Những khuất tất phía sau bộ hồ sơ 3 lá (Kỳ 1: Từ nghi vấn 8 năm mua đất không xây được nhà?)
Qua phản ánh một số hộ dân tổ 3 (tổ 4, tổ 12, tổ 5 cũ) P. Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng) về việc gia đình ông N.H.C (1950), bà L.T.M (1956, hộ khẩu thường trú P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê, tạm trú P. Hòa Minh, Liên Chiểu) đổ vật liệu để xây dựng nhà trên lối đi của dân, xây dựng không có giấy phép, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng vào cuộc tìm hiểu thì được biết, đằng sau vụ tranh chấp này có nhiều mập mờ, khuất tất cần được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Lô đất ông bà C. mua lại của ông Trần Hữu Chánh được một số hộ dân tổ 3 phản ánh là lối đi khu dân cư. |
Theo vợ chồng ông C. trình bày, hơn 10 năm trước, ông C. bị bệnh nặng, gia đình lâm cảnh nợ nần buộc phải bán nhà ở P. Xuân Hà, lên thuê trọ nhà một người quen ở P. Hòa Minh. Giữa năm 2010, do ông C. đang bệnh, bà M. giấu chồng vay mượn tiền mua đất có diện tích 150m2 tại tổ 12 cũ, nay là tổ 3, P. Hòa Hiệp Nam của ông Trần Hữu Chánh theo hình thức chuyển nhượng. Hồ sơ gồm có: 1 tờ đơn xin giao đất để làm nhà ở có chữ ký của Chủ tịch UBND P. Hòa Hiệp Nam bấy giờ là ông Lê Duy Du (ngày 6-5-2010), kèm theo bản vẽ sơ đồ vị trí khu đất giao do cán bộ địa chính lúc đó là ông Nguyễn Hoàng Nguyên lập, 1 biên bản họp thường trực UBND P. Hòa Hiệp Nam xét đơn xin giao đất của vợ chồng ông C. với chữ ký của các thành viên gồm: Ông Lê Duy Du, ông Phạm Viết Mười - Chủ tịch UBMTTQVN phường, ông Võ Ngọc Tâm, ông Hồ Đắc Thắng - cùng là Phó Chủ tịch UBND phường và ông Nguyễn Hoàng Nguyên - cán bộ địa chính-xây dựng. Trong biên bản xét đơn xin giao đất làm nhà này, nguồn gốc đất trên do ông Chánh tự khai phá, theo NĐ 64/CP thuộc thửa số 20, Tờ bản đồ số 25. Với xác nhận của chính quyền địa phương cùng việc khi mua thấy đã có móng và một cái chòi nhỏ trên đất nên bà M. đinh ninh đất có nguồn gốc, cơ sở pháp lý.
Do hoàn cảnh khó khăn nên mãi đến năm 2016, khi được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng để sửa chữa, xây nhà mới dành cho người có công (bà M. là thương binh), vợ chồng bà M. mới mua VLXD để xây nhà thì xảy ra tranh chấp với hộ ông Nguyễn Quốc Bảo. Mặc dù không có giấy phép xây dựng nhưng khi chôn trụ sắt, quy tắc phường không đến lập biên bản mà chỉ có hộ ông Bảo cản trở không cho thi công. Từ việc tranh chấp này, chính quyền P. Hòa Hiệp Nam nhiều lần mời các bên lên giải quyết. Ban đầu là giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn giữa hộ ông C. với ông Bảo, sau là giải quyết tranh chấp về việc ông Bảo cũng như một số hộ dân cho rằng đất mà vợ chồng ông C. mua lại từ ông Chánh nằm trên lối đi của bà con.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Chánh - người đứng tên bán đất cho vợ chồng ông C. cho biết, đất đó không phải ông tự khai phá mà góp vốn chung với ông Phạm Phước Dũng (Đội phó Đội Quy tắc đô thị Q. Liên Chiểu) để mua lại của bà Nguyễn Thị Phượng (cạnh nhà) cách đây tầm 8 năm. Lấy lý do là “cán bộ Nhà nước”, ông Dũng yêu cầu người đứng tên mua là ông Chánh. Nghĩ ông Dũng là cán bộ quy tắc ở quận, lại ở gần nhà, việc mua bán có người chứng kiến nên ông Chánh đồng ý đứng tên một mình. Ông Chánh cho biết thêm, hai người chung tiền mua lô đất hết 65 triệu đồng (trong đó có 5 triệu đồng trả tiền cây ông Bảo đã trồng trên đất này). Sau đó, họ bỏ thêm khoảng 30 triệu đồng nữa để đổ đá, xây kè. Đến năm 2015, qua “cò” đất tên Châu ở P. Hòa Khánh Bắc, ông Dũng dẫn vợ chồng ông C. đến nhà ông Chánh để thỏa thuận việc chuyển nhượng mảnh đất mua chung này với giá 125 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Chánh chỉ được chia 44 triệu đồng. Trả cho cò đất 8 triệu đồng, còn lại ông Dũng nói để ông lo làm giấy tờ cho vợ chồng bà M. “Chính ông Dũng là người dẫn ông C., bà M. đến nhà gặp tôi. Nghe hoàn cảnh ông bà, thương cảnh già mà phải thuê thà, bà M. lại là thương binh, nên tôi đồng ý bán lỗ. Tôi viết giấy chuyển nhượng đàng hoàng. Tôi không dính dáng gì đến việc làm giấy tờ cho vợ chồng ông C. Chuyện đó ông Dũng nói để ông ấy lo” - ông Chánh khẳng định.
