xúc: "Lúc đó, tôi rất xúc động, vì đang trải qua cái tết đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ ở nơi mới. Món quà bất ngờ của cụ già giúp tôi có cảm giác như mình đang được chia sẻ tình thân, chia sẻ niềm vui xuân mới với cụ. Những năm tháng sau này, tôi đã sống như con dân của bản làng, là người của A Xan này, từ sau món quà bất ngờ mà đầy tình cảm ấy".

Đại úy Nguyễn Anh Tuấn chọn ở lại với đồng bào.
Đại úy Nguyễn Anh Tuấn chọn ở lại với đồng bào.

Đại úy Nguyễn Anh Tuấn quê Quảng Bình. Sau khi vào ngành, anh được bố trí về nhận công tác tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Nam Trung Bộ rồi có tên trong danh sách 14 sĩ quan được Bộ Công an điều động về công tác tại các xã biên giới Quảng Nam. Hành trang đến với vùng biên của Đại úy Tuấn có những... bài báo viết về A Xan. Để đọc, tìm hiểu về vùng đất sẽ đặt chân đến. Phần nhiều trong số đó nhắc về khốn khó. "Tôi không hề ngần ngại và mong muốn được cống hiến ở vùng đất mới. Tôi đã mường tượng về một miền biên viễn xanh ngắt rừng già, những người Cơ Tu hồn hậu một lòng theo Đảng, Bác Hồ và tôi tin mình sẽ sớm thích nghi", Đại úy Nguyễn Anh Tuấn tâm sự.

Nhưng cũng chính lúc này, anh gặp khó khăn. Phần vì chưa am hiểu phong tục, tập quán; phần chưa biết nói tiếng Cơ Tu, chưa thông thuộc địa bàn. Nhưng cứ đi, cứ gặp, bền bỉ, càng đi càng gặp nhiều, càng học được nhiều. Học từ bà con, từ đồng nghiệp, từ cộng sự là dân quân ở thôn, là lực lượng Biên phòng, chính quyền cơ sở. Chính sự hồn hậu chân thật của đồng bào đã níu chân anh ở lại. Anh nói, ngày mai, ngày sau nữa, anh sẽ có thêm thời gian để cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết và cả tình cảm, trách nhiệm của mình với màu áo Công an, vì miền biên viễn này.

Bí thư Đảng ủy xã A Xan Hồ Văn Nhia nói, Đại úy Nguyễn Anh Tuấn chọn ở lại với A Xan, là chọn về cho mình nhiều phần thiệt thòi, bởi nơi này còn nhiều thiếu thốn. Nhưng, chính vì lẽ đó mà cán bộ, bà con A Xan càng yêu quý anh hơn, mỗi lần về phép lại nhớ…

Trung úy Ta Cooi Phân, cán bộ Công an xã Tà Lu (huyện Đông Giang) không nhớ nổi mình đã đi về bao nhiều chuyến, ngược xuôi giữa các thôn. Tốt nghiệp Đại học An ninh vào cuối năm 2020, Ta Cooi Phân về nhận công tác đúng lúc chủ trương đưa Công an chính quy về xã được đồng loạt triển khai ở Quảng Nam. May mắn là người Cơ Tu, sinh ra ở Đông Giang, Ta Cooi Phân nói, được sống giữa đồng bào mình, thì những cuộc đi đều như là đang trở về với quê hương. Ta Cooi Phân hiểu được "cái bụng" của đồng bào. Chân tình và mến khách thật đấy, nhưng sẵn sàng quay lưng bỏ đi khi nghe điều gì đó không lọt tai, thậm chí nổi giận…

Yêu ghét rất rõ ràng, nên để bà con thương quý, phải là một hành trình dài cùng ở, cùng ăn, cùng chia sẻ những vất vả gian lao với họ. Mùa mưa bão, để đề phòng sạt lở, lũ quét, Công an xã cùng các tổ xung kích ngược xuôi trực chốt cảnh báo tại các điểm suối, ngầm tràn, căn dặn bà con chằng chống nhà cửa. Ở dưới thôn, nghe tin người này người kia dựng nhà, dựng moong, cán bộ chiến sĩ Công an xã xuống xắn tay áo cùng làm.

Bà con quý, nhưng khó vẫn khó, nhất là chuyện vận động bà con giao nộp súng tự chế, súng săn. Bao đời nay người Cơ Tu quen săn bắn thú rừng, súng vừa là công cụ mưu sinh, vừa là một kỷ vật truyền đời. Qua những lần nắm tình hình, Ta Cooi Phân biết rõ ai còn giấu súng ở rừng, ai thường đi săn để tìm cách tiếp cận, nói xa đến nói gần, rồi thông qua Công an viên ở thôn, là bà con thân cận của họ để giảng giải, mời gặp. Như ông Bríu N., ban đầu lẩn tránh vì sợ... bắt phạt. Ta Cooi Phân hứa nếu tự nguyện giao nộp, không chỉ được tuyên dương thay cho xử phạt, mà còn được đổi vũ khí lấy gạo.

Sau lần đó, không chỉ ông N. mà nhiều người khác lần lượt tự nguyện giao nộp súng săn. Công an xã Tà Lu thu được hơn 10 khẩu súng các loại, cũng bằng sự miệt mài ấy.

Đến nay, không còn ai nghe thấy những tiếng súng vang lên đâu đó trong rừng nữa. Bà con tham gia các tổ bảo vệ rừng, đi gỡ bẫy, xua đuổi thợ săn nơi khác xâm nhập trái phép.

Cứ thế, bằng sự miệt mài, bằng tình cảm chân thật và cả sự xả thân quên mình, các Công an xã chính quy hòa nhập với buôn làng, như chưa hề có khoảng cách… Đó là việc Ta Cooi Phân dũng cảm đối mặt với Bhnướch C, vừa dùng dao sát hại anh ruột, bình tĩnh khuyên giải, thuyết phục. Cuối cùng đối tượng chấp nhận theo cán bộ Công an về trụ sở Công an xã…

Chủ tịch UBND xã Tà Lu Bling Trao nói, trước đây, nhiều người cứ thấy Công an tìm là lo lắng, lẩn tránh. Bây giờ, thấy từ xa đã vui vẻ chào đón như người thân.

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC