Nỗ lực ngăn chặn hủ tục nghi kỵ cầm đồ độc

Thứ sáu, 03/02/2023 07:45
Theo cách nghĩ của người dân vùng cao Quảng Ngãi, “đồ độc” là tạp chất gồm đất được lấy từ mộ của người chết, xương động vật, chén mẻ, lông trâu… trộn lẫn vào nhau. Khi muốn hại người khác thì dùng “đồ độc” đụng vào người hoặc cho ăn, uống và nguyền rủa thì nạn nhân sẽ chết. Để ngăn chặn những hậu quả có thể xảy ra và dần loại bỏ hủ tục này ra khỏi đời sống người đồng bào vùng cao, thời gian qua, Công an các huyện miền núi ở Quảng Ngãi luôn tích cực tuyên truyền để thay đổi nhận thức của nhân dân địa phương, xóa bỏ những hủ tục “cầm đồ độc”.
Lực lượng Công an đến thăm hỏi, động viên gia đình từng là nạn nhân nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.
Lực lượng Công an phối hợp chính quyền địa phương họp dân để hòa giải nghi kỵ cầm đồ thuốc độc ở xã Trà Tây, huyện Trà Bồng.

Dù chưa ai từng nhìn thấy “đồ độc”, nhưng đó là điều rất đáng sợ và bám sâu vào tâm thức của người dân miền núi. Phần lớn các nghi kỵ xảy ra khi có người chết, trâu bò chết hoặc đau ốm, dịch bệnh. Còn nhớ vào năm 2019, Phạm Văn Soi, Phạm Văn Nghề và Phạm Văn Cua (cùng trú thôn Làng Tốt, xã Ba Lế,H. Ba Tơ) đã gây ra cái chết cho ông Phạm Văn Lối (trú cùng thôn) vì nghi ngờ ông Lối cầm đồ độc. Hậu quả, Phạm Văn Soi bị kết án 20 năm tù, Phạm Văn Nghề 14 năm tù và Phạm Văn Cua 12 năm tù. Thời điểm sau khi bị bắt, Soi thừa nhận do trước đây, cha mình và ông Lối có mâu thuẫn. Sau khi cha Soi chết, mặc dù bác sĩ kết luận cha Soi bị ung thư nhưng Soi cho rằng, cha mình bị ung thư là do ông Lối cầm đồ độc gây ra.

Đây không phải là vụ án mạng đầu tiên liên quan đến nghi kỵ cầm đồ độc xảy ra trên địa bàn tỉnh. Xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân, bất đồng trong cuộc sống, lợi dụng nhận thức của người dân còn thấp, quá tin vào các tập tục mê tín dị đoan… là nguyên nhân hàng chục người ở các huyện miền núi bị tung tin cầm đồ độc. Từ đó, các nạn nhân bị đánh đập, đuổi đi khỏi làng và hàng chục vụ án mạng đau lòng đã xảy ra.

Mới đây nhất, đầu tháng 11-2022, ông Hồ Văn Quang (trú thôn Bắc Dương, xã Trà Tây, H. Trà Bồng) bị nhiều người trong làng nghi cầm đồ độc. Nguồn cơn của sự việc là do ông Hồ Văn Thêm ở cùng thôn, trong một lần uống rượu đã nói với nhiều người rằng ông Quang có “đồ độc” vì hay đi đêm. Từ lời nói này, nhiều người tỏ ra sợ và xa lánh ông Quang. Được biết, ông Quang đang làm nghề thầy cúng và thường xuyên đi cúng nên hay đi về đêm. Chỉ vậy mà mọi người nghi ngờ, xa lánh khiến cho cuộc sống của ông gặp rất nhiều bất tiện. Cũng ở xã Trà Tây, anh Hồ Văn Vũ là một người nghiện rượu, thường hay tự nói mình có “đồ độc” khiến cho cả làng xa lánh. Gia đình anh Vũ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ lời nói không có căn cứ của người chồng lúc say xỉn.

Lực lượng Công an đến thăm hỏi, động viên gia đình từng là nạn nhân nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.

Sau khi nắm tình hình và tiếp nhận phản ánh của người dân, lực lượng Công an huyện Trà Bồng và Công an xã Trà Tây đã nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc, tham mưu chính quyền xã Trà Tây tổ chức các cuộc hòa giải, nâng cao ý thức người dân. Sau khi được sự hỗ trợ từ lực lượng chức năng, ông Hồ Văn Quang, người từng bị nghi kỵ cầm đồ thuốc độc bày tỏ niềm vui, nhờ lực lượng công an và chính quyền địa phương kịp thời giải nghi, giờ trong lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Dân làng không còn xa lánh, cuộc sống gia đình tôi được trở lại bình thường.

Thiếu tá Hồ Văn Chanh- Trưởng Công an xã Trà Tây cho biết, hủ tục lạc hậu đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Lực lượng công an phải thường xuyên kiên trì vận động người dân, tổ chức các cuộc họp dân, tranh thủ những người có uy tín trong đồng bào hoặc xuống từng hộ dân để tuyên truyền. Chúng tôi đã cùng ăn, cùng ở và tâm huyết với đồng bào để giúp xóa dần những định kiến lạc hậu đã ăn sâu vào đời sống người dân.

Q.N