Xác nhận của chính quyền P. Hòa Hiệp Nam năm 2010 cho rằng đây là đất do ông Chánh tự khai phá. |
Giấy chuyển nhượng đất giữa bà Nguyễn Thị Phượng với ông Trần Hữu Chánh chứng minh nguồn gốc không giống như những gì mà biên bản Hội đồng Thường trực UBND P. Hòa Hiệp Nam đã xác nhận. Ảnh: K.Y |
Khi P.V đặt vấn đề: “Trong giấy tờ mua bán đất giữa ông với bà Phượng, vì lý do gì không ghi ngày tháng năm, cơ sở nào để ông khẳng định mua năm 2010, 2011? Đối với việc bán lại đất cho vợ chồng ông C., họ cho biết không có giấy biên nhận nào cả thì lấy cơ sở nào khẳng định đó là năm 2015?”, ông Chánh nói: “Tôi muốn câu chuyện phải được phản ánh một cách trung thực. Thực tế tôi mua đi bán lại, giấy tờ viết tay. Nếu có sai thì do sự không hiểu biết của mình thôi. Sở dĩ tôi dính vô chuyện mua bán đất này là do tôi thương Bình (Núi Thành, Quảng Nam), kỹ sư điện - làm công trình cùng với tôi. Nó mua miếng đất này của bà Phượng, đặt cọc 20 triệu đồng nhưng do giấy tờ sao đó, nó đòi lại tiền cọc nhưng bà Phượng không chịu đưa. Tôi thấy nó tội quá nên mới rủ Dũng góp tiền mua giúp miếng đất này. Khi mua, tôi hỏi Dũng về thủ tục giấy tờ đất đây như thế nào, Dũng nói chỗ đó làm được”. Khi P.V đưa những giấy tờ ký xác nhận của chính quyền P. Hòa Hiệp Nam ký vào năm 2010, ông Chánh cho biết: “Chúng tôi bán cho vợ chồng ông C. mới đây thôi. Chuyện làm giấy tờ và vì sao là năm 2010 là chuyện của Dũng, không liên quan đến tôi”.
Ông Ngô Văn Tòng - cựu chiến binh, một trong 3 người đến ở khu vực này sớm nhất, cho biết: “Năm ngoái, P. Hòa Hiệp Nam mời tôi và các lão thành lên họp để xác định nguồn gốc đất mà ông C. mua lại của ông Chánh. Tôi nói đất này từ trước đến nay là đất công, ông Bảo từng trồng cây trên đó. Sau này, con bà Phượng ra nói đó là đất của nó. Sau đó nghe đâu bán lại cho ông Trần Hữu Chánh. Ông Chánh mới bán lại cho vợ chồng ông C. theo hình thức viết tay”. Ông Hoàng Đình Luận - Tổ trưởng tổ 3, cũng cho rằng: “Trước đây đất đó là hục sâu, ông Bảo trồng cây lên đó. Sau này ông Chánh và ông Dũng cùng mua rồi mới bán lại cho vợ chồng ông C.”.
(còn nữa)
Điều tra: KHÁNH YÊN
Kỳ tới: Có hay không chuyện ký lùi để hợp thức hóa giấy tờ?