Nói “chuyện tử tế” với đạo diễn Trần Văn Thủy

Thứ năm, 13/12/2007 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong cái rét ngọt chiều cuối năm, tôi may mắn được gặp đạo diễn Trần Văn Thủy tại Đà Nẵng khi ông đang chuẩn bị cho trình làng tác phẩm mới: “Chuyện về người man- di thời hiện đại”, nói về học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Tác giả của “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”,... vang bóng một thời nay xấp xỉ sang tuổi 68 nhưng vẫn khỏe khoắn, đặc biệt lối nói chuyện trí tuệ, lôi cuốn lạ thường.

Tử tế là gì? Người đạo diễn lão luyện cùng đoàn làm phim đã cất công đi tìm câu trả lời bằng bộ phim “Chuyện tử tế” vào năm 1985. Và kết quả thật không ngờ, “Chuyện tử tế” đã đưa tên tuổi đạo diễn Trần Văn Thủy vượt đại dương đến các nước xa xôi trên thế giới. Tử tế trong Từ điển tiếng Việt có 2 nghĩa về hình thức bên ngoài là cách ăn mặc kỹ càng, đứng đắn; nghĩa thứ hai để chỉ người có lòng tốt trong đối xử với nhau. Tử tế trong cuộc sống được hiểu là tình yêu thương, nhân hậu, điều thiện. Người gặp khó khăn bất trắc trong cuộc sống nhận được sự giúp đỡ thì thành sự tử tế... Nhưng trong cuộc sống, để hiểu được sự tử tế không là điều đơn giản, phải có cả một quá trình và không chỉ đơn thuần đánh giá vẻ ngoài của một con người. Trước đây khá lâu, người ta hay bảo: “chỉ đồ hủi mới ăn ở với nhau không tử tế”.

Nhưng thực tế đạo diễn Trần Văn Thủy đã tìm ra một bà mẹ bị bệnh hủi (bệnh phong), cả làng xua đuổi. Nhưng vì lo cho con mà đêm đêm, trong cái rét tái tê, bà lén lút trở về dùng đôi tay cụt cùi rớm máu của mình đóng 1,8 vạn viên gạch để xây nên ngôi nhà nhỏ cho đứa con thơ. “Đồ hủi” là vậy đấy, những người lành mạnh và được coi là tử tế chưa hẳn ai cũng có thể làm được? Thì ra sự tử tế thật khó nói.

Đạo diễn Trần Văn Thủy (trái) và tác giả.

Đạo diễn Trần Văn Thủy kể, có một thời chính ông cũng “dính” vào mấy chữ “không tử tế”. Đó là những năm sau 1982 khi bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” ra đời. Họ bảo “có vấn đề”, phim bị cấm, đương nhiên tác giả của nó phải là người “không tử tế” mới làm cái phim “có vấn đề” ấy. Mang tâm trạng nặng nề của một đạo diễn “có tiền án”, cùng rất nhiều áp lực, thiếu thốn vật chất, năm 1985, ông quyết tâm đi làm phim “Chuyện tử tế”, thực hiện lời hứa với đồng nghiệp Đồng Xuân Thuyết trước khi chết trên giường bệnh: Các cậu nên làm một cái gì đó bắt đầu từ tình thương yêu, hoặc nỗi đau của con người. “Chuyện tử tế” ra đời trong bối cảnh như vậy, và có lẽ từ sự khổ đau, nhưng chân thực trùi trũi ấy mà nó trở thành kiệt tác.

Ngày 7-10-1987, trong cuộc gặp gỡ với 200 nhà báo, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gọi riêng đạo diễîn Trần Văn Thủy nói, đến bây giờ ông mới biết phim “Hà Nội trong mắt ai” của ông bị cấm và khuyên ông nên làm tập 2. Vậy là ngay sau đó tập 2 có tên “Chuyện tử tế” ra đời một cách hợp pháp. Xem ra, cách cho “ra lò” phim “Chuyện tử tế” này của đạo diễn Trần Văn Thủy có vẻ... không tử tế. Nhưng, cái sự không tử tế ấy là cần thiết để hôm nay, độc giả biết đến Nghệ sĩ Nhân dân Trần Văn Thủy với những tác phẩm để đời. Năm 1988, “Hà Nội trong mắt ai” được giải vàng LHP Việt Nam. Nhưng trước đó (1985), “Chuyện tử tế” đã đoạt giải Bồ câu Bạc tại LHP quốc tế Leipzig (Đức), được báo chí nước ngoài gọi là “Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung thành phố Leipzig”. Phim đã lần lượt vượt qua gần 350 phim đến từ các nước và trở thành 1 trong 10 bộ phim tài liệu hay nhất thế giới.

