Nối dài những nẻo đường quê

Thứ hai, 01/11/2021 16:51

Về huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) hôm nay, đi trên những con đường bê-tông phẳng lỳ và nghe những câu chuyện về phong trào làm giao thông nông thôn mới (NTM), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi phần lớn đất để mở rộng các trục đường từ liên xã, ngõ xóm đến đường ra ruộng đều do chính người dân địa phương tự nguyện hiến đất. Từ một góc bờ ao, đất thổ cư đến tường rào, cây cối, thậm chí là một góc công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi... bà con đều sẵn sàng tháo dỡ để nối dài những nẻo đường quê.

Giao thông nông thôn hoàn thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền núi Hòa Phú.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, Hòa Vang đã thành công trong việc tập trung nguồn lực, tạo sự đồng thuận toàn xã hội, tuân thủ và thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.

Qua đó, vai trò của nhân dân được phát huy, chính quyền các cấp đã vận động người dân tự nguyện hiến hơn 227.500m2 đất, 86.762 ngày công để đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với tổng chiều dài gần 910km; trong đó có 185km đường liên xã (đạt tỷ lệ 100%); 148km đường trục thôn, xóm (đạt tỷ lệ 100%), 478km đường kiệt hẻm (đạt tỷ lệ 100%), hơn 90km giao thông nội đồng được đầu tư thảm nhựa, bê-tông hóa với giá trị nhân dân đóng góp hơn 400 tỷ đồng (chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư)...

Lão nông Trà Văn Sinh (thôn La Châu, xã Hòa Khương) trải lòng, quê ông không mấy rộng, lại nằm ở đầu nguồn sông Yên nên mỗi mùa mưa lũ, nước đổ về dâng trắng xóa, người dân không phân biệt được đâu là đường, bờ ruộng để đi cho an toàn…

“Khi xã họp dân bàn chuyện mở rộng trục đường chính của thôn dài 2,6km, rộng 7m, bê-tông kiên cố 5,5m, nhà nhà vui mừng như hội. Để có đủ mặt bằng theo dự kiến, người dân quê ông tự nguyện hiến gần 3.200m2 đất thổ cư, hơn 7.000m2 đất nông nghiệp để hoàn thiện con đường, khép kín các tuyến giao thông liên thôn trên địa bàn xã, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc sinh hoạt, sản xuất. Không ai nghĩ những con đường đất nhỏ hẹp ngày nào giờ đã được thảm nhựa, bê-tông hóa rộng thênh thang, ô-tô có thể vào tận xóm”, ông Sinh phấn khởi cho biết.

Còn cánh đồng Cẩm Nê (xã Hòa Tiến) rộng hơn 90ha lại nằm ở cuối dòng sông Yên, ngoại trừ diện tích trồng lúa, người nông dân không dám đầu tư trồng các loại cây nào khác. Vì mùa mưa, đường lầy lội, việc đi lại, sinh hoạt khó khăn nên người dân cũng “lơ là” chuyện đồng áng. Năm 2015, khi huyện triển khai dự án trồng rau sạch với quy mô 13ha, cùng với đó là tuyến giao thông nội đồng dài 2,5km được đầu tư xây dựng theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ vật liệu, nhân dân tổ chức thi công”.

Để mở đường ra ruộng, ngoài việc hiến đất, người dân trong thôn còn góp công, góp sức nâng cấp, gia cố mặt bằng. Đường hoàn thành đã giúp người dân nhàn hạ hơn bởi đến mùa thu hoạch, sản phẩm được bảo quản tại chỗ chờ xe tải chạy thẳng vào các vườn rau xanh vận chuyển, tiêu thụ.

Nông dân xã Hòa Tiến đóng góp công sức mở đường giao thông nội đồng, vận chuyển nông sản.

Tại xã miền núi Hòa Phú, mặc dù xuất phát điểm thấp hơn so với các xã ở khu vực đồng bằng và trung du, nhưng địa phương đã có những bứt phá hết sức ấn tượng, như đầu tư hoàn thiện kiên cố 25km đường liên thôn, liên xã; mở rộng 30km đường kiệt hẻm và lắp đặt hệ thống chiếu sáng… Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Tân xác nhận, trước đây, đời sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Nhờ chương trình xây dựng NTM, giao thông được kết nối, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, thu nhập bình quân đầu người từ 12,24 triệu đồng/năm 2010 tăng lên 55,2 triệu đồng/năm 2020, địa phương không còn hộ nghèo theo tiêu chí NTM…

Có thể nói, những con đường được hình thành từ sức dân trong quá trình xây dựng NTM ở huyện Hòa Vang đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con nông dân đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, chính quyền các cấp còn tiếp tục phát huy nội lực, huy động sự chung tay đóng góp của người dân để tập trung đẩy mạnh xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu theo tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”; qua đó, để người dân không chỉ nhận thức rõ hơn về ý thức, trách nhiệm của bản thân trong giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan môi trường sống mà còn góp phần tích cực xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh tại địa phương.

VY HẬU