Những mảng tối nơi vùng cao xứ quảng (Kỳ cuối: Nỗi đau mang tên tự tử)

Thứ bảy, 06/05/2023 07:50
Những năm gần đây, đồng bào Ca Dong, Xơ Đăng ở huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) đã bỏ dần hủ tục đâm trâu để chữa bệnh. Thế nhưng, tình trạng người dân tự tử bằng cách ăn lá ngón hoặc treo cổ đang là vấn đề nhức nhối tại một số xã vùng cao của địa phương này.
Hai cháu mồ côi Hồ Hoàng Bảo và Hồ Thị Bảo Truyền sống lay lắt giữa núi rừng.
Ngôi nhà của gia đình bỏ hoang sau khi anh Hồ Văn Banh tự vẫn.

Ám ảnh về những cái “chết xấu”

Trời nắng như đổ lửa, thế nhưng hai anh em Hồ Hoàng Bảo (8 tuổi) và Hồ Thị Bảo Truyền (6 tuổi, nóc Tong Pua, thôn 3, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) đầu trần chạy lang thang ngoài đường. Hỏi ra, chúng tôi được biết hai cháu mới mồ côi cha, còn mẹ bỏ đi làm ăn xa. Dì và cô thương tình đưa về cưu mang, nay ở với người này, mai ở với người kia. Song tình thương của cô dì không thể nào thay thế được tình cảm của cha mẹ. Các em giờ như ngọn lau trắng phất phơ giữa núi rừng.

Cha các em là Hồ Văn Banh (1988) trong một đêm say cách đây vài tháng đã tìm đến cái chết bằng nắm lá ngón. Những người ở lại không thể ngờ rằng, Banh lại chọn cái chết cho mình chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt với anh trai. Tối hôm đó, sau khi đã uống quá chén, giữa Banh và anh trai xảy ra mâu thuẫn. Lúc này Banh cầm cái rựa đánh vào chân anh mình bị thương. Chuyện tưởng dừng lại ở đó, nhưng đến khuya, người nhà phát hiện Banh treo cổ tự vẫn trong ngôi nhà gia đình đang ở.

Sau khi chồng chết, chị Hồ Thị Cúc (vợ anh Banh) bỏ 2 con nhỏ ở nhà để xuống thị trấn Trà My làm thuê cho một quán ăn. “Lâu nay không thấy Cúc về, chắc nó đi luôn rồi. Hai đứa nhỏ lúc thì ở với tôi, lúc thì qua nhà hàng xóm ở. Ai cho gì ăn nấy. Bơ vơ không cha mẹ thấy tội quá chừng”, chị Hồ Thị Mái- cô của 2 cháu nhỏ cho hay.

Trước khi anh Banh mất vài ngày, cũng tại khu dân cư Tong Pua, trong một đêm say, anh Lê Quang Hợi cũng tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tự vẫn. Trong khi đó, anh Hồ Văn Phong (gần nhà anh Hợi) cũng chọn cái chết cho mình nhưng bằng cách ăn lá ngón. Phong và Hợi mất đi để lại 4 đứa con bơ vơ cho vợ chăm nom.

Với những cái chết xấu như trên, theo tục lệ của đồng bào nơi đây, những hộ trong làng sau 2 ngày mới được đi ra khỏi nhà. Còn riêng với hộ có người mất, sau 6 ngày họ mới được ra khỏi nhà, với điều kiện phải cúng gà xong mới được đi. “Đó là cái chết xấu, nên phải cữ. Nếu mình không cữ thì thần linh họ phạt, mùa màng thất thu, xui xẻo ập đến với gia đình. Nên phải kiêng cữ”- chị Mái lý giải thêm.

