Nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Nỗi lo từ bếp ăn trường học
Bếp ăn của Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Quảng Nam tổ chức ăn nội trú 3 bữa: sáng, trưa, tối cho 467 học sinh (HS) nhà trường. Thời điểm kiểm tra, bếp ăn có 11 nhân viên phục vụ. Các nhân viên được khám sức khỏe và được tập huấn kiến thức về ATTP. Mặt bằng cơ sở phục vụ bữa ăn rộng, thoáng, đảm bảo vệ sinh. Thực phẩm chế biến được lưu mẫu đúng quy định. Bà Phan Thị Ngọc Hạnh - Phụ trách bếp ăn Trường PTDTNT tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến không ít trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nên luôn lo về khâu ATTP, chủ quan là rất nguy hiểm đến sức khỏe HS, vì số lượng các em nội trú rất đông. Hàng ngày, nhà trường phân công cán bộ kiểm tra công tác ATTP, vệ sinh dụng cụ chế biến, bếp và phòng ăn… Thực phẩm chế biến được lựa chọn từ các cơ sở cung cấp có uy tín, nhãn mác và hạn sử dụng rõ ràng. Bên cạnh việc cập nhật, bổ sung kiến thức về ATTP, chúng tôi học tập kinh nghiệm của một số cơ sở khác để chế biến các suất ăn nội trú đảm bảo chất lượng và vệ sinh ATTP”.
Tuy nhiên, bếp ăn tập thể của Trường PTDTNT tỉnh Quảng Nam vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Cụ thể, khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm của bếp ăn chưa bố trí dụng cụ phòng chống côn trùng và động vật gây hại; sổ ghi chép chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn ghi chưa đầy đủ nội dung; chưa thực hiện xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm…
Qua kiểm tra tại bếp ăn của một số trường học trên địa bàn tỉnh, Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Nam cho biết, hầu hết các trường không có kết quả kiểm định mẫu nước cuối nguồn sử dụng trong chế biến thực phẩm. Trước dịch COVID-19 thì các trường đã được Phòng GD-ĐT và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tập huấn về ATTP cho các nhân viên bếp ăn, nhưng sau dịch đến nay vẫn chưa cập nhật lại. Tại các buổi làm việc, Chi cục đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch để các trường nội trú, bán trú có bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện phải tập huấn lại cho những người tham gia chế biến thực phẩm tại các bếp ăn để đảm bảo về ATTP, mục tiêu cuối cùng là không để xảy ra ngộ độc thực phẩm cũng như các bệnh lây truyền qua thực phẩm…
Tăng cường kiểm tra trước, trong, sau Tết Nguyên đán
Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống đều có vi phạm về ATTP tại thời điểm kiểm tra. Những vi phạm chủ yếu như: điều kiện vệ sinh cơ sở; điều kiện về con người; sản phẩm thiếu tiêu chuẩn, không có công bố hợp quy, đăng ký bản công bố sản phẩm; hàng hết hạn sử dụng, thiếu ghi nhãn hàng hóa; một số sản phẩm đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn được cơ sở trưng bày tại cửa hàng, chưa có hình thức tiêu hủy v.v… “Đây là những vi phạm mà hầu hết các cơ sở đều mắc phải khi Đoàn Kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh trực tiếp kiểm tra. Cùng với việc phát hiện, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đợt kiểm tra này cũng nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống thực hiện đúng cam kết về ATTP, nhằm đảm bảo sức khỏe người dân” - một thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh cho biết.
Khó khăn, hạn chế hiện nay là các cơ sở nhỏ lẻ khó quản lý; hàng hóa trôi nổi không rõ nguồn gốc phổ biến; thức ăn đường phố thực hiện chưa tốt các quy định về đảm bảo ATTP; kẹo bánh, quà vặt trước cổng trường vẫn chưa quản lý được nên có nhiều mối nguy cho sức khỏe các em HS. Đáng lo là dịch vụ nấu ăn lưu động (thuộc loại hình thức ăn đường phố do cấp xã quản lý) có khi lên đến 1.000 suất ăn/lần phục vụ nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm hàng loạt xảy ra rất cao nên khó khăn trong công tác quản lý của cấp cơ sở.
Quảng Nam tổ chức các đoàn kiểm tra ATTP từ giữa tháng 12-2022 đến hết ngày 12-3-2023. Đợt kiểm tra nhằm giám sát, đánh giá lại thực trạng bếp ăn nhà trường; tuyên truyền nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức về ATTP cho cán bộ, giáo viên và nhân viên các bếp ăn; xử lý các vi phạm nếu có để phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho HS. Đồng thời tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2023 như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm... để người dân yên tâm vui xuân, đón Tết.
Thạch Hà