Những đứa trẻ mồ côi trong lòng người xứ lạ
3 bà mẹ và 51 đứa con
(Cadn.com.vn) - Đoàn từ thiện Vietnam Enfants De le Dioxine (Pháp) đến Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Đại Lộc (Quảng Nam) lúc trời nhá nhem tối, những đứa trẻ hớn hở chạy ùa ra đón như đón người thân. Anh Nguyễn Hữu Tám - Giám đốc Trung tâm-cho biết: “Tất cả 51 cháu được nuôi dưỡng tại Trung tâm đều là trẻ mồ côi vì TNGT, hoặc do người mẹ sinh con không như mong muốn nên bỏ rơi... Trung tâm nhận về chăm sóc, nuôi dưỡng”.
Có hoàn cảnh đáng thương nhất là 3 chị em ruột Lê Thị Nga (8 tuổi), Lê Thị Ngọc Lan (6 tuổi), Lê Đức Nghĩa (4 tuổi), người cha bỏ đi biệt tích, còn mẹ thì bị bệnh u bướu di căn qua não nhưng cũng không có tiền chữa trị bệnh tật. 3 chị em Nga phải về nương nhờ bà ngoại, nhưng ngoại già yếu không kham nổi cơm nước, học hành cho các em. Vì vậy, Trung tâm trở thành ngôi nhà thân thương của 3 chị em Nga. Tuy mới 8 tuổi nhưng Nga có vẻ già dặn, ra dáng người chị đảm đang, biết chăm lo cho hai đứa em...
Những người mẹ bảo mẫu ở đây cũng có hoàn cảnh đặc biệt. Chị Lê Thị Phi (50 tuổi), Trương Thị Xiêm (50 tuổi), Nguyễn Thị Kim Oanh (40 tuổi) tự nguyện làm việc ở đây từ những ngày đầu mới thành lập Trung tâm. Chồng các chị đều đã mất và khi vào đây rồi họ coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình và cả 51 đứa trẻ trong Trung tâm đều là con của mình. Chị Xiêm ôm một cháu nhỏ vào lòng mà nước mắt rưng rưng: Dù Ban lãnh đạo Trung tâm đã rất cố gắng, nhưng các cháu còn thiếu thốn nhiều thứ quá. Suất ăn của mỗi cháu chỉ có 6.000 đồng/ngày, và bữa sáng là 1.500 đồng, thi thoảng có tài trợ thì bữa ăn của các cháu đỡ hơn một chút. Ông Mai Anh Súy - Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc-cũng rất trăn trở: “Mỗi cháu ở Trung tâm được hưởng chế độ ăn là 180.000 đồng/cháu/tháng, trích từ nguồn ngân sách của huyện và sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức có tấm lòng hảo tâm. Suất ăn 3.000 đồng/bữa thì khó có thể đủ chất dinh dưỡng, biết vậy nhưng ngân sách của huyện cũng hết sức hạn hẹp, chúng tôi cũng chưa biết tính như thế nào...”.
![]() |
Bà Marie và ông Lịch trao quà cho các cháu ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Đại Lộc. |
Tấm lòng những người xứ lạ
Đoàn từ thiện hôm đó gồm ông Phạm Nguyên Lịch (Việt kiều) và bà Sylvie Phạm Nguyên (vợ ông) là người Pháp. Họ đã nhiều lần về thăm Việt Nam, lần nào về nước họ cũng tìm đến các trại trẻ mồ côi để giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh đặc biệt. Đi với họ là bà Marie Hélène Hofmann - giáo viên tiểu học ở Pháp đã nghỉ hưu, năm nay bà đã 60 tuổi. Bà rất yêu thích Việt Nam, vì vậy sau khi nghỉ hưu bà trở lại Việt Nam để tham gia công tác từ thiện ở một tổ chức từ thiện phi chính phủ. Bà Marie kể rằng: Năm 1995, lần đầu tiên đến Việt Nam du lịch, bà đã thực sự xúc động và đau xót trước hoàn cảnh đáng thương của những trẻ sinh ra sau chiến tranh bị di chứng chất độc màu da cam.
Kể từ sau chuyến du lịch đó, bà trở về nước và xin gia nhập tổ chức từ thiện mang tên Vietnam Enfants De le Dioxine hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực ủng hộ nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) ở Việt Nam. Tổ chức có hơn 20 thành viên nhận bảo trợ những trẻ em bị nhiễm CĐDC, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi... Họ đặt mục tiêu hỗ trợ cho mỗi cháu trong vòng 3 tháng với mức 300.000 đồng/tháng và sẽ tiếp tục nếu tìm được nhà tài trợ tiếp theo. Đồng thời họ cũng sẽ hỗ trợ kinh phí cho các anh chị em là NNCĐDC được học nghề theo nguyện vọng. 2 năm trước bà đến Việt Nam theo một chương trình từ thiện ở Châu Đốc, Long Xuyên, TP Hồ Chí Minh rồi ra Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hòa Bình...
Hôm đến thăm Trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi Đại Lộc, ngoài việc tặng những món hàng trị giá gần 150 triệu đồng, bà Marie và vợ chồng ông Lịch còn dành thời gian để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các cháu học lớp 11-12 với mục đích là sẽ tài trợ cho các cháu này được học nghề theo sở thích và mong muốn của mình, vì sau khi đủ 18 tuổi hoặc học xong lớp 12 các cháu sẽ phải rời Trung tâm để sống tự lập.
Sáng sớm hôm sau, Đoàn từ thiện rời Trung tâm, tiễn chúng tôi là những ánh mắt trẻ ngây thơ, trong veo nhưng đầy quyến luyến như không muốn rời xa...