Những mái ấm thắm tình người
Nghe tiếng gọi, H-Diễm và H-Dung từ hiên nhà vui sướng chạy về phía mẹ. Ba mẹ con kéo nhau ngồi bệt dưới nền. Mẹ Thanh lấy ra những bộ quần áo mới đưa hai con gái mặc thử. Thiếu tá Thanh tâm sự: "Hai chị em H-Diễm và H-Dung là người dân tộc M'Nông, có hoàn cảnh rất đặc biệt, từ nhỏ đã thiếu vắng đi tình thương yêu, chăm sóc của bố mẹ. Biết hai con thiệt thòi nên Phòng CSGT nhận nuôi để đồng hành cùng hai con trên con đường dài phía trước".
Thiếu tá Thanh kể, năm 2020, mẹ của chị em H-Diễm là chị H-Ngát (1990) bị bệnh ung thư qua đời. Không lâu sau, bố là Điểu Thê (1989) trên đường đi làm về bị tai nạn giao thông tử vong, để lại hai đứa trẻ không nơi nương tựa.
Thương hai cháu, người dì đưa về chăm sóc, nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó, còn nuôi thêm mẹ già, con nhỏ nên cuộc sống gia đình bữa đói bữa no. Ngày 20-3-2023, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Phòng CSGT nhận hai cháu làm con nuôi, hỗ trợ hai chị em H-Diễm.
Tuy vật chất không nhiều nhưng với sự quan tâm, động viên, chia sẻ kịp thời từ những người bố, người mẹ mang sắc phục CSGT, chị em H-Diễm và H-Dung đã có điểm tựa trong hành trình khôn lớn, trưởng thành. "Phòng CSGT nhận làm con nuôi và phân vai Hội Phụ nữ sẽ là mẹ, còn Đoàn Thanh niên sẽ là bố. Để có kinh phí lo cho các con, hằng tháng khi nhận lương, mỗi hội viên, đoàn viên trích 100.000 đồng đóng góp vào quỹ bố mẹ đỡ đầu", Thiếu tá Thanh chia sẻ.
Mỗi cháu được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, gửi một quý 1 lần. Ngoài tiền, bố mẹ còn giúp các con sách vở, gạo, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt… Vào các dịp lễ thiếu nhi, trung thu bố mẹ đều xuống thăm, mua quần áo đẹp và tặng quà.
"Bố mẹ con mất cả nhưng giờ chị em con có bố mẹ mới là các cô chú Cảnh sát. Con vui lắm, không phải chịu cảnh đói bụng, quần áo rách nữa", H-Diễm tâm sự.
Ngoài thăm, động viên, Phòng CSGT giữ liên lạc với dì hai con và Hội Phụ nữ xã Trường Xuân để kịp thời nắm bắt khó khăn của hai con. Đại úy Phan Xuân Bằng (Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông) chia sẻ, để tiếp cận được các hoàn cảnh mồ côi, hằng ngày, hằng tuần những thành viên của chương trình "bố mẹ đỡ đầu" cập nhật thông tin từ đồng đội thực hiện nhiệm vụ xử lý tai nạn giao thông, nắm bắt được hoàn cảnh nào khó khăn, mồ côi để liên hệ, nhận nuôi. Vừa qua, đơn vị biết được hoàn cảnh một gia đình có đến 5 đứa trẻ mồ côi bố mẹ. Hiện, anh trai mới 24 tuổi nhưng đang nuôi 4 đứa em, trong đó hai em nhỏ học tiểu học. "Đến tiếp xúc, vận động để nhận nuôi, hỗ trợ cho các cháu nhưng anh trai không đồng ý. Anh trai cho rằng, bố mẹ mất có để lại rẫy nên làm nuôi các em, không muốn sau này các em lớn lên quên đi sự vất vả của anh. Nhiều lần sau đó, anh em cũng quay lại vận động, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ nhưng vẫn không thành. Chúng tôi đang tiếp tục thuyết phục", Thiếu tá Thanh cho hay.
Thượng tá Phạm Quốc Lập- Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông tâm sự: "Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng dang rộng vòng tay, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi bố mẹ do tai nạn giao thông".
Cũng theo Thượng tá Lập, bố mẹ đỡ đầu đã kịp thời chia sẻ, giúp đỡ, chăm sóc, động viên tinh thần, hướng dẫn các em học tập, dạy kỹ năng sống, cách tự chăm sóc bản thân, định hướng lựa chọn nghề nghiệp, hỗ trợ nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày, chi phí học tập, khám chữa bệnh… "Từ việc làm này, chúng tôi mong tạo được sự lan tỏa trong xã hội nhằm chung tay chia sẻ, chăm sóc những trẻ mồ côi, giúp các em thêm nghị lực trở thành người công dân có ích. Đồng thời, xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an tận tụy, thân thiện, vì nhân dân phục vụ", Thượng tá Lập nhấn mạnh.
Tính trong toàn lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông, hiện các đơn vị đã và đang nhận nuôi gần 70 cháu nhỏ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, các cấp phụ nữ Công an tỉnh Đắk Nông nhận đỡ đầu trên 40 trẻ mồ côi với mức hỗ trợ ít nhất là 500.000đồng/1 cháu/1 tháng và xây dựng 3 "Ngôi nhà hạnh phúc". Sự chia sẻ, giúp đỡ, chăm sóc, động viên, hướng dẫn của những người lính phần nào giúp các em tiếp tục duy trì việc học tập, rèn kỹ năng sống, hiểu biết pháp luật, lựa chọn nghề nghiệp đặc biệt là xoa dịu, vơi bớt những nỗi đau về tinh thần, cũng như những khó khăn về vật chất mà các cháu phải gánh chịu...
Hồng Long