Nỗi đau con trẻ (Kỳ cuối: Nỗi đau của những đứa trẻ phía sau bản án)
Từ giọt nước mắt con trẻ...
Những năm qua, ngành Tòa án liên tục báo động về tình trạng án ly hôn tăng cao. Có thời điểm, tỷ lệ án ly hôn ở một số tòa án cấp quận, huyện tại TP Đà Nẵng chiếm tới 50 - 60% án dân sự. Khi quyết định ký vào tờ đơn ly hôn, các bậc phụ huynh chỉ dừng ở mức tìm ra giải pháp cho cuộc hôn nhân của mình mà quên đi yếu tố con cái. Đằng sau sự đổ vỡ có thể khiến con trẻ bị tổn thương tâm lý dẫn đến những biểu hiện: sa sút trong học tập, thay đổi tính cách, dẫn đến tiêu cực: lầm lì, hay cáu gắt, suy nghĩ lệch lạc về tình cảm gia đình (oán trách, hận thù, căm ghét...) và đặc biệt dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội.
Một phiên tòa xét xử bị cáo vướng vào lý cũng bởi cha mẹ ly hôn. |
Theo một cán bộ ngành Tòa án TP Đà Nẵng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn tăng cao: do mâu thuẫn gia đình, kinh tế khó khăn, ngoại tình, bạo hành vợ con và các loại tệ nạn xã hội... Bên cạnh đó, sự thiếu gắn bó giữa các cặp vợ chồng; thiếu kỹ năng tổ chức cuộc sống cũng như ứng xử giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa hai bên nội ngoại... cũng là lý do đẩy các cuộc hôn nhân đến bờ vực thẳm. Có cơ hội được tham gia các phiên tòa xét xử ly hôn, chúng tôi chứng kiến không ít con trẻ đau buồn, khóc nấc khi chứng kiến cảnh cha mẹ đưa nhau ra tòa, từ "cuộc chiến" giành tài sản đến giành quyền nuôi con, tất cả đều để lại trong các cháu một vết sẹo khó phai. "Con thương mẹ và con cũng thương ba, con không muốn cả nhà con xa nhau... Ba mẹ con chừ không ở chung với nhau nữa, con và em con không biết ở với ai. Mấy cô chú nói ba mẹ con đừng bỏ mấy tụi con...", vừa khóc vừa nói trong tiếng nấc nghẹn, bé gái chỉ hơn 10 tuổi trả lời HĐXX khi được hỏi nguyện vọng sống với ai khi ba mẹ cháu ly hôn khiến chúng tôi xót xa.
Thời gian qua, rất nhiều các trường hợp cha mẹ ly hôn, con trẻ về ở với cha dượng, mẹ kế, bị bạo hành dã man khiến dư luận bức xúc, không ít trường hợp các cháu bị chính cha mẹ ruột đánh đập vì "giận cá chém thớt"... Đến nay, người dân TP Đà Nẵng vẫn chưa hết bàng hoàng bởi nghi án cha giết con gái rồi vứt xác xuống cầu Thuận Phước. Lối hành xử vô nhân tính của người cha khiến xã hội không khỏi xót xa cho đứa bé xấu số kia. Cũng chỉ vì cha mẹ đổ vỡ, đưa nhau ra tòa ly hôn, đứa bé sống với cha mà xảy ra sự tình. Những vụ án đau lòng như thế là hồi chuông cảnh báo về sự tha hóa đạo đức con người, đặc biệt là tình cảm gia đình đang bị xói mòn. Không ai có thể nói trước được điều gì, và cũng không ai có thể lường trước được hậu quả mà những đứa trẻ có thể phải gánh chịu đằng sau sự tan vỡ gia đình...
