Xét xử vụ án Tân Hoàng Minh:

Những lời khai đầu tiên của ông Đỗ Anh Dũng

Thứ tư, 20/03/2024 10:54
Ngày 19-3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (viết tắt là Công ty Tân Hoàng Minh).
Các bị cáo vụ Tân Hoàng Minh đều thừa nhận hành vi sai phạm liên quan đến việc phát hành trái phiếu, chiếm đoạt tiền của 6.630 nhà đầu tư.
Các bị cáo vụ Tân Hoàng Minh đều thừa nhận hành vi sai phạm liên quan đến việc phát hành trái phiếu, chiếm đoạt tiền của 6.630 nhà đầu tư.

Trong vụ án này, 15 bị cáo gồm: 10 bị cáo thuộc Công ty Tân Hoàng Minh là Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty), Đỗ Hoàng Việt (con trai bị cáo Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty), Phùng Thế Tính (nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính - Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế toán), Hoàng Quyết Chiến (quyền Phó Giám đốc Trung tâm Tài chính - Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế toán), Lê Thị Mai (nguyên Phó Giám đốc Ban Nguồn vốn), Vũ Lê Vân Anh (Phó Giám đốc Ban Nguồn vốn), Nguyễn Văn Khẩn (Phó Trưởng phòng Ngân sách Trung tâm Tài chính - Kế toán), Lê Văn Thịnh (Phó Tổng Giám đốc), Trần Hồng Sơn (Phó Tổng Giám đốc), Nguyễn Khoa Đức (Trợ lý Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Cung điện Mùa đông) và 5 bị cáo khác gồm: Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt), Bùi Thị Ngọc Lân (nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và Kiểm toán Nam Việt Chi nhánh phía Bắc), Lê Văn Dò (Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Kế toán Hà Nội), Phan Anh Hùng (nguyên Phó Giám đốc Công ty CPA Hà Nội, Chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Thị Hải (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CPA Hà Nội) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a, Bộ luật Hình sự.

Trong số 15 bị cáo, có 7 bị cáo được tại ngoại, 8 bị cáo bị tạm giam.

Theo cáo trạng công bố tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Anh Dũng là người điều hành, chỉ đạo, quyết định cao nhất đối với các hoạt động kinh tế tại Công ty Tân Hoàng Minh và hệ thống các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Dũng đã chỉ đạo con trai là Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách tài chính tìm nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh, đầu tư của Tập đoàn thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn. Bị cáo Dũng còn đồng ý, phê duyệt cho triển khai những nội dung như: Lựa chọn công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành, giá trị dự kiến phát hành, tài sản đảm bảo, lãi suất, sử dụng Công ty Tân Hoàng Minh mua trái phiếu sơ cấp để lấy uy tín, thương hiệu Tân Hoàng Minh bán trái phiếu ra cho nhà đầu tư… Qua đó, chiếm đoạt của 6.630 bị hại hơn 8.643 tỷ đồng thông qua phát hành 9 gói trái phiếu.

Lúc gần 15 giờ chiều 19-3, chủ tọa Nguyễn Xuân Văn đề nghị lực lượng hỗ trợ tư pháp đưa bị cáo Đỗ Anh Dũng vào phòng xét xử sau thời gian bị cách ly. Trả lời thẩm vấn của chủ tọa về việc một số bị cáo khai phương án phát hành trái phiếu là tạo dựng không có hợp tác; việc tạo dựng, chạy dòng tiền ảo mua trái phiếu có sai phạm hay không, bị cáo Dũng nói: "Tôi nghĩ là có. Với tư cách người đứng đầu tập đoàn, tôi nghĩ là sai".

Bị cáo thừa nhận là người đề ra chủ trương phát hành trái phiếu và giao cho Việt. Giãi bày trước tòa, Chủ tịch Tân Hoàng Minh cho hay, thời điểm năm 2021, tập đoàn có nhu cầu vốn ngày càng nhiều nên ông nói với Việt tìm nguồn tài trợ vốn ngoài ngân hàng. "Việt đề xuất kênh trái phiếu. Trước khi phát hành, tôi biết các công ty tập đoàn khác phát hành triệu nghìn tỉ. Tôi thấy kênh trái phiếu là hiệu quả", bị cáo Dũng nói.

"Có phải phương án tạo dựng phát hành trái phiếu qua 3 công ty?" - chủ tọa thẩm vấn. Bị cáo Dũng cho hay, bản thân là chủ tịch, nên chỉ ra chủ trương lớn, chi tiết thì Việt lo. "Có phải các tài sản không còn để đảm bảo vay ngân hàng?", chủ tọa hỏi tiếp. Bị cáo Dũng phủ nhận và cho rằng, tập đoàn vẫn còn tài sản. "Việc truy tố đúng không?", chủ tọa hỏi. "Tôi tôn trọng kết luận điều tra, cáo trạng", bị cáo Dũng đáp và cho hay, bản thân ngay từ khi phát hành trái phiếu, trong thâm tâm chưa bao giờ nghĩ chiếm đoạt, mà chỉ là huy động để có tiền kinh doanh đầu tư, thanh toán hợp đồng. Trước lời khai đó, chủ tọa truy vấn: "Việc huy động có đúng pháp luật?". "Tại thời điểm đó, nhận thức về phát hành trái phiếu của tôi chưa đầy đủ", bị cáo Dũng trình bày. Theo bị cáo, ngay từ khi bị tạm giữ, bắt tạm giam, thực tế ở trong trại, bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình. Từ đó, bị cáo tích cực và đề nghị được khắc phục.

"Trong hơn 1 năm gặp gia đình có 2 lần, nhưng với tinh thần quyết liệt nhất, đã khắc phục được toàn bộ số tiền đó", bị cáo Dũng nêu tại phần thẩm vấn và nói rằng, cho đến bây giờ, số tiền được nộp hoàn toàn để trả cho bị hại và thừa "hơn một chút".

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 20 ngày.

KIM ANH