Nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thứ tư, 08/05/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 7-5, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề với sự tham dự của các ngành chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN sản xuất - kinh doanh (SXKD). Một lần nữa, DN tiếp tục kêu khó, kể khổ, còn ngân hàng (NH) vẫn tỏ ra “rất đồng cảm”, nhưng không thể nói “cho vay là vay được”.

DOANH NGHIỆP KỂ KHỔ

Đại diện các doanh nghiệp (DN), địa phương nêu những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ, đẩy mạnh SXKD như: DN chủ yếu dựa vào nguồn vốn của NH để SXKD. Theo quy định thì chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động là 3% và lãi suất cho vay tối đa là 12%/năm, nhưng hiện DN vẫn phải vay NH với lãi suất 15%/năm. Không những vậy, dù phải chấp nhận vay với lãi suất cao nhưng DN vẫn rất bức xúc và gặp nhiều khó khăn vì kiểu cho vay “nhỏ giọt” của các NH. Bên cạnh đó, DN cũng nêu về vấn đề khá “nhạy cảm” là không quy định rõ ràng về lãi suất 12%/năm đối với số tiền vay cũ hay tiền vay mới nên chỉ riêng điều này cũng đã khiến DN lao đao.

Cũng trong buổi tiếp xúc, các DN đề nghị cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các NHTM vì trước đây có trường hợp DN vay vốn với lãi suất hơn 20%/năm, nhưng trong hợp đồng vay thì chỉ ghi là 18%/năm. Phải chăng NH chơi “ép” DN khi nắm được thóp rằng anh cần vốn thì phải chấp nhận mức lãi suất do tôi đưa ra, hay con số chênh lệch 2% ấy rơi vào túi cá nhân? Ngoài ra, đại diện nhiều DN cũng đề nghị chính quyền cần tạo cơ chế thoáng hơn cho DN đầu tư vào các KĐT, KKT thông qua việc giảm thuế suất, thuế đất... đối với đặc thù từng địa phương.

 Dự án Nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Chu Lai - Trường Hải vừa được UBND tỉnh đề xuất cơ chế cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

NGÂN HÀNG “LÀM ĐÚNG NGUYÊN TẮC”

Bà Nguyễn Thị Sương Thu, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Nam cho biết, các NHTM hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ nên nguyên tắc kinh doanh của từng đơn vị dựa trên quy định của Thống đốc NHNN Việt Nam. Vì vậy, NH cũng ngần ngại khi bố trí vốn cho những đơn vị kinh doanh thua lỗ hoặc đưa ra đề án ít khả thi. Hiện nợ xấu của các DN trên địa bàn Quảng Nam khoảng hơn  1.000 tỷ đồng. Số DN vay vốn với lãi suất hơn 15%/năm nằm ở mức 3,3%. Tuy nhiên, nếu các DN trên địa bàn Quảng Nam vay vốn các NH đóng trên địa bàn tỉnh với lãi suất hơn 15%/năm, hoặc nếu các nhân viên tín dụng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN thì cũng cần thông tin để NHNN Chi nhánh Quảng Nam có hướng xử lý thích hợp. Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh Quảng Nam đang rà soát để có văn bản gửi các Hội sở và Thống đốc để Thống đốc chỉ đạo các Hội sở hạ lãi suất đối với những DN mang tính đặc thù hoặc đang vay với lãi suất quá cao...

Kết luận hội nghị, ông Lê Phước Thanh - Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: thông qua tiếp xúc cởi mở, ĐBQH đã có cái nhìn khá toàn diện về những vướng mắc, khó khăn của DN trong thời điểm hiện nay. Đối với những lĩnh vực mà Quảng Nam giải quyết được thì tỉnh tiến hành giải quyết ngay. Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn cần tạo điều kiện để DN thuận lợi hơn trong SXKD. Thời gian tới, Quảng Nam sẽ có những giải pháp phù hợp hơn, giải quyết những bất cập để DN đẩy mạnh phát triển SXKD. Đối với những vấn đề vĩ mô, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam sẽ tổng hợp trình QH và các bộ, ngành chức năng xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất.

P.V