Nơi Trường Sơn vẫy gọi
(Cadn.com.vn) - Theo tiếng gọi sẻ chia với đồng bào Vân Kiều nơi vùng biên giới, chúng tôi đã đến những bản làng của xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) để được tận mắt thấy cuộc sống còn vô cùng vất vả, thiếu thốn của họ; để được nghe họ nói về mình…
Vượt thác Tam Lu lên bản làng biên giới xã Trường Sơn. Ảnh: D.V |
Vượt thác Tam Lu
Các bản làng thuộc xã biên giới Trường Sơn chủ yếu đồng bào Vân Kiều sinh sống. Những nơi chúng tôi đến, theo lời giới thiệu của vài người bạn làm báo ở Quảng Bình cũng như cán bộ Mặt trận Tổ quốc tỉnh, có cuộc sống vô cùng thiếu thốn. Và, các bản Hôi Rấy, Nước Đắng, Dốc Mây là nơi tôi và cậu em đồng nghiệp quyết tâm đến. Chúng tôi đại diện cho anh em CLB bóng đá phóng viên Đà Nẵng (JFC Danang) xuất phát từ việc muốn sẻ chia với đồng bào, đã đến những bản làng này khảo sát cuộc sống người dân để có những đề xuất hỗ trợ, tạo sinh kế cho họ bớt khổ phần nào. Để đến được hai bản này, có thể theo đường bộ bằng xe máy hay ô-tô từ Đồng Hới lên theo Tỉnh lộ 11, rẽ qua nhánh tây đường Hồ Chí Minh đến trung tâm xã Trường Sơn tầm 70km, mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Đến đây, thuê thuyền vào bản mất khoảng 1 giờ, với giá thuê khá "chát". Còn đi thuyền từ dưới xuôi theo dòng sông Long Đại thì quá nửa ngày và giá cả cũng không rẻ chút nào. Nhưng với phương án nào thì cũng chỉ có một con đường duy nhất vào các bản là đi thuyền và phải vượt thác Tam Lu.
Từ bến đò Hồng Sơn, thuyền xuôi dòng Long Đại, vượt qua những bãi đá sắc nhọn như chông. Ngồi trên thuyền thật... cảm giác với những âm thanh tạo ra do va chạm giữa đáy thuyền và đá cuội. Dòng Long Đại nước xanh màu ngọc bích, đẹp nên thơ. Dòng sông xanh uốn lượn xuyên qua những cánh rừng với vô vàn ngọn núi đá vôi dựng đứng, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Bỗng chốc, người lái đò, