Những trang viết nặng lòng phía biển

Thứ tư, 03/06/2015 11:36

(Cadn.com.vn) - Những người làm báo mặc áo lính luôn nặng lòng, tâm huyết và thao thức trước biển. Các anh đam mê chất hào phóng của đại dương với niềm tin yêu, kiêu hãnh vô ngần đối với những con người giữ đảo...

 

Dõi về Trường Sa, những trang viết cứ bộn bề. Vui niềm vui khi những chuyến tàu ra khơi của ngư dân bội mùa tôm, cá. Đau đáu những nỗi niềm khi biển Đông dậy sóng. Hình ảnh những người lính Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư luôn cuộn cháy trên trang viết của các anh. Đến với Trường Sa, sống những ngày trên đảo, người làm báo lại góp nhặt được biết bao câu chuyện quý giá, thấm đượm tình người. Nhớ buổi ấy, tôi đến thăm trường học ở đảo Sinh Tồn, lớp tiểu học chỉ có 3 học trò và thầy giáo, giờ ra chơi bốn thầy trò chụm đầu nhau vui đùa, vẽ nguệch ngoạc trên cát.

Thật cảm động và trở trăn, một đêm ngủ lại với thầy Cao Văn Giáp, những câu chuyện cứ thao thức. Giáp tâm sự: từ một thanh niên tình nguyện ra đảo, rồi trở thành Phó Chủ tịch kiêm thầy giáo ở đảo Sinh Tồn. Ngày, các anh luyện tập, công tác cùng người lính. Có những đêm tuần tra vào mùa giông bão, mưa gió quất vào rát mặt, thế mà vui. Hay chuyện về người lính bị đau ruột thừa dữ dội trong đêm, quả là "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ". Cán bộ xã cùng bà con xóm đảo không ngủ cứ bồn chồn, thấp thỏm lo âu. Hoặc có gia đình vợ trở dạ nguy kịch, các chú bộ đội cùng cán bộ xã cấp tốc đưa lên bệnh xá Hải quân, khi mẹ tròn con vuông họ mới thở phào nhẹ nhõm...

Tác nghiệp trên đảo, cảm xúc ùa về, bất chợt những ý tưởng có thêm chất biển, chất lính, có hơi ấm của tình người với niềm lạc quan mạnh mẽ. Khi ở Trường Sa tôi đã viết: "Người thầy xã đảo Sinh Tồn". Qua An Bang giữa mùa biển mặn, thấu hiểu các khát khao, thiếu thốn của những người giữ đảo, "Đợi mưa" lại cồn cào ở hai đầu nỗi nhớ chưa vơi. Về Cô Lin, khi đọc những câu thơ của người Trung đội trưởng trung đội ĐKZ, anh viết tặng con, thực sự xúc động và tôi đã viết bài thơ "Bố ở Trường Sa" để tặng anh và đồng đội.  Về đất liền tôi đã viết bài "Người nối nhịp cầu với Trường Sa". Đó là cô giáo Hoàng Thị Lý, hiện là Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa. Cô Lý đến với biển đảo từ những cuộc gọi trong đêm, trao đổi thêm kinh nghiệm giảng dạy với các thầy, cô giáo ở các điểm trường trên đảo, cập nhật cho họ những kiến thức, phổ cập giáo trình mới. Có tàu ra ngoài đó là chị lại gửi sách, vở, dụng cụ học tập... cho thầy và trò. Tình yêu con người và biển đảo của cô giáo Lý đã làm ấm lòng bà con xóm đảo. Hai tiếng "Mẹ Lý" được các em nhỏ ở Trường Sa gọi về, tự nhiên mà thân thương đến thế.

Có những trang viết cũng luôn nặng lòng với biển đảo. Trung tá Hải quân Nguyễn Xuân Tình đã ví mình như là người con của biển. Xuân Tình có rất nhiều bút ký và những câu thơ lắng sâu, đằm thắm về Trường Sa. "Đón xuân nơi đầu sóng". Đó là một phóng sự có tính khái quát cao, góc nhìn rộng và đặc biệt là tính chân thực. Hình ảnh trong bài viết lạ và sinh động như: Tết đến bộ đội gói bánh bằng lá bàng vuông. Đêm giao thừa người lính thắp nén nhang nơi cuối trời Tổ quốc, thầm gọi tên đồng đội, mắt đứa nào, đứa nấy cứ đỏ hoe. Thiêng liêng nhất đó là phút chào cờ sáng mồng một Tết dưới cột mốc biên cương. Tiếng quân ca vang lên hùng tráng, mắt người lính không chớp dõi nhìn sắc cờ lồng lộng giữa trùng khơi. Tinh tế và đa cảm khi Xuân Tình phát hiện một cây quất ở ngoại thành Nha Trang gửi ra làm quà cho bộ đội từ năm ngoái. Dẫu nắng gió, đất san hô cằn, nước tưới kiệm cần nhưng quất đã "Bén hơi người ở lại" và ra hoa kết trái lạ thường.

Hàng năm có hàng chục đoàn các nhà báo, nghệ sĩ ra thăm, đưa tin về Trường Sa. Mỗi người đều có những cảm nhận, cảm xúc khác nhau. Gặp gỡ nhà báo Văn Thành Châu, người nghệ sĩ quê nhãn có mái tóc dài, bay xòa trong gió. Vốn tính nồng hậu, gặp đồng nghiệp mắt anh sáng lên và nụ cười rạng rỡ. Văn Thành Châu mở ra khoe cùng chúng tôi rất nhiều tác phẩm như: "Lão Ngư", "Huyền thoại Ponaga"... thật lắng sâu, dung dị, sáng tạo và hút mắt người xem. Đặc biệt có tác phẩm "Khoảnh khắc Trường Sa" đạt huy chương vàng ảnh nghệ thuật khu vực miền Trung - Tây Nguyên và "Vui với nguồn nước mới" đạt huy chương vàng toàn quốc.

Cả nước lại hướng về Trường Sa giữa cái nắng lửa miền Trung. Đoàn nhà báo chúng tôi có những mái đầu bạc đã nửa đời cầm bút, bên cạnh bao mái đầu xanh đầy sức trẻ. Tất cả đứng lặng trước tượng đài người chiến sĩ Gạc Ma... Trường Sa, mảnh đất - núm ruột của Tổ quốc thiêng liêng. Những người cầm bút chúng tôi nguyện là cánh chim không mỏi luôn đồng hành với các anh - Người lính biển với trọng trách và sứ mệnh cao quý. Bảo vệ vững chắc dải biên cương xanh nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Duy Hoàn