Những ngôi trường 100 năm tỏa sáng

Thứ năm, 20/11/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong sự nghiệp trồng người, đào tạo nhân tài cho đất nước, có những ngôi trường đến nay đã hơn 100 tuổi.

Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội

Năm 1908, Trường Collège du Protectorat (Trường Thành chung Bảo hộ - tương đương cấp II hiện nay) được thành lập, sau được nâng cấp thành Lycée (tương đương cấp III hiện nay) và gọi là Lycée du Protectorat (Trường Trung học bảo hộ) nhưng người dân quen gọi là Trường Bưởi vì trường được xây dựng trên đất làng Thụy Khuê, ở vùng Kẻ Bưởi, ven hồ Tây. Trường nổi tiếng với phong trào đấu tranh của học sinh qua các cuộc bãi khóa đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Châu Trinh, hưởng ứng phong trào Việt Minh, đòi dân sinh dân chủ...

Tháng 8-1945, trường mang tên danh sư Chu Văn An. Bác Hồ đã 2 lần về thăm trường vào năm 1946 và năm 1958. Nhiều học sinh của trường là những nhà chiến sĩ cách mạng kiệt xuất: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng; các nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học lỗi lạc: Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan... Trường vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1998.

Trường Quốc học Huế

Trường được thành lập theo sắc dụ ngày 17-9 năm Thành Thái thứ 8 và Nghị định ngày 18-11-1896 của phủ toàn quyền Đông Dương, tọa lạc trên mảnh đất của Dinh Thủy Sư (nơi huấn luyện binh lính đường thủy của quân đội triều Nguyễn).

10 năm sau, trường mang tên “Pháp Tự Quốc học Trường Môn” dạy học văn minh văn hóa phương Tây. Lúc đầu, trường có các lớp: Tôn ấm, Tuấn tú, Khoa mục, Hành nhân, về sau có thêm các lớp quan viên tứ đệ gồm 1 lớp nhất, 2 lớp nhì, 2 lớp sơ đẳng, 4 lớp dự bị. Năm 1898, nhiều cử nhân, phó bảng, tiến sĩ muốn bổ đi làm quan phải vào Trường Quốc học để học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Có thể nói, việc ra đời Trường Quốc học Huế là một sự kiện văn hóa, lịch sử quan trọng nhất hồi cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, với các thế hệ học trò kiệt xuất: Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh), Bí thư Thành ủy Sài Gòn Nguyễn Chí Diểu, Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Phú, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà thơ: Nguyễn Khánh Toàn, Khương Hữu Dụng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Bổng, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, bác sĩ Tôn Thất Tùng, bác sĩ Đặng Văn Ngữ... Hiện nay, trường vẫn tiếp tục là cái nôi đào tạo nhân tài cho Huế và cả nước.

Trường Quốc học Huế. Ảnh: Đ.L 

Trường Tiểu học Phù Đổng - Đà Nẵng

Ngày 27-5-1890, Khâm sứ Trung Kỳ tại Huế ra quyết định thành lập trường học đầu tiên ở Đà Nẵng để dạy học trò là con người Pháp và một số người Việt. Trường mang tên Ecole Franco - Annamite de Tourane tại số 8- Yên Bái ngày nay.

Năm 1928, trường tách số nữ sinh và học trò Pháp vào một trường mới mang tên Ecole des Jeunes Filles và đổi tên trường thành Ecole des Garcons de Tourane. Sau năm 1945, trường đón học sinh nam trở về học và đổi tên thành Trường Tiểu học Đà Nẵng. Năm 1948, Pháp tái chiếm Đà Nẵng, trường mang tên mới Ecole Franco - Vietnamien de Tourane.

Năm 1952, Khâm sứ Trung Kỳ tách học sinh Pháp ra học ở Trường Ecole Francaice, trường còn lại mang tên Trường Tiểu học Đà Nẵng. Sau năm 1954, học sinh nam phải sang học tại Trường Thái Phiên và mang tên Trường Nam Tiểu học Đà Nẵng. Học sinh nữ ở lại với tên Trường Nữ Tiểu học Đà Nẵng cho đến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng. Đầu năm 1976 đến nay, trường mang tên Trường Tiểu học Phù Đổng.

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM

Năm 1874, Cha Henri De Kerlan, Cha sở coi thánh đường Sài Gòn tự xuất tiền riêng sáng lập Trường Taberd ngay vị trí dinh tri phủ Tân Bình, đời Tự Đức. Đầu tiên, trường nuôi trẻ mồ côi lai Âu và Pháp bị bỏ rơi. Sau này, trường thu nhận tất cả các học sinh nghèo với 58 học trò đầu tiên do các tu sĩ dạy dỗ.

Năm 1949, trường có 1.200 học sinh. Năm 1975, trường tiếp tục đào tạo giáo dục phổ thông cấp I, II và III với 6.566 học sinh. Tháng 8-1976, trường chuyển thành Trường Trung học Sư phạm TPHCM, là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bậc tiểu học với cơ sở hạ tầng tối ưu. Bên cạnh trường còn có Trường Tiểu học Thực hành sư phạm với 650 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 học tập và sinh hoạt bán trú.

Năm 2000, trường thay đổi chức năng mới: đào tạo ở bậc THPT và mang tên Trường THPT Trần Đại Nghĩa - Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ và là cha đẻ của ngành Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM

Ngày 14-11-1874, Thống đốc Nam Kỳ, Chuẩn ĐÔ đốc Pháp Jules Francois Emile Krantz đã ký nghị định thành lập một ngôi trường trung học đầu tiên tại Sài Gòn. Trường được khởi công xây dựng vào năm 1874 và hoàn tất vào năm 1877. Lúc đầu, trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), sau đó đổi tên thành Collège Chasseloup – Laubat (tên Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại (còn gọi là Bộ Thuộc địa).

Ban đầu, trường chỉ nhận học sinh người Pháp, đến đầu thế kỷ XX thì mở rộng thêm nhận học sinh người Việt nhưng phải có quốc tịch Pháp. Trường chia thành 2 khu: khu dành cho học trò người Pháp, gọi là Quartier Européen và khu dành cho học trò Việt có học thêm giờ tiếng Việt, gọi là Quartier Indigène (khu bản xứ).

Năm 1958, trường mang tên một trí thức Pháp trong phong trào Ánh sáng ở thế kỷ XVIII: Lycée - Jacques Rousseau. Năm 1966, trường mang tên Lê Quý Đôn cho đến ngày nay. Những thế hệ học sinh ưu tú của trường như: Giáo sư Trần Văn Giàu, nhà văn hóa Vương Hồng Sến, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Giáo sư Trần Đại Nghĩa, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), trường tiếp tục là cơ sở đứng đầu ngành Giáo dục phổ thông và vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Nguyễn Đình Lạc (Sưu Tầm)