“Nói không” với học sinh trái tuyến

Thứ năm, 14/08/2014 08:33

(Cadn.com.vn) - Còn mấy hôm nữa, năm học mới 2014-2015 bắt đầu. Trong bộn bề công việc chuẩn bị cho ngày tựu trường, chuyện tuyển sinh đầu cấp ở TP Đà Nẵng vẫn là đề tài nóng bỏng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong khi công tác tuyển sinh vào lớp 10 không có gì đáng nói nhiều bởi học sinh (HS) tự chọn trường để thi thì đầu vào lớp 1, lớp 6 vừa rồi rất nhộn nhạo chuyện “chạy trường”.

Phải nói ngay rằng, chuyện “chạy trường” đối với học sinh lớp 1, lớp 6 không có gì mới. Cái mới ở chỗ “cuộc đua” năm nay nhiều “thí sinh” đã bị chặn lại bởi “phạm quy”. Riêng đối với Q. Hải Châu, lãnh đạo quận quyết liệt triển khai thực hiện nghiêm túc Thông báo số 53/TB-HĐND ngày 4-6-2014 của Thường trực HĐND TP về công tác tuyển sinh đối với các Trường TH Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh và Trường THCS Trưng Vương, theo đó, đã loại khỏi danh sách hàng trăm trường hợp gửi hộ khẩu để “chạy” vào các trường này.

Với uy tín được gầy dựng qua nhiều năm, các trường nói trên “hữu xạ tự nhiên hương” là đương nhiên rồi. Thế nhưng, nếu phụ huynh (PH) nào cũng đua nhau “chạy”  thì chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy không chỉ với các trường này mà còn ảnh hưởng xấu đến bức tranh giáo dục nói chung trên nhiều địa bàn khác, nảy sinh một số bất công trong đời sống xã hội, kể cả đối với đội ngũ giáo viên và HS. Do vậy, việc kiểm tra chấn chỉnh “chạy trường” là rất cần thiết nhằm giải quyết tình trạng nơi thừa nơi thiếu học sinh và cũng để thực hiện chủ trương của TP Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện cho học sinh tiểu học có cơ hội học 2 buổi/ngày. Việc ngăn chặn tình trạng “chạy trường” từng được bàn luận gay gắt nhiều năm, nhưng đến trước năm học này mới được thực hiện quyết liệt và bước đầu đã phát huy được hiệu quả.

Ai cũng biết, để dẫn đến tình trạng này, nguyên nhân chủ yếu là do các bậc PH. Ngoài việc muốn chọn trường tốt, nhiều PH còn mong con em mình được học gần nơi công tác để tiện việc đưa đón...  Điều trước tiên phải nhìn nhận: việc mong muốn con em được  học tập ở môi trường giáo dục tốt là mong mỏi chính đáng, hoàn toàn có thể được chia sẻ và cảm thông. Tuy nhiên, sự cảm thông này không đồng nghĩa với việc chấp nhận thực trạng mất cân đối nghiêm trọng về số lượng HS trên địa bàn thành phố. Để giải quyết rốt ráo các vướng mắc, TP Đà Nẵng vừa ra văn bản giao cho UBND các quận huyện chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận HS không thuộc diện vào 4 trường thuộc Q. Hải Châu vào học tại các trường thuộc quận huyện nơi cha mẹ thường trú hoặc nơi ở thực tế của HS.

Ở thời điểm hiện nay, công tác tuyển sinh đầu cấp TP Đà Nẵng đã hoàn tất, các em HS về cơ bản đã yên vị tại các trường chuẩn bị cho năm học mới, bước đầu cho thấy ngành Giáo dục đã quyết liệt “nói không với trái tuyến” có hiệu quả hơn mọi năm. Hy vọng các bậc PH sẽ đồng tình với chủ trương này để từ đó quan tâm chăm sóc, động viên con em nâng cao hơn nữa ý thức học tập bởi chất lượng dạy và học ở các trường hiện không chênh lệch nhau nhiều. Đấy là chưa kể có một thực tế hiện nay, đa số các thí sinh đỗ đầu vào các Trường ĐH là HS nghèo ở miền quê heo hút. Điều đó cho thấy ý thức tự học và sự tâm huyết của giáo viên mới là điều kiện tiên quyết để HS thành công trên con đường học vấn, chứ không phải lệ thuộc nhiều vào nơi học cấp TH hoặc THCS.

Cùng với việc “nói không với trái tuyến”, các cấp chính quyền và ngành Giáo dục cần có biện pháp hợp lý trong viêc luân chuyển giáo viên, đầu tư tu sửa trường lớp... nhằm tạo ra sự đồng đều về chất lượng dạy và học, cũng như cơ sở vật chất các trường, tạo tâm lý thoải mái cho PH yên tâm để con em được học hành tại nơi cư trú. Đó là những biện pháp cần thiết nhằm hỗ trợ cho chủ trương “nói không với trái tuyến” đạt được sự đồng thuận và được thực hiện một cách bền vững cho những năm học sau này.

Nguyễn Đức Nam