Nỗi lo an toàn thực phẩm từ những sạp thịt vỉa hè

Thứ ba, 12/09/2017 10:12

Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh tự phát của các sạp thịt vỉa hè dần lan rộng khắp nơi từ nông thôn đến thành thị, từ vỉa hè đến các tuyến đường lớn thậm chí còn len lỏi cả vào tận các ngõ xóm, nơi có đông dân cư. Vấn đề đặt ra ở đây việc kiểm soát về chất lượng và vấn đề an toàn thực phẩm thì vẫn là câu hỏi còn bỏ lửng...

Sạp thịt heo tự phát nằm ngay khu dân cư, ngay cạnh quán ăn.

Có thể thấy, hiện nay không khó cho người nội trợ vì ra khỏi cửa là có ngay hàng thịt. Thịt heo, thịt bò được bày bán ngay trên vỉa hè, chỗ đàng hoàng thì có sạp, chỗ tạm bợ thì trải một tấm bạt ngay trên lề đường. Điều đáng nói, những sạp hàng này thu hút khá đông người mua. “Tôi thường đi làm trưa mới về nên sáng tranh thủ ra đầu ngõ mua thịt heo quê. Heo quê thường ngon với lại người ta lấy tận gốc nên giá dễ chịu... Bữa nay, giá thịt heo đã nhíc lên chứ tháng trước giá rẻ hơn nhiều vì vậy họ thường bán theo kiểu 100 ngàn đồng 2-3kg thậm chí 4 kg tùy loại”, chị Minh ở đường Nguyễn Phước Nguyên (Thanh Khê, Đà Nẵng) cho hay. Nghịch lý ở đây, trong khi người mua vui mừng vì giá thịt  heo “dễ thở” thì người bán lại ngán ngẩm, khóc ròng vì sự “bành trướng” của các sạp thịt tự phát chẳng khác nào như nấm sau mưa.

Thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thịt không phải tăng đột biến so với trước đây, nhưng vì phong trào “thịt heo xuống đường” quá rầm rộ đã gây khó khăn không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương chợ truyền thống. Chị Ly, chủ một sạp thịt tại chợ truyền thống trên quận địa bàn Q.Thanh Khê than vãn: “Trước đây bán được lắm nhưng gần đây vì tình trạng các sạp thịt tự phát mở bán tràn lan nên ế ẩm. Tâm lý người mua thường thích thuận tiện, nhanh gọn, lười vào chợ phải gửi xe nên tiện đường tấp vào mua rồi đi liền nên những sạp hàng trong chợ như chúng tôi thường kéo dài đến chiều muộn vẫn chưa hết hàng. Không chỉ vậy, việc kinh doanh của các sạp thịt tự phát so với chúng tôi là sự cạnh tranh không lành mạnh vì chúng tôi phải trả rất nhiều loại thuế, phí trong khi họ không phải tốn khoản gì. Và, đó cũng là một trong những bất lợi, gây khó khăn cho chúng tôi trong quá trình buôn bán kinh doanh”.

Chị Hương, một chủ hàng thịt tự phát bên lề  phân bua: “Không phải nghề nên chân tay lóng ngóng, nhiều lúc chặt hai ba lượt mới được nên bà con thông cảm. Thất nghiệp ngồi không nên người ta rủ bán thịt thì tôi cũng theo bán kiếm thêm ít đồng mua rau, tích cóp cho con vào năm học mới. Vất vả lắm, 4 -5 giờ sáng phải dậy chạy xe máy vào trong quê lấy thịt về bán cho kịp. Vì bán ngay đầu hẻm nên khách hàng chủ yếu là bà con trong xóm ủng hộ nên bán cũng được hàng”. Sau lời quảng cáo thịt tươi, ngon, rẻ của chị Hương, chúng tôi thắc mắc sao không có dấu kiểm dịch, chị Hương xua tay: “Khỏi lo, tôi đảm bảo thịt heo quê sạch 100%. Cứ vô tận nơi người ta mổ ra còn nóng hổi lấy ra bán hết liền, ở đây ai cũng như ai, không tin thì cứ thử xem chẳng ai có dấu má gì mà người mua rần rần”.

Khác với mọi người, để ổn định hơn trong việc buôn bán kinh doanh, hơn 3 năm nay chị Oanh từ Quảng Nam ra Đà Nẵng thuê hẳn một quán nhỏ ngay đường kiệt của khu dân cư mở sạp bán thịt. Theo chị Oanh, gia đình chị ở quê mổ heo, bò nên chị mang hàng ra đây bán. Thịt luôn tươi ngon, lại từ gốc nên giá cả bao giờ cũng “mềm” hơn so với ngoài chợ, vì vậy sạp thịt của chị luôn là điểm đến của nhiều người. Vậy nhưng, trước thực trạng sạp hàng thịt tự phát mở ra ồ ạt cũng khiến cho chị Oanh không khỏi băn khoăn. Thường sạp hàng của chị chỉ đến tầm 9-10 giờ là hết hàng nhưng nay có khi đến hơn 1 giờ chiều mới hết. Theo chị Oanh sở dĩ tình trạng “nhà nhà bán thịt, người người bán thịt” vì hiện tại ở quê, lượng heo đến kỳ xuất chuồng rất lớn, trong đó có nhiều heo quá khổ nên thương lái không mua vì vậy nhà nhà mổ heo đi bán... và người ở phố về quê mua đi bán lại đã tạo nên “cơn sốt” thịt heo xuống đường. Trao đổi với P.V về thực trạng trên, bà Trần Thị Tài- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay tình trạng người dân tự mở các sạp thịt bán tại vỉa hè, khu dân phố tràn lan là không đúng với quy định. Thẩm quyền để giải quyết, kiểm tra, xử phạt thuộc về chính quyền địa phương tuy nhiên địa phương gặp nhiều khó khăn. Phần lớn do ý thức của người dân về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) chưa cao dẫn đến tình trạng... “có cầu ắt có cung” cho nên người bán được sức đua nhau mở sạp. Để giảm thiểu tình trạng này, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ mua bán thịt heo đúng nơi quy định...

Nhìn một cách khách quan, việc người dân mở sạp bán thịt là việc làm tốt vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình cũng là giúp những người nuôi heo, đặc biệt là các vùng quê trong việc “giải cứu” trước việc thương lái “chê” heo. Tuy nhiên, việc mở bán ồ ạt khắp các ngõ đường, con hẻm đang gây nên thực trạng đáng lo ngại như không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Vì thực tế, những sạp hàng thịt này được đặt ngay khu ở của dân cư đông đúc, thậm chí ngay sát cạnh các quán ăn... gây mất VSATTP và là mầm mống phát sinh dịch bệnh. Không chỉ vậy, vì phần lớn là heo được mua của người dân tự mổ mà không qua lò mổ tập trung, không được kiểm dịch theo quy định nên rất dễ lây lan dịch bệnh khi heo nhiễm bệnh. Để tránh trường hợp xấu khi có dịch bệnh xảy ra, thiết nghĩ các cơ quan ban ngành liên quan cần quản lý, chấn chỉnh đối với những hộ mở sạp bán thịt tự phát trên các đường phố, ngõ, hẻm, khu dân cư.  Đồng thời khuyến cáo người dân hãy luôn là người tiêu dùng thông thái, chỉ sử dụng thịt heo khi có dấu kiểm dịch để đảm bảo VSATTP.

TRANG TRẦN