(Cadn.com.vn) - Không kể đến vụ khủng bố 11-9-2011 nhắm vào Mỹ, lịch sử ngành hàng không thế giới từng chứng kiến những vụ không tặc kinh hoàng không kém trong hơn 50 năm qua.
CHUYẾN BAY EL AL 426
Hãng hàng không El Al của Israel luôn được xem là mục tiêu hàng đầu của bọn không tặc. Vì vậy, El Al buộc phải liên tục thay đổi cách quản lý, tăng cường an ninh để khỏi bị rơi vào tầm ngắm. Tuy nhiên, dù cố gắng đến đâu, họ cũng không tránh khỏi rủi ro. Năm 1968, 3 tên không tặc thuộc nhóm cực đoan PFLP (Palestine) đã cướp máy bay trên chuyến 426 từ London (Anh) đến Rome (Italia). Ba tên này yêu cầu chuyển hướng bay sang Algeria, nước vừa tuyên chiến với Israel một năm trước đó. Toàn bộ số hành khách không phải người Israel đã được thả ngay, 12 người Israel trong đó có 10 phụ nữ cùng phi hành đoàn và 10 người khác được thả sau 40 ngày đàm phán căng thẳng.
VỤ KHÔNG TẶC DFH
Vụ DFH diễn ra tại Jordan năm 1970. Theo đó, chỉ trong một ngày, 4 chiếc máy bay đã bị lực lượng PFLP bắt giữ. 2 trong số này bị ép phải hạ xuống cánh đồng Dawson ở Jordan. Toàn bộ 310 hành khách được tự do nhưng 56 hành khách và phi hành đoàn người Israel vẫn bị giữ lại. PFLP yêu cầu Jordan trao trả thi thể Patrick Arguello và Leila Khaled, hai thành viên bị bắt trong vụ cướp máy bay El Al 219 không thành trước đây. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự kiện “Black Setempber” vụ tàn sát ở thế vận hội năm 1972 tại Munich (Đức). Nhóm cực đoan Palestine có tên Black September (Tháng 9 đen tối) bắt cóc con tin là những vận động viên người Israel, giết chết 17 người, trong số đó có 11 là người Israel.
CHUYẾN BAY 653
Năm 1977, thế giới chấn động với vụ cướp máy bay 653 của Hãng hàng không Malaysia Airlines. Sau khi rời khỏi sân bay Penang đi Kuala Lumpur, cơ trưởng G.K Ganjoor báo cáo về tổng đài về việc phát hiện những tên không tặc lên máy bay và có ý định cướp máy bay để đi Singapore. Ngay lập tức, thông tin im bặt, máy bay đâm xuống Kampong Ladang, Tanjong Kupang làm cho 7 phi hành đoàn cùng 93 hành khách thiệt mạng, trong số này có cả Bộ trưởng Bộ Lao động Malaysia Dato Mahfuz Khalid, Bộ trưởng Nông nghiệp Dato Ali Haji Ahamadam và Đại sứ Cuba tại Nhật Bản Mario Garcia. Đến nay có rất nhiều giả thiết về vụ không tặc nói trên, trong đó có cả giả thiết cho rằng lực lượng JRA (quân đội Nhật đỏ) ở Nhật Bản tham gia. Đáng tiếc, do không có bằng chứng nên vụ việc đến nay vẫn là câu hỏi bí ẩn.
CHUYẾN BAY 847
Năm 1985, 6 thành viên thuộc tổ chức khủng bố Hezbollah và Islamic Jihad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công chuyến bay TWA 847 của Hãng hàng không Mỹ trên hành trình từ Athens (Hy Lạp) đi Rome. Ngay sau khi cất cánh, cơ trưởng bị buộc bay sang Beirut (Lebanon). Tại đây, 19 hành khách được thả và đến Algeria, 20 hành khách lại được thả tiếp còn máy bay quay lại Beirut. Bọn không tặc sau đó bắn chết một người nhái của Hải quân Mỹ tên là Robert Stetham và ném thi thể của nạn nhân xuống đường băng. Ngoài ra, 7 hành khách người Mỹ khác mang tên nghe giống Do Thái cũng bị bắt làm con tin. Máy bay tiếp tục bay trở lại Algeria, 65 hành khách nữa được thả, máy bay lại tiếp tục trở lại Beirut. Bọn không tặc đã đưa ra hàng loạt những yêu cầu, trong đó có yêu sách đòi thả một kẻ khủng bố có tên “Kuwait 17” từng tham gia vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Kuwait năm 1983. Cuối cùng, tất cả con tin được tự do.
CHUYẾN BAY 648 CỦA AI CẬP
Đây là vụ không tặc đẫm máu nhất trong lịch sử ngành Hàng không Ai Cập diễn ra năm 1985 trong chuyến bay 648 của Hãng hàng không Egypt Air. Ngay sau khi lên máy bay, 3 thành viên người Palestine thuộc tổ chức ly khai Abu Nidal (ANO) khống chế máy bay khi đang trên đường từ Athens đến Cairo. Sau khi một nhân viên an ninh Ai Cập bắn chết một tên không tặc, ngay lập tức bọn cướp nổ súng làm nhiều người thiệt mạng, thân máy bay bị thủng buộc phi công phải hạ cánh khẩn cấp xuống Malta. 11 hành khách và 2 tiếp viên bị thương được phóng thích. Do sự cố xảy ra bất ngờ lại không được sự ủng hộ của nhà cầm quyền Malta nên khi máy bay hạ cánh, cuộc đọ súng vẫn tiếp diễn và cuối cùng làm cho máy bay phát nổ. Kết quả, 56 trong số 86 hành khách bị thiệt mạng, đưa tổng số người chết trong vụ không tặc này lên đến 92 người.
 |
Hiện trường máy bay bốc cháy trong vụ không tặc ở Ai Cập năm 1985 khiến 92 người chết. |
CHUYẾN BAY 961
Đây là vụ không tặc kinh hoàng diễn ra năm 1996 trên chuyến bay 961 của Hãng hàng không Ethiopia Airlines. Vụ không tặc này đã được một cặp vợ chồng mới cưới người Nam Phi quay lại một cách trọn vẹn trong khi họ đến nghỉ tại đảo Comoros. Đây là bằng chứng sống làm cho dư luận không khỏi bàng hoàng. Tác giả vụ cướp là 3 người Ethiopia tìm cách tị nạn tại Australia. Do biết chắc không đủ nhiên liệu thỏa mãn yêu cầu của những tên không tặc, phi công Leul Abate đã bay ra đảo Comoros với hy vọng tìm được nơi hạ cánh. Khi toàn bộ hệ thống động cơ bị sự cố, phi công không xác định được sân bay Prince Said Ibrahim nên phải hạ cánh xuống vùng nước nông. Rất nhiều người dân địa phương và khách du lịch đã bơi ra giải cứu hành khách. Tuy nhiên, 122 trong số 172 hành khách trên máy bay đã thiệt mạng.
Duy Hùng (Theo CDG)