Tôi hỏi, lúc khó khăn như thế ông cho ra lò nhiều phim hay, bây giờ khá hơn nhiều liệu có “Chuyện tử tế” tập 3? Ông bảo làm phim là niềm đam mê lớn nhất vì vậy luôn cố gắng thực hiện ước nguyện của mình trong mọi hoàn cảnh. Tôi đã thấy niềm đam mê của ông, lặng lẽ ngồi một góc khán phòng Tỉnh ủy Quảng Nam xem chăm chú trọn bộ 4 tập “Chuyện người man-di thời hiện đại” của mình. Ông cần ý kiến của bất cứ người xem nào đóng góp cho phim. Quan điểm của ông, làm phim phải trung thực, biết đau nỗi đau của con người; làm phim để người xem say mê, hả hê chứ không phải làm phim “cúng cụ”. Ở Việt Nam, chưa bao giờ phim tài liệu bán vé được, riêng phim ông, người ta chen nhau đi xem. Đạo diễn Trần Văn Thủy tỏ ra ngượng ngùng khi người ta so sánh ông là Francis Coppola của Việt Nam. Ông không giàu có như Francis Coppola nhưng phim của ông đã làm nên ma lực cuốn hút người xem.

Bộ phim đầu tay của đạo diễn Trần Văn Thủy quay tại chiến trường Quảng Đà có tên gọi “Những người dân quê tôi” đoạt giải Bồ câu Bạc LHP quốc tế Leipzig (1970). Quảng Đà - nơi ông từng chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, từng bao phen bên bờ của sự sống, cái chết. Khi bước ra khỏi chiến trường, ông sút 10kg nhưng vẫn gắng mang những cuộn phim nặng trịch nhưng có giá trị đã quay được tại chiến trường. Xem những thước phim trong “Những người dân quê tôi”, sự chân thực rõ mồn một đến nỗi nhiều người tại LHP Leipzig đã phải thốt lên: Chiến sự ác liệt như vậy tại sao người quay phim không chết? Lòng đam mê, tài năng, nhưng trên hết là tinh thần dũng cảm, khao khát phản ánh chân thực cuộc chiến... đã làm nên điều kỳ diệu ấy. Nếu không biết đau, không thấu hiểu nỗi đau của con người, đạo diễn Trần Văn Thủy đã không có được “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” (đoạt giải Phim ngắn hay nhất LHP Châu Á - Thái Bình Dương lần 43 năm 1999).

Nếu chỉ xem phim và nghe nói chuyện đã khẳng định đạo diễn Trần Văn Thủy là người tử tế thì hãy khoan... Sự thực nhiều người dân nghèo ở quê hương Hải Hậu (Nam Định) của ông luôn hàm ơn ông, vì nhờ ông mà họ có được những cây cầu, nhiều đứa trẻ bệnh tật được đi chữa bệnh tại TP Hồ Chí Minh. “Chuyện tử tế” sau khi được công chiếu ở nước ngoài, rất nhiều Việt kiều đã thức tỉnh, họ cần làm một người tử tế, và họ đã quay trở về quê hương đầu tư, đóng góp xây dựng quê hương Việt Nam. Xem ra ở ngoài đời và trong phim, ông rõ là người tử tế. Ông nói với tôi: “Bớt hút thuốc lá đi, tiền hút thuốc 1 tháng của cậu bằng cả suất học bổng cho một học sinh nghèo. Ở Việt Nam mình còn hàng triệu học sinh nghèo. Tôi thấy, bây giờ cái sự tử tế giữa con người với nhau cần lắm. Thầy giáo, bác sĩ, nhà thơ, nhà báo... tử tế với nhau đã đành, những cán bộ, quan chức càng cần có sự tử tế hơn cả để người dân nghèo được hàm ơn”.

Hải Hậu