Những vị khách có chung họ “lừa”

Thứ hai, 31/07/2023 07:59
Thời buổi công nghệ, những thủ đoạn lừa đảo trên không gian ảo xuất hiện ngày càng nhiều. Thời gian gần đây, lại xuất hiện thêm những phương thức mới. Các sự việc xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên là bài học để người dân nhận biết dấu hiệu, cảnh giác nhằm tránh sa vào “mê hồn trận”.   
Những nhà hàng quy mô lớn là đối tượng mà các nhóm lừa đảo nhắm đến (ảnh có tính chất minh họa).
Nguyễn Văn Hòa và Trần Thị Ngọc Trâm tại cơ quan Công an.

Từ chợ…

Sáng 28-7, Công an phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) thông tin vừa xác minh làm rõ, bắt 2 đối tượng chuyên lừa đảo chiếm đoạt tiền của các tiểu thương. Tại chợ đầu mối phường Tân Hòa, một số tiểu thương đã bị 2 đối tượng lạ mặt đến lừa đảo. Với thủ đoạn sau khi lựa hàng xong với lý do không mang tiền mặt, các đối tượng nói tiểu thương đưa thêm 1 khoản tiền mặt rồi đối tượng sẽ chuyển tổng số tiền hàng và tiền mặt bằng phương thức chuyển khoản với hình ảnh là đã chuyển khoản thành công để tạo lòng tin với các tiểu thương nhưng rồi sau đó chiếm đoạt.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an phường Tân Hòa đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nhanh chóng xác minh, làm rõ và bắt được 2 đối tượng lừa đảo gồm Nguyễn Văn Hòa (1998, trú xã Ea Ninh, huyện Cư Kuin) và Trần Thị Ngọc Trâm (1994, trú xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Tại cơ quan Công an, 2 đối tượng đã khai nhận do lười lao động nên đã thực hiện hành vi lừa đảo. Với phương thức thủ đoạn là vay tiền trên app Momo, sau khi tạo giao dịch thành công thì app Momo chuyển tiền về cho đối tượng và đối tượng chụp màn hình có lệnh đã giao dịch thành công cho các tiểu thương để tạo niềm tin và tiểu thương đưa tiền mặt cho 2 đối tượng. Nhưng khi có tiền, đối tượng không chuyển tiền qua tài khoản cho các tiểu thương mà chiếm đoạt luôn. Với thủ đoạn đó, 2 đối tượng đã trót lọt lừa đảo 3 tiểu thương trong chợ, chiếm đoạt số tiền hơn 7,6 triệu đồng.

Qua xác minh nhanh, đối tượng Nguyễn Văn Hòa đang bị Công an TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) truy nã về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Những nhà hàng quy mô lớn là đối tượng mà các nhóm lừa đảo nhắm đến (ảnh có tính chất minh họa).

... Đến nhà hàng, dịch vụ ẩm thực

Thời gian gần đây, nhiều nhà hàng, dịch vụ đặt tiệc lớn ở các thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng liên tục bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền bằng các thủ đoạn tinh vi. Đối tượng giả danh là người của Quân đội, đặt tiệc nhiều bàn rồi đưa các nạn nhân sập bẫy bằng nhiều thủ thuật công nghệ như “mê hồn trận”. Tình hình này khiến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng phải phát cảnh báo tới các huyện, thành phố, sở, ngành và tổ chức đoàn thể trong tỉnh, cảnh báo về tình trạng xuất hiện đối tượng mạo danh lực lượng Quân đội để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, từ tháng 5 đến 7-2023, với thủ đoạn mạo danh lực lượng Quân đội, các đối tượng đã gây ra ít nhất 7 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn TP Đà Lạt, Bảo Lộc và các huyện ở Lâm Đồng. Số tiền chiếm đoạt được của các nạn nhân từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, thủ đoạn mà bọn lừa đảo thực hiện là dùng tài khoản Zalo có hình người mặc quân phục, gọi đến các nhà hàng, dịch vụ nấu ăn, dịch vụ tiệc cưới, giả danh là cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng hoặc Ban Chỉ huy Quân sự huyện, đặt tiệc từ 5 - 7 bàn để mời khách. Khi các cơ sở trên đã nhận đặt tiệc, chúng chụp lại thông tin đã chuyển tiền đặt cọc (giả) gửi cho phía nhận đặt tiệc. Do không kiểm tra kỹ, các nạn nhân vẫn tin rằng việc chuyển khoản trên là thật, chưa nhận được tin nhắn thông báo biến động số tiền trong tài khoản là do lỗi mạng hoặc các sự cố khách quan từ phía ngân hàng. Sau đó, các đối tượng lừa đảo tiếp tục nhờ mua giúp rượu, sâm quý để làm quà biếu. Khi nơi nhận đặt tiệc không tìm được nguồn hàng theo yêu cầu, đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn liên hệ với người có nguồn hàng. Sau khi nhà hàng chuyển tiền cọc mua hàng qua số tài khoản được cung cấp thì đối tượng lừa đảo cắt liên lạc và chiếm đoạt tiền.

Với thủ đoạn tương tự, kẻ lừa đảo giả danh cán bộ Quân đội liên hệ với đại lý cây giống mua cây trồng, sau đó nhờ mua giúp thuốc bảo vệ thực vật và cắt liên lạc sau khi đã lừa được tiền cọc.

Cũng theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua còn xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo giả danh gọi điện thoại, nhắn tin qua mạng xã hội (Zalo, Messenger…), tự xưng đang công tác tại đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để thu thập thông tin, bán sách; giả danh sĩ quan Quân đội để hù dọa tống tiền gia đình có con em đang thực hiện nghĩa vụ quân sự; bán thuốc, quảng cáo dịch vụ, sản phẩm…Trước đó, trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, với thủ đoạn liên hệ đặt tiệc tiếp khách, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt được của 2 nhà hàng tại TP Đà Lạt với tổng số tiền gần 800 triệu đồng. Ở TP Bảo Lộc, kẻ lừa đảo chiếm đoạt của một tiệm bán bánh mì 50 triệu đồng.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân khi nhận được các cuộc gọi của người lạ tự xưng “này nọ” để đặt hàng, yêu cầu cung cấp thông tin, nhờ giúp đỡ… thì liên hệ ngay với cơ quan Công an hoặc Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, cấp huyện để xác minh, nhằm tránh bị lừa đảo.

Quốc Dũng- P.V