Những lễ hội phản cảm sẽ mất dần trong đời sống xã hội

Thứ ba, 05/01/2016 09:04

(Cadn.com.vn) - Trước mùa lễ hội 2016, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Thông tư 15 (ngày 22-12-2015) quy định về tổ chức lễ hội. Theo đó, nghi lễ trong lễ hội cần được tiến hành trang trọng trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp.

Lễ hội Đền Đô (Bắc Ninh) gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống.

Chuyển biến vẫn chưa triệt để

Theo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở, nhìn chung, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2015 đã có những chuyển biến tích cực hơn hẳn những năm trước đây. Các đơn vị, địa phương khi tổ chức lễ hội đều xây dựng kế hoạch, chương trình, kinh phí tổ chức chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của nhân dân, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân. Tuy nhiên, những tồn tại cũ của các mùa lễ hội trước vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Nhờ sự tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội từ Bộ VH-TT&DL và các địa phương nên trong năm 2015, nhiều lễ hội đã có sự chuyển biến rõ nét. Hầu hết ban quản lý di tích, ban quản lý lễ hội các địa phương đã tuyên truyền về lịch sử di tích, ý nghĩa lễ hội, các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội nên tình trạng ùn tắc, chen lấn, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch trong di tích, lễ hội, nạn cờ bạc, mê tín dị đoan, ăn xin ăn mày giảm đáng kể. Ban quản lý một số di tích, lễ hội như: đền Cửa Ông (Quảng Ninh), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), chùa Keo (Thái Bình), miếu Bà Chúa Sứ (Núi Sam)... đã bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, tiền  nhang đèn trong di tích đúng quy định. Tuy vậy, tình trạng thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, nạn bạo lực, tranh cướp, chen lấn, tranh giành khách làm mất an ninh, trật tự vẫn chưa được khắc phục triệt để. Hiện tượng đốt vàng mã không đúng nơi quy định vẫn xảy ra; công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải vẫn tái diễn. Đây là những vấn đề tồn tại từ lâu trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội song chưa khắc phục được triệt để.

"Nguyên nhân khiến những hạn chế trong lễ hội chưa được khắc phục một mặt là do việc cấp phép lễ hội ở một số địa phương chưa có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương ở một số nơi chưa được phát huy; mặt khác do không gian di tích, lễ hội chật hẹp trong khi số người tham gia lễ hội ngày một tăng. Đáng nói hơn, nhận thức về giá trị, ý nghĩa của di tích, lễ hội chưa cao, ý thức thực hiện nếp sống văn minh còn hạn chế khiến một số lễ hội giảm đi giá trị, ý nghĩa tốt đẹp vốn có", bà Trịnh Thị Thủy (Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở) nhận định.

Đặc biệt, cuối năm 2015, lần đầu tiên Bộ VH-TT&DL tiến hành việc chấm điểm công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2015 do các cơ quan quản lý nhà nước, các tỉnh, thành phố và đại diện các cơ quan báo chí thực hiện cũng cho kết quả, số địa phương xếp loại A (thực hiện tốt) chỉ chiếm gần 23%, trong khi số địa phương xếp loại B (hoàn thành) lên tới hơn 71%. Con số này phần nào phản ánh thực trạng lễ hội hiện nay.

Loại dần lễ hội phản cảm

Theo Thông tư 15 (ngày 22-12-2015) quy định về tổ chức lễ hội, nghi lễ trong lễ hội cần được tiến hành trang trọng trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp. Phần hội phải đảm bảo vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội, khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian. Những lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân ái của dân tộc như việc mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác... sẽ không được tổ chức. Tuyên truyền để người dân loại bỏ dần các yếu tố phản cảm trong lễ hội là mục tiêu chính của ngành văn hóa trong công tác quản lý lễ hội năm 2016.

Song song với công tác quản lý, năm 2016 và những năm tiếp theo, Bộ VH-TT&DL sẽ giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội; quy hoạch hệ thống dịch vụ, nói không với việc bày bán thịt động vật hoang dã, đồ chơi có tính bạo lực, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình. Ông Nguyễn Hữu Hoa- Sở VH-TT&DL Bắc Ninh- địa phương năm 2015 đã gây "chấn động" dư luận với tục "chém lợn" cho biết: "Lễ hội chém lợn có ý nghĩa là khao quân, có từ lâu đời, trong những năm chiến tranh bị mai một. Năm 1999, lễ hội được khôi phục. Hơn chục năm nay lễ hội diễn ra bình thường. Từ năm 2012 đến nay dư luận quan tâm đến lễ hội này, có ý kiến ủng hộ, có ý kiến không. UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL cũng đã hướng dẫn, năm 2013- 2014 không tổ chức chém lợn ở giữa sân đình nữa và đưa vào chỗ kín đáo hơn. Từ năm 2015, do nhiều ý kiến trái chiều, nhân dân tiếp tục mong muốn, thậm chí là người cao tuổi chỉ đạo con cháu tổ chức chém lợn giữa sân đình. Nhiều ý kiến vẫn cho rằng đây là lễ hội giàu truyền thống văn hóa, cần được bảo tồn, phát huy. Lễ hội không vi phạm các quy định. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng lễ hội chém lợn không phải là giá trị bất biến, mà có thể thay đổi được, đề nghị thay đổi cách thức tổ chức cho phù hợp. Tỉnh đã tuyên truyền để nhân dân điều chỉnh cách thức tổ chức cho phù hợp".

Theo Sở VH-TT&DL Quảng Nam: Công tác tổ chức lễ hội ở địa phương đã giảm được tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan. Chuyển biến này do quản lý một phần nhưng chủ yếu là do ý thức người dân. Nhiều khu vực miền núi vẫn tổ chức lễ hội đâm trâu, nó không quá dữ dằn, phản cảm nhưng địa phương sẽ vận động nhân dân bỏ. Năm 2016 chưa bỏ ngay được, nhưng sẽ dần dần tuyên truyền để nhân dân hiểu và bỏ phần phản cảm này.

Nhận thức của người dân và các cơ quan quản lý về bản sắc văn hóa của lễ hội cần được xem lại. Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL: Với các lễ hội như Chém lợn thì UNESCO thừa nhận tính riêng biệt nhưng không thừa nhận tính bạo lực.

Thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng nhận định, mô hình quản lý di tích, lễ hội đang mắc, nơi thuộc Sở, nơi thuộc Ủy ban, nơi giao cho quận huyện. Tính thương mại hóa trong công tác quản lý. Việc chia tiền công đức gây mâu thuẫn ở không ít nơi, gây ảnh hưởng công tác tổ chức, quản lý, thậm chí cả dịch vụ.

Một số lễ hội phục dựng có yếu tố thương mại ví dụ như chọi trâu chỉ có ở Hải Phòng, hiện mang đi nhiều nơi và bán vé. Một số nội dung lễ hội có tính phản cảm, như lễ hội chém lợn (Ném Thượng, Bắc Ninh), cướp phết tại lễ hội Phết Hiền Quan (Vĩnh Phúc), cướp lộc tại Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội).

Nhiều vấn đề của lễ hội vẫn còn tồn tại và trong năm 2016, Bộ VH-TT&DL sẽ kiên quyết trong quản lý. Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, cần dẹp bỏ các lễ hội phản cảm. Bởi lễ hội hiện nay không chỉ bó hẹp trong cộng đồng làng xã như trước mà nó ảnh hưởng đến toàn cầu, nên cần có sự nhận thức cho đúng.

Hà An