Những “nẻo đường” trốn thuế

Thứ tư, 05/04/2017 08:48

(Cadn.com.vn) - Cục Thuế Đà Nẵng cho biết, vừa qua, Cục Thuế tiến hành kiểm tra, thanh tra 2.454 đơn vị có rủi ro cao về thuế như: kinh doanh nhà hàng khách sạn, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh bất động sản, vận tải và xử lý truy thu vào ngân sách 165 tỷ đồng, giảm lỗ 355 tỷ đồng, giảm khấu trừ 27 tỷ đồng. Vậy các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này, thường sử dụng hình thức trốn thuế như thế nào?

VẤN NẠN KÊ KHAI KHÔNG TRUNG THỰC

Ông Kiều Thế Phong, Phó Cục trưởng Cục Thuế cho rằng, công tác chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng khách sạn, xăng dầu luôn luôn là đề tài nóng đối với ngành thuế. Việc các đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn, xăng dầu kê khai doanh thu nộp thuế không đúng diễn ra khá phổ biến.  Điển hình, vừa qua, Cục Thuế tổ chức khảo sát tại 62 nhà hàng trên địa bàn thành phố và doanh thu khảo sát cao hơn doanh thu kê khai đến 27%. Trên cơ sở đó, ngành Thuế đã yêu cầu 62 nhà hàng  nộp thêm 11,25 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách. Bên cạnh đó, kiểm tra tại 24 khách sạn, số thuế truy thu, phạt 733 triệu đồng, giảm khấu trừ 136 triệu đồng và yêu cầu bổ sung kê khai kỳ tiếp theo 3,3 tỷ đồng, tăng thuế phải nộp 542 triệu đồng. Ngoài ra, tiến hành kiểm tra tại 122 hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, đã xác định tăng doanh thu tính thuế so với kê khai 15 tỷ đồng, xử lý truy thu 11 tỷ đồng, giảm lỗ 32 tỷ đồng, giảm khấu trừ 1,18 tỷ đồng. Cục Thuế cũng tiến hành khảo sát tại 58 hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, qua đó đã điều chỉnh tăng doanh thu khoán đối với 41 hộ kinh doanh có doanh thu tăng từ 50% trở lên, tương ứng với doanh thu khoán tăng 1,48 tỷ đồng/tháng.

Theo Chi cục Thuế Hải Châu, vừa qua Chi cục tiến hành kiểm tra tại 6 đơn vị phát hiện doanh thu phải khai thuế cao hơn doanh thu kê khai thuế 7,6 tỷ đồng, tăng thuế GTGT phải nộp 761 triệu đồng. Cụ thể, đã xử lý Cty CP Kim Đô 319 triệu đồng, trong đó, số thuế truy thu 187 triệu đồng, số tiền phạt chậm nộp 132 triệu đồng; Cty Phúc Đại Nam 124 triệu đồng; Cty Hoàng Đại Long 123 triệu đồng và Cty Ngọc Chín 112 triệu đồng. Bên cạnh đó, Chi Cục thuế quận Hải Châu cũng tiến hành khảo sát tại 5 hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống như bún Bà Đào, bún Bà Hành, nhà hàng Heo Tộc, Như ý, Lẩu nướng tự chọn qua đó phát hiện doanh thu thực tế tăng trên 50% so với kê khai, thậm chí có đơn vị tăng đến 100% như quán Heo Tộc.

Tương tự đối với địa bàn quận Sơn Trà là địa bàn có nhiều DN có quy mô kinh doanh lớn, nhưng việc kê khai còn rất thấp như DNTN Bé Mặn chỉ 149 triệu đồng/tháng, Công ty Lê Gia Phát (105 triệu đồng), Công ty Anh Quốc Huy (27 triệu đồng), Công ty Phúc Hà Thành (179 triệu đồng)... Do đó, Chi cục Thuế quận đã thanh tra, kiểm tra, xử phạt và truy thu, nộp vào ngân sách hơn 1,324 tỷ đồng.

Theo ông Lê Bá Tiến, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế Sơn Trà, qua công tác kiểm tra tại các đơn vị, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng  trên địa bàn đã cho thấy tình trạng thất thu ngân sách phần lớn do cơ sở kinh doanh cố tình thực hiện không đúng quy định về kê khai doanh thu, lập hóa đơn, chứng từ. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính là do thói quen khi đi ăn uống, nghỉ dưỡng tại các nhà hàng, khách sạn, người dân thường không lấy hóa đơn khi thanh toán. Lợi dụng điểm này, các nhà hàng không xuất hóa đơn, đồng nghĩa với việc không kê khai doanh thu với cơ quan thuế.

Nhiều nhà hàng trên địa bàn kê khai nộp thuế thấp hơn thực tế gấp nhiều lần.