Sau liên tiếp những cái “chết xấu”, ngôi nhà lạnh lẽo của anh Banh, anh Hợi chẳng ai dám tới. Nếu như trước đây, những ngôi nhà này đã bị dân làng đốt cháy. Thậm chí cả làng phải bỏ đi, tìm nơi ở khác vì liên quan đến cái “chết xấu”. Song những năm gần đây, nhờ chính quyền ra sức vận động, nên người dân đã nâng cao nhận thức, không còn đốt nhà, dời làng như xưa.

Nỗi đau người ở lại

Còn nhớ cách đây không lâu, chúng tôi ghé nóc Măng Lưng (thôn 3, xã Trà Cang) khi hay tin có đôi vợ chồng trẻ tự vẫn. Khi đến nơi, ngôi làng như không có sức sống. Ai nấy đều ngồi ủ rũ, ánh mắt vô hồn nhìn xa xăm. Trong đó, có vợ chồng già Hồ Thị Nê và ông Hồ Văn Xuất bên ngôi nhà ván đang phải gánh gồng nuôi 7 đứa cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông bà Nê có 4 người con thì có đến 2 người con trai cùng 2 người con dâu ăn lá ngón và treo cổ tự tử. Nỗi đau tột cùng khi bi kịch ập đến gia đình.

Hai cháu mồ côi Hồ Hoàng Bảo và Hồ Thị Bảo Truyền sống lay lắt giữa núi rừng.

Trước đó vào một ngày đầu tháng 8-2018, con dâu bà Nê là Hồ Thị Thiên (32 tuổi) đã dùng lá ngón để kết thúc cuộc đời mình, bỏ lại 3 đứa con thơ dại. Có lẽ, cái chết của chị Thiên là sự giải thoát cho cuộc đời mình khỏi những cơ cực trước mắt. Bởi trước đó, chồng chị là Hồ Văn Hai vì mâu thuẫn gia đình, túng quẫn nên chọn cách treo cổ để kết thúc cuộc sống của mình. Vợ chồng anh Hai tự vẫn chỉ sau vài năm xảy ra cái chết tương tự khi anh trai là Hồ Văn Thiên và chị dâu Hồ Thị Thôi cũng đã chọn lá ngón để ra đi, bỏ lại 4 cháu nhỏ…

Theo UBND xã Trà Cang cho biết, dù địa phương đã ra sức tuyên truyền, vận động, thế nhưng hầu như năm nào trên địa bàn xã cũng có nhiều người chết do tự vẫn, ăn lá ngón. Từ danh sách của cán bộ phụ trách mảng dân số cung cấp, ông Nguyễn Đỗ Trí- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho hay, qua thống kê, hiện trên địa bàn toàn xã có 23 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, trong đó đa số cha mẹ các em chết do tự vẫn. Ngoài ra còn có gần 60 em mồ côi cha hoặc mẹ, trong đó cũng đa phần là nạn nhân của nạn tự vẫn.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã thường xuyên vận động, nhưng ý thức người dân còn hạn chế, suy nghĩ của họ còn tiêu cực. “Đối với họ cái chết rất đơn giản, bồng bột. Có những người sau khi tự vẫn mình cứu được. Họ cho rằng cuộc sống bức bách, khó khăn quá nên trong phút thiếu suy nghĩ đã tìm đến cái chết nhằm giải thoát…”, ông Nguyễn Đỗ Trí chia sẻ.

Ông Trần Duy Dũng- Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin thêm, thời gian qua, những hủ tục lạc hậu trên địa bàn đang dần được xóa bỏ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng những cặp vợ chồng trẻ vì ốm đau, bệnh tật và đời sống gặp khó khăn nên tìm đến cái chết, bỏ lại nhiều đứa trẻ mồ côi. Đây là vấn đề mà huyện đang tập trung để ngăn chặn.

“Các đơn vị, đoàn thể, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động; huyện chỉ đạo phải làm một cách kiên trì, bền bỉ chứ không thể ngày một ngày hai. Trong đó phải làm sao tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập, đặc biệt hạn chế người dân uống rượu”, ông Dũng chia sẻ.

BÃO BÌNH