Nỗ lực triển khai Đề án 06 ở Công an một huyện biên giới
Thôn Lầu Nàng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk có 5 đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống. Thôn có 115 hộ, nhưng hộ nghèo chiếm đến 72% và rất nhiều người không có điện thoại thông minh, hiểu biết về công nghệ rất hạn chế. Chính vì vậy, thời gian qua, Công an xã Ia Lốp đã tích cực tăng cường việc tuyên truyền hướng dẫn người dân trong thôn làm CCCD, cài đặt ứng dụng VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử để thực hiện Đề án 06 của Chính phủ .
Theo Ông Vi Văn Thuận - Trưởng thôn Lầu Nàng, thời gian qua lực lượng Công an đã đến tuyên truyền pháp luật vừa lồng ghép cài đặt VNeiD, xác thực định danh điện tử cho bà con ở trong thôn. Được tuyên truyền một số tính năng cũng như tiện ích quan trọng của việc cài đặt, bà con nhanh chóng làm một số thủ tục, không phải lên đến trụ sở cơ quan chức năng, giảm được thời gian và công sức đi lại.
Ngoài việc tổ chức họp dân tuyên truyền tập trung, thời gian qua, Công an xã Ia Lốp còn đến tận nhà dân để làm CCCD và hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử để thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
Theo Trung tá Nguyễn Quốc Hoan - Trưởng Công an xã Ia Lốp, trên địa bàn xã thì 68% là hộ nghèo và có 15 đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống vì vậy người dân sử dụng điện thoại thông minh còn hạn chế. Vì vậy Công an xã thường xuyên đến tận nhà người dân đồng thời lồng ghép các buổi tuyên truyền pháp luật để hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Chúng tôi đến xã biên giới Ia Rvê của huyện Ea Súp. Ở đây, Công an xã cũng đang thường trực 100% để thực hiện đợt cao điểm 60 ngày đêm làm CCCD và thu nhận tài khoản định danh điện tử cho nhân dân. Để đẩy nhanh tiến độ, Công an xã còn bố trí phương tiện, lực lượng hỗ trợ chở người già yếu tàn tật đến địa điểm làm lưu động, chủ động.
Theo ông Lê Văn Hoàng Lâm- Chủ tịch UBND xã Ia Rvê, Ia Rvê là một xã biên giới, với địa bàn rộng và dân cư không tập trung và không ổn định. Một số đồng bào di cư lên vùng kinh tế mới, do thổ nhưỡng khí hậu gặp nhiều khó khăn nên có nhiều người rời khỏi địa phương. Với 26 dân tộc anh em cùng sinh sống và dân trí lại không đồng đều nên việc tuyên truyền sử dụng dịch vụ công còn hạn chế. Vì vậy cùng với cả hệ thống chính trị, đã thành lập các tổ dữ liệu cộng đồng hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó đã tổ chức nhiều đợt lưu động và cố định để hoàn thành làm đúng, đủ, sạch, sống dữ liệu dân cư phục vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn.
Ông Hồ Văn Điều, người dân ở thôn 2, xã Ia Rvê phấn khởi: “Ngày xưa khi làm thủ tục hành chính lên xã đã 7km mà ra huyện thì hơn 50km, rất là mệt mỏi. Sau khi thực hiện chuyển đổi số này rồi thì tôi với gia đình lên làm rất thuận lợi. Đa số bà con thì họ đều phấn khởi. Giờ chỉ cần cập nhật vô trong máy điện thoại là đầy đủ các thủ tục hành chính. Tôi mong muốn tất cả người dân đều đồng tình ủng hộ”.
Để thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, năm qua, huyện Ea Súp đã lập ra 128 tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn, buôn, tổ dân phố với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thượng tá Lý Văn Kết - Trưởng Công an huyện Ea Súp cho biết: Quá trình thực hiện Đề án 06 tại địa bàn huyện Ea Súp, ngoài những điều kiện thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn, nổi lên là Huyện Ea Súp là huyện biên giới, diện tích rộng nhất tỉnh, dân cư phân bố không đồng đều, trong đó 42% là đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn. Địa bàn huyện Ea Súp hiện có trên 3.000 người dân di cư ngoài kế hoạch ở các tỉnh miền núi phía bắc vào cư trú, sinh sống từ những năm trước. Việc thu thập cập nhật thông tin, việc quản lý cư trú đối với những người này gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ việc cư trú sinh sống của họ hầu hết là trên đất lâm nghiệp, tự khai phá bất hợp pháp, nên họ có xu hướng trốn tránh, từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật... dẫn đến việc xác minh, thu thập, làm sạch dữ liệu dân cư gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện, ngoài việc tổ chức thực hiện các mặt công tác tại đơn vị, còn phải bố trí một tổ lưu động thường xuyên xuống địa bàn cơ sở, đến tận thôn, tận nhà để thu nhận CCCD cho nhân dân, đặc biệt là đối với các em học sinh, người già yếu đi lại không thuận tiện. Qua việc triển khai thực hiện Đề án 06, kết hợp với công tác tuyên truyền của Công an huyện, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn cũng đã thấy được tiện ích thiết thực của việc sử dụng thẻ CCCD, tiện ích của ứng dụng định danh và xác thực điện tử, thông qua dịch vụ công trực tuyến. Nhiều người đã thực hiện các thủ tục hành chính pháp lý trên môi trường mạng mà không phải trực tiếp đến các cơ quan Nhà nước. Hiện nay, theo quy định của pháp luật, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã hết giá trị sử dụng, các thông tin về cư trú có thể sử dụng thông qua thẻ CCCD. Do đó rất mong bà con nhân dân tiếp tục tích cực tham gia cùng lực lượng Công an thu nhận hồ sơ CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ cho bản thân, gia đình cũng như xây dựng cuộc sống số trong tương lai...
Mặc dù ở một huyện vùng sâu biên giới gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, ngày đêm tích cực, hơn 1 năm qua, lực lượng Công an trên địa bàn huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã góp sức thực hiện đạt nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận trong việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Quốc Dũng