TRỐN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Trong vai người mua hàng, chúng tôi đến siêu thị Điện máy C.L trên đường Nguyễn Hữu Thọ để mua 1 tivi LG 65 inches trị giá 42 triệu đồng và đúng là chỉ được nhận phiếu xuất kho và phiếu thanh toán in bằng máy. Tuy trên phiếu ghi rõ “giá đã bao gồm thuế VAT”, nhưng siêu thị không hề xuất hóa đơn cho chúng tôi theo quy định. Tương tự, tại siêu thị T.A Đà Nẵng cũng vậy. Trong khu này có nhiều gian hàng khác nhau và tất cả đều dùng một mẫu chứng từ tự in thống nhất là “Phiếu tính tiền”. Về giá, có mặt hàng được niêm yết đã có thuế, nhưng chung quy chứng từ thu tiền của khách cũng chỉ là cụm từ “đã thu tiền” đóng trên phiếu nhận tạm ứng chứ không hề đá động gì đến việc xuất hóa đơn GTGT cho khách hàng. Cụ thể, chúng tôi mua một nồi cơm điện tại Điện máy T.A trên đường Nguyễn Hữu Thọ trị giá 680 ngàn đồng nhưng khi tính tiền nhân viên bán hàng chỉ giao 1 phiếu tính tiền và 1 phiếu bảo hành còn không xuất hóa đơn. Khi đặt vấn đề xuất hóa đơn, nhân viên bán hàng liền cho biết hiện nay khách đông quá mong khách hàng thông cảm nếu muốn lấy hóa đơn vui lòng chờ! Nếu anh chị lấy hóa đơn vài bữa nhỡ khách đổi hàng, mất công lắm!

Nhiều cửa hàng điện máy, điện lạnh, vi tính trên đường Nguyễn Văn Linh, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Hùng Vương cũng sử dụng hình thức bán hàng theo kiểu “tiền trao cháo múc” để trốn thuế GTGT. Ngoài ra, các cửa hàng máy tính, điện thoại cũng sử dụng các chiêu bán hàng không hóa đơn cho khách hàng diễn ra khá phổ biến. Chị V. (trú Q. Cẩm Lệ) đến Công ty IHUB Tuấn Anh trên đường Nguyễn Văn Linh mua 1 điện thoại Iphone 7 trị giá 22,5 triệu đồng (theo bảng giá đã bao gồm thuế GTGT) nhưng khi thanh toán, công ty này chỉ lập 1 phiếu xuất kho đóng dấu đã thu tiền và 1 phiếu bảo hành chứ không hề xuất hóa đơn. Chị V. cho biết, khi đề cập đến việc xuất hóa đơn thì được nhân viên bán hàng cho biết, hiện kế toán đi ra ngoài chưa về nếu muốn lấy hóa đơn hẹn hôm sau quay lại!

Nhiều siêu thị bán hàng cho khách hàng luôn “né” xuất hóa đơn GTGT.

Chính những hành vi bán hàng không xuất hóa đơn của các đơn vị kinh doanh điện tử, điện lạnh này, vừa qua Chi cục Thuế Q. Hải Châu đã tiến hành kiểm tra và xử phạt Cty Điện lạnh Hoàng 225 triệu đồng, trong đó số thuế truy thu 128 triệu đồng, số tiền phạt, tiền chậm nộp 97 triệu đồng; Cty Khang Gia Khang 171 triệu đồng, thuế truy thu 132 triệu đồng, tiền phạt và tiền chậm nôp 38 triệu đồng...

Ông Kiều Thế Phong, Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có giá trị từ 100.000 đồng trở lên, dù người mua không yêu cầu, người bán vẫn phải xuất hóa đơn cho người mua. Hành vi bán hàng không xuất hóa đơn được xem là hành vi trốn thuế. Ông Kiều Thế Phong cho biết vẫn chưa thống kê số tiền thuế GTGT mà thành phố thật sự thu được mỗi ngày là bao nhiêu. Nhưng qua việc nhiều đơn vị bán hàng không xuất hóa đơn như là một cách trốn thuế và số tiền thuế GTGT mà Nhà nước thất thu là con số không hề nhỏ!

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn bán hàng “né” hóa đơn GTGT mà chỉ lập phiếu xuất kho.

KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN DỄ DÀNG “NÉ” THUẾ

Trốn thuế thu nhập khi chuyển nhượng dự án bất động sản (BĐS), giao dịch mua bán BĐS đang diễn ra khá phổ biến được xem là “ngoài vùng phủ sóng” của cơ quan thuế. Qua tìm hiểu thực tế trên thị trường hiện nay, đa phần các giao dịch chuyển nhượng, mua bán nhà đất trên địa bàn thành phố đều chọn cách nộp thuế 2% trên tổng giá trị tài sản được giao dịch. Để “né” bớt số tiền thuế phải nộp cho Nhà nước, bên bán và bên mua thường thỏa thuận ký hợp đồng hạ thấp giá trị chuyển nhượng của BĐS. Chẳng hạn, 1 lô đất được người bán và người mua đồng ý giao dịch chuyển nhượng với giá 3 tỷ đồng. Nếu bản hợp đồng chuyển nhượng được lập với giá trị 3 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc người bán sẽ phải nộp một khoản thuế cho Nhà nước 2% tương đương 60 triệu đồng. Nhưng để giảm thiểu khoản tiền phải nộp, người bán và người mua đã thỏa thuận ghi vào hợp đồng chuyển nhượng với giá 1 tỷ đồng. Với thỏa thuận này, bên bán chỉ phải nộp có 20 triệu đồng, thay vì 60 triệu tiền thuế chuyển nhượng BĐS và đương nhiên ngân sách thành phố sẽ thất thu 40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, một số dự án núp bóng hình thức hợp đồng vay vốn, góp vốn đầu tư để chuyển nhượng khi chưa có cơ sở hạ tầng và thủ tục pháp lý bằng cách chủ đầu tư thu tiền trước của người mua nhưng hạch toán dưới hình thức vay vốn có điều kiện hoặc góp vốn có điều kiện vừa “lách luật” vừa tiếp tay cho các sàn giao dịch BĐS và môi giới trốn thuế hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, trốn thuế của các đơn vị và cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này ngày càng tinh vi và có chiều hướng tăng lên khi thị trường BĐS nóng lên từng ngày.

Khi chủ dự án ký hợp đồng đặt cọc với các môi giới, từ hợp đồng đặt cọc này, có thể sang đi sang lại cho người khác mà không qua công chứng thì cơ quan thuế cũng không có cơ sở áp thuế để thu. Đơn cử, tại sàn giao dịch S. trên đường Bạch Đằng năm 2016 mở bán hàng trăm lô đất nền tại dự án BĐS khu Hòa Xuân với giá chỉ 520 triệu đồng/lô, khách hàng đặt mua bằng việc ký hợp đồng đặt cọc với sàn giao dịch và xuống tiền 100%. Sau khi ký hợp đồng đặt cọc với khách hàng A và khách hàng A đã bán lại cho khách hàng B, rồi B bán cho C, đến lượt C bán cho D,... cũng chỉ bằng một động thái đơn giản là sàn giao dịch chỉ thay tên ký lại cho người khác... Qua nhiều đợt sang tên đến nay giá đất đã tăng lên gấp đôi (khoảng 1,1 tỷ đồng/lô) nhưng không có bất kỳ môi giới nào đóng một đồng thuế nào cho thành phố.

Một hợp đồng đặt cọc giao dịch bất động sản như thế này có thể được sang đi sang lại nhiều lần với mức chênh hàng trăm triệu đồng mà không phải đóng một đồng thuế nào.

Tương tự, đối với dự án căn hộ M.T trên đường Hoàng Sa, Đà Nẵng chủ đầu tư ký hợp đồng với sàn giao dịch BĐS Đại Long bán cho khách hàng giá từ 900 triệu đến 1,3 tỷ đồng/căn nhưng khi ra đến thị trường môi giới bán đi bán lại và mức giá chênh lệch giá từ 180 đến 500 triệu đồng/căn, tùy theo tầng nhưng các giao dịch cũng chỉ là bản hợp đồng đặt cọc thay đổi tên của khách hàng với sàn giao dịch. Môi giới kiếm cả trăm triệu đồng nhưng không đóng lấy một đồng thuế nào.

Ngoài ra, các đơn vị cá nhân kinh doanh nhà cho thuê cũng dùng đủ chiêu để trốn thuế, gây thất thu lớn cho ngân sách, như không đăng ký nộp thuế; lập 2 hợp đồng cho thuê, xuất trình cho cơ quan thuế hợp đồng có mức giá cho thuê thấp để đóng thuế thấp hơn so với quy định; cho thuê nhà nhưng lập hợp đồng cho mượn không thu tiền để người cho thuê không phải đóng thuế; cho thuê nhận tiền qua tài khoản nhưng hợp đồng ghi thanh toán trả tiền mặt, không thông báo tài khoản giao dịch cho cơ quan chức năng...

Ông Kiều Thế Phong thừa nhận, trên thực tế việc nhiều dự án BĐS thu tiền trước của người mua nhưng hạch toán dưới hình thức vay vốn có điều kiện hoặc góp vốn có điều kiện và các dự án núp dưới hình thức hợp đồng vay vốn, góp vốn đầu tư để chuyển nhượng đất khi chưa có cơ sở hạ tầng; giá BĐS không phù hợp với giá thị trường, số tiền chênh lệch do khâu trung gian thu theo thỏa thuận không được phản ánh lên sổ sách kế toán làm sai lệch kết quả kinh doanh, gây thất thu cho ngân sách thành phố... Ông Phong cũng cho biết, sắp tới Cục Thuế sẽ tập trung tranh tra, kiểm tra hoạt động chuyển nhượng dự án BĐS kèm theo chuyển quyền sử dụng đất và các trường hợp chuyển đổi sở hữu quyền sử dụng đất thông qua chuyển nhượng vốn; đồng thời, rà soát thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có dự án BĐS, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

Quang Minh