Nỗi kinh hoàng mang tên... "ngáo đá" (2)

Thứ ba, 25/10/2016 11:17

* Kỳ cuối: Hiểm họa khôn lường

(Cadn.com.vn) - Chưa có con số thống kê cụ thể về những bi kịch do đối tượng “ngáo đá” gây ra, nhưng chỉ cần nhìn vào những sự vụ đã xảy ra vừa qua cũng cho thấy sức tàn phá kinh khủng của loại ma túy được cho là cực độc này. Đáng nói hơn, đối tượng “ngáo đá” đang đe dọa trực tiếp đến TTATXH, đến tính mạng của những người xung quanh. Trong khi đó, một bộ phận giới trẻ lại có nhận thức lệch lạc, cho rằng ma túy đá không gây nghiện!

HIỂM HỌA MA TÚY ĐÁ

Có một điều dễ nhận thấy, vì lợi nhuận cao nên các đường dây chuyên bán ma túy đá xuất hiện ngày càng nhiều. Do tác động của tình hình tội phạm ma túy trên thế giới, trong khu vực và ảnh hưởng trực tiếp từ các địa bàn trọng điểm ma túy trong nước, nên tình hình tội phạm ma túy tại Đà Nẵng trong năm 2015 có những diễn biến phức tạp. Nguồn ma túy thẩm lậu là do các đối tượng tại thành phố móc nối với số đối tượng từ các địa phương phía Bắc đưa ma túy về Đà Nẵng tiêu thụ.

Khi bị CSMT CATP bắt quả tang, một đối tượng mua bán trái phép chất ma túy
đang trong tình trạng “say đá”.

Số liệu từ Phòng CSMT CATP Đà Nẵng cho thấy, tình hình tội phạm mua bán các loại MTTH vẫn là chủ yếu (chiếm 95% tổng số vụ bắt giữ). Đối tượng phạm tội về ma túy có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi như: Mở Cty, hàng quán làm bình phong che giấu hoạt động phạm tội, lợi dụng dịch vụ ngân hàng, dịch vụ vận tải để giao nhận tiền và ma túy, lợi dụng dịch vụ cho thuê lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, nhà cho thuê trọ để núp bóng hoạt động. Đáng chú ý là nhiều trường hợp sử dụng nhiều loại công cụ, hung khí nguy hiểm như: Súng bắn đạn su, súng tự chế, kiếm, mã tấu, dao bấm, bình xịt hơi cay… Bên cạnh đó, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng, trong đó, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp là phổ biến, đáng chú ý thời gian gần đây nổi lên tình trạng thanh thiếu niên sử dụng cỏ Mỹ chứa chất ma túy mới với tên gọi XLR11 có tính độc hại cao, nguồn gốc từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc), nguy cơ làm lây lan, gia tăng người nghiện.

Đến cuối năm 2015, toàn TP có 2.243 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý. 9 tháng của năm 2016, lực lượng CSMT CATP Đà Nẵng phát hiện, bắt quả tang 113 vụ/148 đối tượng có hành vi tàng trữ, mua bán trái phép ma túy, thu giữ gần 572g heroin, hơn 3,44kg MTTH các loại, hơn 87g cần sa; phát hiện xử lý 1.795 trường hợp người nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy, tập trung cai nghiện 425 trường hợp. Những số liệu trên cho thấy, MTTH (chủ yếu ma túy đá) đang “chiếm ưu thế”, và đây là điều rất đáng lo ngại.

NHỮNG CÁI CHẾT ĐƯỢC BÁO TRƯỚC

Tâm lý chung của những người vô cớ trở thành nạn nhân của các đối tượng “ngáo đá” là hoang mang, lo lắng và không biết khi nào thì mình trở thành nạn nhân? Rõ ràng họ đang sống yên lành, chỉ trong phút chốc có thể bị đe dọa đến tính mạng, tài sản, cuộc sống bị xáo trộn khi các đối tượng “ngáo đá” lại “vô tình” chọn mình. Những vụ án liên quan đến ma túy đá xuất hiện ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, đối tượng bị ảo giác hành động không ghê tay và thường để lại hậu quả hết sức đau lòng cho bản thân và những người xung quanh.

