Nở rộ hoa hậu có phải tín hiệu đáng mừng?

Thứ bảy, 21/01/2023 21:52
Năm 2022, sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế, hơn 20 cuộc thi hoa hậu đã nối nhau tổ chức khá tưng bừng. Thậm chí, có ngày người Việt Nam phải chứng kiến đến 2 hoa hậu lên ngôi, như đêm 22-10 đã trao vương miện cho Hoa hậu Biển đảo Việt Nam và Hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam.
Hoa hậu Đoàn Thiên Ân
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Bùng nổ hoa hậu có ích gì cho đời sống văn hóa nước ta thời hội nhập?

Sau khi người đẹp Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 lại đến người đẹp Lê Nguyễn Bảo Ngọc đăng quang Hoa hậu Liên lục địa 2022, khiến nhiều người ngỡ rằng nhan sắc Việt Nam đã có vị trí đáng kể trên bản đồ thế giới? Thực chất, hàng loạt cuộc thi tuyển chọn người đẹp lại phơi bày không ít bất cập. Ngay tại Việt Nam, cũng rất nhiều cuộc thi nhan sắc khoa trương “quốc tế” nhưng chất lượng cực kỳ cục bộ. Từ một cuộc thi duy nhất mang tên Hoa hậu Việt Nam, đến hôm nay Việt Nam đã có hàng chục cuộc thi hoa hậu các kiểu. Những cuộc thi hoa hậu có cách thức tổ chức na ná nhau, nên cạnh tranh với nhau rất quyết liệt và tạo ra không ít hệ lụy trớ trêu. Có người đẹp mới bị loại khỏi cuộc thi nọ đã quay sang chiến thắng ở cuộc thi kia, giúp thị trường hoa hậu hình thành khái niệm “cứ kiên trì đi thi ắt có ngày đăng quang”.

So với trước đây, thì bây giờ xin phép tổ chức một cuộc thi hoa hậu tương đối dễ dàng. Nghị định số 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ đã mở rộng biên độ cho các sân chơi người đẹp, vì không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi được tổ chức hàng năm và cũng bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Đặc biệt các cuộc thi hoa hậu thay vì phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, thì chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh, thành phố. Vậy là nhiều công ty giải trí nhảy bổ vào thị trường đầy tiềm năng này từ những gót ngà bước ngọc của các mỹ nhân.

Tính đến nay, có thể liệt kê một danh sách dài các cuộc thi nhan sắc đã được chủ đầu tư đăng ký bản quyền, gồm: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Đại dương, Hoa hậu Biển đảo, Hoa hậu Áo dài, Hoa hậu Du lịch, Hoa hậu Du lịch Biển Việt Nam, Hoa hậu Đại sứ du lịch Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu chuyển giới Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên hiệp quốc Việt Nam...

Khi giới mộ điệu không thể nhớ hết tên các cuộc thi hoa hậu, thì thái độ bỉ bai cũng nổi lên. Trên các diễn đàn, khán giả bắt đầu hoài nghi giá trị thực sự của việc tuyển chọn người đẹp ồn ào và ồ ạt.

Không phải ngẫu nhiên, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL gần đây phải ban hành Chỉ thị số 274 để chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu; phối hợp trong quản lý đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài, liên quan đến công tác dân tộc, bình đẳng giới, trẻ em,…

Hoa hậu Đoàn Thiên Ân

Chỉ cần quan sát, không khó khăn gì để thấy, so với các hoa hậu trên thế giới, thì hoa hậu Việt Nam có sức ảnh hưởng khá khiêm tốn. Thử phân tích thực trạng sẽ nhận ra không ít nghịch lý trớ trêu. Có thể các hoa hậu có quá nhiều mưu cầu cá nhân, mà cũng có thể các tổ chức xã hội chưa có hành động cụ thể ủng hộ hoa hậu tham gia vào đời sống xã hội. Ở đây, rõ ràng khó có thể trách ai được. Lý do đơn giản nhất là chúng ta mới dừng ở khái niệm hoa hậu của sàn diễn, hoa hậu của tiệc tùng, hoa hậu của hoan hô, hoa hậu của chào đón, hoa hậu của quảng cáo. Từ hai phía, với trách nhiệm và lương tri ở một đất nước khao khát vươn lên, thì hoa hậu nhận một phần lỗi về hoa hậu, và các tổ chức xã hội nhận một phần lỗi về các tổ chức xã hội, vì chúng ta chưa kịp hình thành khái niệm ứng xử của hoa hậu. Nghĩa là, song song với một hoa hậu được vinh danh phải có một hoa hậu được cống hiến! Người Việt Nam không thể ủ dột mãi trong cảnh bồn chồn, mỗi khi xem tivi thấy Hoa hậu nước Mỹ vận động quyên góp giúp đỡ bệnh nhân nhiễm HIV hay Hoa hậu nước Pháp nói chuyện với sinh viên về công tác bảo vệ môi trường, rồi bất giác thở dài tự hỏi không biết giờ này Hoa hậu nước ta đang son phấn rực rỡ dạo gót chân ngà ngọc phiêu lãng nơi nào? Khi không song hành với cái thiện, thì cái đẹp sẽ bộc lộ sự bơ vơ, sự ích kỷ, sự lạnh lùng!

Có nhiều điều dở khóc dở cười xung quanh các cuộc thi Hoa hậu. Có không ít cuộc thi hoa hậu mà người đội vương miện chính là nhà tài trợ. Và oái oăm hơn, ban giám khảo cũng không cần trình độ hay chuyên môn gì. Ai bỏ tiền ra ủng hộ nhiều hay ít thì sẽ được làm trưởng ban giám khảo hay phó ban giám khảo…

Chả rõ khi nào thì cơn khát danh hiệu hoa hậu mới nguôi ngoai, nhưng một người có kinh nghiệm trang bị kỹ thuật cho các người đẹp ứng thí như Hiệu trưởng Trường Jonh Robert Power – Võ Thị Xuân Trang thì tỏ ra hoài nghi: “Tôi đào tạo rất nhiều người đẹp đi thi hoa hậu, nhưng có lúc phải nghe những câu hỏi: Hoa hậu làm được gì mà tổ chức các cuộc thi hoa hậu nhiều như vậy? Thật sự bản thân tôi cũng không biết nhiều người đã làm được gì. Chúng ta nên đặt ra câu hỏi, các cô ấy sau khi là hoa hậu đã làm được gì cho nhân dân, đất nước? Từ đó nên có quy định những việc làm, hành động cụ thể cho họ trong quá trình đương nhiệm, để họ làm tròn trách nhiệm của mình”.

TUY HÒA