Những vạt rừng “chảy máu”
Hàng chục cây thân gỗ lớn trên diện tích hơn 12.000m2 tại lô 2, khoảnh 2, Tiểu khu 718B rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Tà Long, H. Đakrông (Quảng Trị) đã bị Hồ Thị Vươi (43 tuổi; dân tộc Vân Kiều, trú tại bản Ly Tôn, xã Tà Long) đốn hạ và đốt cháy trơ than. Ngày 16-10, TAND H.Đakrông cho hay đã xét xử bị cáo Hồ Thị Vươi về tội: “Hủy hoại rừng”.
Gỗ thân lớn nhóm VI, VII bị đốn hạ tại vạt rừng lô 2, khoảnh 2, Tiểu khu 781B do Vươi xâm hại. |
Vươi không biết chữ, chồng cũng không khá hơn mấy nên quyết tâm cho đàn con 4 đứa học hành. Nhưng nghèo khó cứ bủa vây, nhất là thời điểm giáp hạt thiếu đói chật vật, Vươi chỉ ao ước có được nương rẫy để sản xuất, canh tác, sinh kế bền vững. Và khi mùa trỉa lúa sắp tới, càng thôi thúc Vươi dò dẫm vào rừng, đến nơi xa xôi để khai hoang. Sau nhiều lần đi tìm đất rừng để phát luỗng, Vươi cũng đặt chân đến lô 2, khoảnh 2, Tiểu khu 718B thuộc lâm phần quản lý của UBND xã Tà Long. 1 mình 1 rựa, Vươi phát dần cây nhỏ, dây leo, bụi rậm liên tục trong 4 ngày. Không ai phát hiện nên Vươi yên tâm đất khai hoang này đã là của mình nên về bản nhờ thêm nhiều người cả nam lẫn nữ đều trú thôn Ly Tôn vào rừng giúp. Họ làm đổi công vì trước đó Vươi đã làm rẫy giúp. Vươi khoe rẫy này của nhà mình, ai nấy suy nghĩ đơn giản, chia vui có được nương rẫy kịp mùa trỉa lúa cận kề. Sau đó, Vươi còn nhờ người mang máy cưa vào đốn hạ cây gỗ to, với số lượng 69 cây. 2 tuần sau, Vươi quay lại đốt cháy toàn bộ diện tích rừng này để trỉa lúa.
Hơn 2 tháng sau, khi sự việc bị phát hiện, lúa nhà Vươi đã lên hơn 2 gang tay. Qua khám nghiệm hiện trường, cho thấy diện tích rừng bị Vươi hủy hoại là 12.160m2 , thuộc rừng phòng hộ, gỗ nhóm VI, VII có số lượng 69 cây; khối lượng trên 51m3 ; củi có khối lượng 35 ster. Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự H. Đakrông kết luận tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 90 triệu đồng.
Đến lúc này, Vươi mới nhận thức rõ hành vi khai hoang rừng của mình đã phạm tội “Hủy hoại rừng”, diện tích xâm hại trên 10 ngàn m2 nên đối diện với mức hình phạt từ 7 đến 15 năm. Hối hận và ăn năn, Vươi và gia đình đã chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền để khắc phục hậu quả.
Trước khi vụ án được TAND H.Đakrông đưa ra xét xử sơ thẩm vào tháng 7 – 2020 vừa qua, Vươi đã nộp được 90 triệu đồng. Trước hoàn cảnh khó khăn của bị cáo, ai cũng ái ngại, đặc biệt là HĐXX, đã “soi” kỹ nhằm không bỏ sót bất kỳ tình tiết giảm nhẹ nào cho bị cáo trong quá trình lượng hình. VKS cũng đề nghị xử phạt Vươi từ 36 đến 39 tháng tù. Sau khi xét toàn diện, Tòa đã tuyên Vươi 36 (ba mươi sáu) tháng tù. Mặc dù mức án đã dưới khung hình phạt nhưng chỉ nghĩ đến rời xa con lâu đến thế, người mẹ nghèo rơi vào tuyệt vọng. Và đơn kháng cáo gửi tòa phúc thẩm mang hy vọng được giảm nhẹ để được chăm lo cho con, cho gia đình, cũng là có điều kiện chuộc lỗi với rừng.
Trong khi Vươi đang thấp thỏm đợi phiên tòa phúc thẩm thì 1 người khác tại bản Ly Tôn cũng vừa bị VKSND H.Đakrông ban hành cáo trạng truy tố về tội danh tương tự. Đó là người đàn ông tuổi 33, hộ nghèo, nhà đông con, đứa nhỏ nhất mới sinh năm 2013. Trên cơ sở điều tra xác định được, do thiếu đất sản xuất, người đàn ông này đã vào rừng phòng hộ, Tiểu khu 718B, xã Tà Long để khai hoang đất trồng lúa. Đến tháng 6 – 2019, thời điểm Trạm kiểm lâm Đakrông tuần tra phát hiện, hơn 15.000m2 diện tích rừng bị xâm hại đã được trỉa lúa đang xanh tốt. Người đàn ông nghèo đã thừa nhận hành vi phá rừng khu vực trên. Tổng giá trị thiệt hại (57 cây gỗ và 45 ster củi) là trên 93 triệu đồng. Dù đã nỗ lực khắc phục được 5 triệu đồng, nhưng do điều kiện kinh tế quá khó khăn, bị can làm đơn gửi UBND xã Tà Long được trồng lại rừng và chăm sóc rừng trên diện tích rừng đã bị xâm hại.
Chuộc lỗi với rừng, không phải chỉ vá lành vết thương những vạt rừng đã chảy máu, mà là cả một hành trình dài của cả cộng đồng, chính quyền, ban ngành chức năng trong bảo vệ rừng. Bởi những hoàn cảnh như Vươi cần được nâng cao nhận thức, và trên hết cần được quan tâm để nâng cao đời sống, sinh kế bền vững, thoát khỏi vòng luẩn quẩn thiếu đất sản xuất, canh tác, đói nghèo, lại khai hoang rừng cấm.
BẢO HÀ