Người sử dụng các chất ma túy tổng hợp, gây ảo giác khiến không kiểm soát được hành vi bản thân, hoang tưởng, tâm thần, bạo lực dẫn đến các hành động gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật, tự cầm dao hành xác, lao đầu vào ô-tô, chui xuống ống cống, bay từ trên nhà cao tầng xuống (vì ngỡ mình là siêu nhân), đoạt mạng người khác vì cứ ngỡ họ đang truy đuổi, trả thù mình... Từ những vụ án mà các đối tượng nghiện ma túy đá gây ra cho thấy sự tiềm ẩn những mối nguy hiểm cho xã hội của loại hành vi này.

Những năm gần đây, người nghiện ma túy, đặc biệt là giới trẻ đang có xu hướng chuyển dần sang sử dụng các loại ma túy tổng hợp, ma túy đá, thay thế cho những loại ma túy truyền thống như heroin, cần sa... Lo ngại nhất là nhận thức lệch lạc của một bộ phận giới trẻ cho rằng MTTH, nhất là ma túy đá không gây nghiện. Vì vậy rất dễ bị các đối tượng tội phạm lợi dụng để lôi kéo, khuyến khích sử dụng, dùng thử...

Nghi phạm Lê Tấn Tài trong vụ bảo vệ bãi tắm Mân Thái bị sát hại dã man ngày 14-10 vừa qua.

Một bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết: Ma túy đá được xếp vào loại ma túy gây kích thích hệ thần kinh trung ương, dù không gây vật vã như heroin nhưng lại tàn phá sức khỏe con người nhanh chóng. Khi sử dụng, ma túy đá sẽ tác động vào thần kinh trung ương làm não tiết ra rất nhiều dopamine, một chất gây cảm giác hưng phấn, tự tin, hạnh phúc và yêu đời. Càng về sau, nó sẽ khiến con nghiện phải dùng thuốc với liều lượng ngày một tăng bởi nếu không sẽ rơi vào trạng thái bị trầm cảm, buồn bã và sợ hãi.

Nặng hơn là việc phải đối mặt với chứng hoang tưởng ảo giác, lo sợ, bị kích động, môi khô, mắt đỏ, đi loạng choạng, nói một mình, nghĩ là có sâu bò dưới da, dẫn đến cào cấu mặt mũi tay chân cho đến khi rách hẳn, hay sợ bị đuổi đánh, có người theo dõi... Trạng thái này thường được gọi là “ngáo đá”. Nó cũng có thể biến một người hiền lành, nhút nhát trở nên cực kỳ hung hãn vì không thể kiểm soát được bản thân, sẵn sàng phạm những tội mất nhân tính. Hơn nữa, người dùng ma túy đá trong một thời gian dài có nguy cơ đột qụy cao do hiện tượng thiếu máu não, tăng nhịp cơ tim.

Cũng theo vị bác sĩ này, việc điều trị rối loạn tâm thần cho những đối tượng nghiện ma túy đá đang là vấn đề nan giải, vì đến nay vẫn chưa có phác đồ điều trị hoàn toàn cho những người nghiện loại ma túy gây hậu quả kinh khủng này. Vùi mình vào thứ ảo giác sinh ra từ “đá”, nhiều người không ngờ rằng chính mình đang trở thành mầm mống cho các loại tội phạm nguy hiểm trong xã hội, thậm chí là nguyên nhân dẫn đến những vụ án mạng khủng khiếp.

Một câu hỏi đặt ra lâu nay là làm thế nào để hạn chế những hiểm họa khôn lường mà ma túy đem lại? Câu trả lời xem chừng rất dễ, nhưng để thực hiện có hiệu quả lại vô cùng khó khăn, thách thức nếu thiếu sự đồng bộ, cùng chung tay. Đó là, bên cạnh việc tăng cường mở các đợt tấn công, trấn áp các loại tội phạm, trong đó có tội phạm tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy của lực lượng chức năng; thì việc tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là giới trẻ về những tác hại, hậu quả mà ma túy, đặc biệt là ma túy đá gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội là điều hết sức quan trọng. Trách nhiệm này không phải của một cơ quan, đơn vị nào mà đó là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó vai trò của gia đình và tự thân mỗi người khi đối diện với sự “quyến rũ chết người” mang tên ma túy là quan trọng nhất.

P.V