Xót xa hình ảnh con trẻ tại phiên tòa xét xử cha mẹ các cháu vi phạm pháp luật. |
...đến vướng vòng lao lý
Cha mẹ ly hôn, gia đình đổ vỡ, dẫn đến trẻ khủng hoảng tâm lý, không có sự nâng đỡ thì chúng càng dễ bị cám dỗ bởi những thói hư tật xấu, đặc biệt ở độ tuổi thiếu niên. Rạn vỡ hạnh phúc gia đình bỗng trở thành "bước đà" để trẻ đi vào thế giới của game online, bạo lực, sử dụng chất kích thích và rồi vướng vòng lao lý. Ngoài ra, những người làm cha làm mẹ đã và đang ngồi tù vì những hành vi vi phạm pháp luật cũng là nguyên nhân đẩy đưa con trẻ rơi vào hoàn cảnh bi ai. Chúng tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều thanh thiếu niên vi phạm pháp luật thì phần lớn khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình đều cho biết, do ba mẹ ly dị, không quan tâm... nên chán đời, tụ tập ăn chơi. Rất nhiều trường hợp quậy phá để "trả thù" cha mẹ. Cha mẹ xa nhau khi em N.V.D (2000, trú Hòa Vang, TP Đà Nẵng) còn khá nhỏ, cha rời quê hương sang Lào làm ăn rồi có vợ khác, D. ở quê nhà với ông bà nội. Thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ của mẹ cha, D. nghỉ học rồi lao vào con đường nghiện ngập ma túy. Mới đây, TAND Q.Hải Châu đưa ra xét xử vụ án "Tàng trữ trái phép chất ma túy" và tuyên phạt D. 12 tháng tù. Khi được hỏi lý do vì sao không lo học hành mà ăn chơi, nghiện ngập, D. nghẹn ngào chia sẻ: "Vì buồn chán hoàn cảnh gia đình, cộng thêm giận cha có vợ con, gia đình mới mà bỏ em lại cho ông bà nội già yếu nên em đi theo bạn bè, chơi bời. Bị rủ rê, lôi kéo sử dụng thử rồi em cũng không biết mình nghiện ma túy từ lúc nào...". Hay như vụ án khá đình đám của "kiều nữ" Trần Thị Bảo Chân (1995, trú P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị bắt về tội "Mua bán trái phép chất ma túy". Trong quá trình điều tra, Bảo Chân kể, ba làm nghề thợ may, mẹ làm nghề uốn tóc. Hai người ly hôn khoảng 10 năm trước, lúc đó em còn bé lắm nên chẳng biết gì. Sau đó Chân theo mẹ về ở với ông bà ngoại ở P.Hòa Minh. Mặc dù mẹ cố gắng làm lụng để nuôi nấng em, nhưng học chưa hết lớp 9, vì theo bạn bè ham chơi nên không còn tha thiết gì chuyện học hành. Vài năm rong ruổi đó đây, ngày ở nhà, đêm đi chơi nên Chân yêu khá sớm và nhanh chóng sa chân vào con đường vi phạm pháp luật và cái giá phải trả là những tháng ngày của tuổi thanh xuân tươi đẹp phải gắn liền với chốn tù tội... Đó chỉ là một trong rất nhiều hoàn cảnh thanh thiếu niên vướng vòng lao lý vì 2 chữ "đứt gánh" của mẹ cha.
Đối với các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ ly hôn, cha mẹ đang chấp hành án phạt tù, hoặc cha mẹ qua đời sớm..., những người chưa thành niên rơi vào hoàn cảnh này thường thiếu thốn tình cảm và các điều kiện được chăm sóc nuôi dưỡng, dẫn tới dễ bị tổn thương về tâm lý, mất phương hướng hành động và bị lôi kéo vào những hành vi tiêu cực, phạm tội. Bởi vậy, hơn ai hết các em cần được sự quan tâm của các cấp các ngành, nhất là nêu cao vai trò trách nhiệm của người giám hộ trong việc quản lý giáo dục các em, đảm bảo những điều kiện cần thiết để các em được chăm sóc nuôi dưỡng, phát triển bình đẳng với các bạn cùng trang lứa.
THANH HOA