Những hạt cơm thừa
Nhà tôi có một cái sân nhỏ khoảng 16 m2. Để tránh nắng chiều nghiêng về, tôi trồng một cây sa kê tạo bóng mát, nhờ vậy vào những tháng hè nắng nghiêng, sân vẫn đủ bóng mát. Sân nhà tôi vào buổi trưa, khi lũ chim sẻ dường như cho rằng mọi người đã đi ngủ, bay sà xuống nhặt những hạt cơm thừa.
Tôi phải khép cánh cửa kính lại để chúng khỏi thấy bóng mình, có thể dẫu phải kiếm từng hạt cơm thừa, những mảnh bánh rơi vụn, nhưng lũ chim luôn bất an với con người. Hai vợ chồng bây giờ có thú vui nuôi chim sẻ, nghĩa là cho chúng ăn. Và trong khi đi khắp nơi tìm miếng ăn, dường như chúng có một con đầu đàn, bay quan sát. Hạt cơm bé tí như thế, con chim bé tí như thế mà nó phát hiện ra nhanh chóng, gọi bầy cùng ăn. Cũng từ đó, tôi luôn để lại những thức ăn thừa, nếu bánh thì bẻ nhỏ ra, để ngoài sân cho bầy chim sẻ.
Mỗi bữa ăn, cơm thừa luôn còn sót trong đáy nồi, vợ tôi ngâm cho nở ra, rồi mới rải ra sân. Ngay cả bún, phở buổi sáng hay mấy mẩu bánh mì vụn, bánh ngọt vụn và cả mì gói - nói chung tất cả mọi thứ thuộc về thức ăn, chúng tôi đều để ra sân cho bầy chim sẻ ăn. Mọi người sẽ buồn cười vì đã gọi là nuôi thì nhốt trong lồng, nhưng con chim cũng có tự do, chúng cần bay cao bay xa. Cho chúng ăn là đủ.
Chim sẻ trong thành phố của chúng ta có rất nhiều, chúng sống và làm tổ mọi nơi và sinh tồn trong điều kiện có thể. Ngay ở bãi biển Nha Trang, chỉ cần đoàn khách ngồi ăn đứng dậy, chúng liền sà tới kiếm những thức ăn thừa. Ở Quảng trường 2-4 hàng ngày có rất nhiều người đem thóc gạo tới cho chim bồ câu ăn. Những con chim sẻ nhỏ bé cũng chen vào dự phần cùng chim bồ câu, chắc trong lòng cảm ơn lắm lắm những con chim bồ câu xinh đẹp tạo cho mình có bữa no. Ở Khu du lịch đảo Hòn Tằm, ngay ven biển, chỗ nhà hàng có để mấy chiếc khay gỗ. Thức ăn thừa như bánh ngọt khách để lại, nhân viên đem ra để lên những chiếc khay. Bầy chim sẻ ở Hòn Tằm bạo dạn, có thể vì chúng không bị con người quậy phá và xua đuổi.
Cũng kể tiếp chuyện thức ăn thừa, như những con thằn lằn nhỏ bé ẩn trú trong nhà bạn. Vợ tôi rất sợ thằn lằn. Ấy nhưng, ngay bàn ngồi để bán hàng ẩn phía sau có hai con thằn lằn. Mỗi khi dọn cơm ăn, chúng tôi lại bỏ vài hạt cơm thừa là hai con thằn lằn bò ra rất nhanh để lấy. Vài hạt cơm thừa bạn hất ra, bạn bỏ đi lại là miếng ăn của các loài vật quanh mình… Chuyện tiếp, tôi nhớ lâu lắm rồi ở một khu vực có thả sóc để chuyền cành cho vui. Có thể những con sóc năm nào được thả ra nay sinh sôi và đi khắp nơi. Cuộc mưu sinh của những con sóc trong lòng phố vô cùng khó khăn, vì thoáng thấy chúng là mọi người đuổi bắt. Cạnh nhà tôi có một con sóc trốn trú trên cây phượng, nó chật vật chạy mọi nơi để kiếm ăn. Tôi lấy mấy trái chuối hoặc trái cây có sẵn, để trên bục cao của cổng nhà. Con sóc vô cùng cảnh giác, đợi đến khi không có ai mới dám bò xuống ăn.
Nhà chúng ta luôn có những hạt cơm thừa, và nhiều thức ăn dư thừa. Công việc của người rửa chén bát là đổ tất cả chảy thoát vào ống cống. Cơm nguội dư không ăn hết hoặc bánh trái sau sinh nhật, hay sau tiệc đều dọn dồn vào trong các bao bì bỏ vào thùng rác. Đó là việc bảo đảm vệ sinh, chẳng có gì sai trái. Nhưng những con chim sẻ làm vui phố cho chúng ta trong buổi sáng nắng lên, trong buổi chiều trở về lại cần những hạt cơm thừa rơi rớt ấy. Cả con thằn lằn bé nhỏ trốn ẩn trong nhà bạn lâu lâu tặc lưỡi đôi khi lại không tìm ra một hạt cơm thừa.
Tạp bút: Khuê Việt Trường