Những nữ chiến sĩ lái xe quả cảm trên đường Trường Sơn
Năm 1968, trên tuyến đường Trường Sơn, đế quốc Mỹ huy động lực lượng lớn máy bay đánh phá các con đường trọng điểm, nhằm ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho miền Nam càng trở nên cấp bách, lái xe nam không đủ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu. Những nữ thanh niên xung phong có sức khỏe tốt, tháo vát, biết chút ít về kỹ thuật được tuyển chọn và gửi đi đào tạo cấp tốc
Ngày 18-12-1968, tại vùng rừng núi thuộc xã Hưng Phổ, H. Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), Trung đội nữ lái xe mang tên anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Hạnh ra đời. Đảm nhận vận tải hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho chiến trường miền Nam; đưa thương binh, bệnh binh, cán bộ từ chiến trường ra miền Bắc điều dưỡng, học tập... Tuyến hoạt động chu yếu từ Bến Thủy (Nghệ An) đến Tây Trường Sơn, trong đó có nhiều trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt như Ngã ba Đồng Lộc, Khe Ve, Long Đại, 050, Cổng Trời... Người giỏi đi một mình, tay lái yếu hơn thì đi hai người. Họ phải chặt lá ngụy trang, đi ban đêm bằng ánh sáng hắt lên từ bóng đèn đặt dưới gầm xe để tránh máy bay địch phát hiện. Đến nơi tập kết hàng hóa, các nữ lái xe kiêm luôn việc bốc vác; dọc đường về thì chăm sóc, động viên thương binh, làm thay cả nhiệm vụ của y tá.
Không thể kể hết những gian khổ, hiểm nguy. Thời tiết khắc nghiệt, những người cầm vô-lăng ăn ngủ ngay trên xe hay chui dưới gầm xe, phải bám men theo sườn núi Tây Trường Sơn một bên là núi, một bên là vực sâu thăm thẳm, có đoạn đường chỉ vừa cho chiếc xe lăn bánh... Mặc cho địch đánh phá suốt ngày đêm với nhiều loại bom, đạn, rốc-két tần suất cao, các nữ chiến sĩ lái xe vẫn kiên cường, dũng cảm vượt cung, tăng chuyến, không để lỡ giờ, lỡ ngày của kế hoạch vận chuyển, đưa những chuyến hàng "vì miền Nam ruột thịt" đến nơi an toàn.
Trong ký ức của các thành viên đơn vị luôn in đậm hình ảnh cô Phạm Thị Phàn - người thấp bé nhất nhưng bản lĩnh và sự gan lỳ cũng nhất Trung đội, đã dẫn đầu đoàn xe hơn chục chiếc của các lái xe nam vượt "cửa tử thần" thẳng tiến về Cổng Trời trong ánh sáng được soi bằng hỏa pháo của địch, kèm theo những mảnh đạn văng tung tóe phía trước, phía sau, rơi cả trên nóc ca-bin. Những ánh chớp dài lóe sáng và tiếng động cơ máy bay địch gầm rú trên đầu, bắn đuổi theo đội hình càng minh chứng cho lòng quả cảm và bản lĩnh của những cô gái lái xe Trường Sơn. Và nhiều tấm gương dũng cảm như Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 Bùi Thị Vân đã chỉ huy, vận chuyển thương binh vượt qua Ngã ba Đồng Lộc, gặp máy bay Mỹ đánh phá cả trước và sau đội hình, nhưng các cô kiên quyết không bỏ xe, bỏ đồng đội, vững tay lái vượt qua trọng điểm, đưa thương binh vào nơi trú ẩn an toàn.
Gặp lại nhau trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5- 2019), các nữ chiến sĩ lái xe năm xưa bùi ngùi nhớ lại: Xăng quý lắm, chị em phải hút xăng bằng miệng đổ ra thùng, rồi lại từ thùng đổ vào xe, có khi xăng ọc vào miệng phải nuốt cả xăng. Không sợ bom đạn, nguy hiểm mà chỉ sợ trôi xe, mất hàng, không đưa được thương, bệnh binh đến nơi an toàn. Những lúc lái xe qua ngầm vào mùa mưa, nước từ trên thác tràn xuống ngầm cuồn cuộn, nếu tay lái không vững, xử lý tình huống không nhanh, thì cả người và xe rất dễ bị nước cuốn trôi...
Đầu năm 1972, Trung đội nữ lái xe Trường Sơn được điều về Trường đào tạo lái xe D255, thuộc Cục Quản lý xe máy, tiếp tục phục vụ tại các kho xe, kho hàng, bệnh viện quân đội thay cho các lái xe nam ra trận. Tại đây, Đại đội nữ lái xe C13 được thành lập với nòng cốt là Trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh và 300 học viên lái xe nữ. Sau này, đội nữ lái xe được điều về trường đào tạo lái xe đi tập luyện tham gia lễ duyệt binh năm 1975 tại Quảng trường Ba Đình. Ghi nhận những cống hiến xuất sắc của đơn vị, ngày 23-7-2014, Đại đội nữ lái xe Trường Sơn được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Hướng đến kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4- 2020), những ngày này, câu chuyện về Trung đội nữ lái xe trên tuyến lửa Trường Sơn càng làm sống dậy những năm tháng hào hùng của đất nước, sống lại hình ảnh tuyệt đẹp và những chiến công phi thường của hàng ngàn, hàng vạn nữ thanh niên xung phong một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Chiến công ấy mãi mãi là bản hùng ca bất tử trong lòng dân tộc Việt Nam.
NGỌC DIỆP