Những quy định về kinh tế có hiệu lực từ tháng 9

Thứ ba, 01/09/2015 09:06

(Cadn.com.vn) - Từ ngày 1-9, nhiều quy định liên quan đến hoạt động kinh tế có hiệu lực. P.V Báo Công an TP Đà Nẵng lược trích một số quy định nổi bật.

Hộ cận nghèo được vay 100% chi phí xuất khẩu lao động

Nghị định số 61/2015 của Chính phủ, có hiệu từ ngày 1-9, quy định người lao động thuộc hộ cận nghèo hoặc là thân nhân của người có công với cách mạng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được vay tối đa 100% chi phí. Đối với mức vay hơn 50 triệu đồng, người lao động phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định.

Thời hạn vay vốn không được vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động ghi trong hợp đồng ký kết. Lãi suất vay vốn được áp dụng trong trường hợp này bằng với lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn.

Ngân hàng không được mua lại khoản nợ đã bán

Cũng có hiệu lực từ hôm nay là Thông tư 09/2015 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được NHNN cho phép và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Tổ chức tín dụng không được bán nợ cho Cty con của mình, trừ trường hợp bán nợ cho Cty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng mẹ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt; và đặc biệt, không được mua lại các khoản nợ đã bán.

Điều chỉnh trợ cấp thất nghiệp

Thông tư 28/2015 của Bộ Lao động quy định người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng tối đa bằng 5 lần lương tối thiểu. Trường hợp người lao động thuộc trường hợp thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức hưởng tối đa không quá 5 lần lương cơ sở.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động có hiệu lực. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15-9.

Quy định về sử dụng xe công

Theo Quyết định 32/2015 của Thủ tướng có hiệu lực từ ngày 21-9, ngoài Bộ trưởng, các chức danh khác như Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ; Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và TPHCM... sẽ được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một ô-tô với giá mua tối đa 1,1 tỷ đồng/xe.

Ngoài ra, các chức danh Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao... được sử dụng thường xuyên 1 ô-tô trong thời gian công tác, không hạn chế mức giá.

Với chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội... được sử dụng thường xuyên 1 ô-tô không hạn chế mức giá kể cả sau khi đã nghỉ công tác. Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mà ô-tô đã trang bị chưa đủ điều kiện để thay thế thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng ô-tô đó mà không được mua thêm xe mới.

P.V (lược trích)