Những người kể chuyện về Bác bằng tiếng nước ngoài
Những thuyết minh viên đa năng
Trong bộ áo dài truyền thống màu hồng cánh sen, các thuyết minh viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên với giọng nói truyền cảm, sâu lắng đã chạm đến cảm xúc của người nghe khi kể lại những mẩu chuyện thời thơ ấu của Bác và sự hi sinh cao cả của Người vì "độc lập dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân".
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (1977, quê Nam Đàn) có 24 năm công tác tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết, do nhu cầu ngày càng cao của công việc, ngoài đón khách Việt Nam còn rất nhiều đoàn du khách nước ngoài nên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên tổ chức bồi dưỡng thêm các ngôn ngữ nước ngoài như Anh, Pháp, đặc biệt là ngôn ngữ tiếng Lào cho cán bộ thuyết minh. Đây không chỉ vì nhiệm vụ chuyên môn, mà còn là sự cụ thể hóa việc học tập và làm theo Bác - một tấm gương lớn về việc học và tự học ngoại ngữ. "Chúng tôi được đào tạo qua 2 khóa học tiếng Lào, trong đó khóa học thuyết minh về Bác và khóa học để giao tiếp với du khách. Quá trình học tập, do vấn đề tuổi tác, gia đình nên việc học tiếng Lào cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với người trẻ tuổi. Ngày đi làm, đêm tự học thêm, học tranh thủ những thời điểm vắng khách du lịch để trau dồi vốn ngôn ngữ của mình. Nhờ vậy, đến nay, ngoài thuyết minh bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tôi có thể tham gia thuyết minh bằng tiếng Lào cho các đoàn du khách" - chị Huyền chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ với chị Huyền, do quá trình gắn bó khăng khít từ lâu đời giữa lãnh đạo và Nhân dân hai nước nên đối với du khách Lào, Bác Hồ đã trở nên thân thiết, gần gũi và có sự hiểu biết về Bác nhiều hơn. Khi thuyết minh cho du khách nước ngoài khác, chỉ sử dụng từ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" nhưng riêng đối với du khách Lào có thể dùng từ "Bác Hồ" rất thoải mái. Đây là một lợi thế cho các thuyết minh viên tiếng Lào. "Có nhiều đoàn khách nước ngoài, trong đó có du khách Lào khi nghe chúng tôi thuyết minh giới thiệu về Bác bằng tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Anh hay tiếng Lào, họ vô cùng cảm động. Bởi hơn hết, họ cảm thấy mình được ưu tiên, tôn trọng khi được nghe tiếng mẹ đẻ của mình ngay trên đất nước bạn" - chị Huyền chia sẻ thêm.
Là thuyết minh viên nói tiếng Lào khá tốt, chị Nguyễn Thị Thanh (1984, trú Nam Đàn) cho rằng, ở độ tuổi hơn 40 làm quen thêm một ngôn ngữ không hề đơn giản, đòi hỏi mỗi cán bộ thuyết minh phải có sự nỗ lực rất lớn. "Nếu như ngày xưa chỉ cần học 1-2 lần thì đến độ tuổi này phải học đến 5-6 lần mới thuộc. Để nói một bài thuyết minh tiếng nước ngoài cho du khách hiểu thì chúng tôi phải tập luyện bằng cách là nói cho nhau nghe trước, sau đó nói cho thầy nghe. Đặc biệt, trong quá trình hướng dẫn cho khách nước ngoài, mình luôn để ý xem họ có hiểu được mình nói hay không. Bên cạnh đó, bản thân luôn nâng cao tinh thần học hỏi mọi lúc mọi nơi, đặc biệt học các du khách nước bạn ở cách phát âm. Quá trình học tập, ngoài sách vở, chúng tôi vừa học trên các nền tảng số để luyện khả năng nghe, trau đồi khả năng phát âm chính xác hơn nữa khi trò chuyện với các du khách nước bạn. Do chưa thể tự tin hoàn toàn về khả năng nói tiếng nước ngoài nên mỗi khi đón các đoàn du khách Lào, chúng tôi thường giới thiệu rằng "tôi mới học tiếng Lào và đang trong quá trình học tập tiếp" để nhận được sự thông cảm từ những vị khách đặc biệt. Điều này khiến du khách Lào vô cùng thích thú, trân trọng. Đây là động lực vô cùng lớn đối với các cán bộ thuyết minh trong trau dồi thêm ngôn ngữ này" - chị Thanh chia sẻ.
Tiếp tục phát huy giá trị đặc biệt của Khu di tích
Ông Nguyễn Bảo Tuấn - Giám đốc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết, trung bình mỗi năm, Khu di tích đón tiếp hơn 2 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 60.000 du khách quốc tế, chủ yếu đến từ các nước Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan... Du khách nước ngoài đến thăm Khu di tích Kim Liên tăng dần theo từng năm, nhiều người đã quay lại lần thứ 2, thứ 3. Để đáp ứng yêu cầu truyền tải thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến du khách quốc tế, từ năm 2019, Khu di tích đã tổ chức mời giáo viên về tận nơi dạy và học ngoại ngữ cho đội ngũ thuyết minh viên. Đến nay, nhiều thuyết minh viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu khi thuyết minh cho du khách quốc tế bằng ngoại ngữ. Hiện tại, trong số 16 thuyết minh tại Khu di tích có 5 người thuyết minh bằng tiếng Anh, 5 người thuyết minh bằng Tiếng Lào, 1 người bằng Tiếng Pháp.
Cũng theo ông Bảo Tuấn, để trau dồi ngôn ngữ nước ngoài cho cán bộ nhân viên, hàng năm cứ vào dịp tháng 9, tháng 10, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên lại tổ chức các khóa học bồi dưỡng ngoại ngữ. "Học ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới và trên hết là để phục vụ du khách, lan tỏa thêm vẻ đẹp vô cùng giản dị thanh cao của Bác, quê hương Bác đến với bè bạn năm châu. Từ đó góp phần phát huy giá trị đặc biệt của Khu di tích"- ông Nguyễn Bảo Tuấn chia sẻ thêm.
Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, dòng người từ khắp nơi lại hướng về Làng Sen quê Bác. Trong dòng người ấy, chúng tôi thấy có rất nhiều du khách không cùng màu da, không cùng tiếng nói, họ đến từ nhiều đất nước khác nhau nhưng tất cả đều hướng về quê Bác với tấm lòng kính yêu đối với Người. Và khi ngắm nhìn các thuyết minh viên đang say sưa kể cho du khách nghe những câu chuyện về Bác, chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng, các chị như đang thay mặt quê hương, đất nước, thay mặt cho gia đình Bác để đón tiếp khách bằng tất cả tấm lòng thành kính, tình yêu và lòng biết ơn vô hạn dành cho Bác Hồ kính yêu- một Con người vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới…
Dương Hóa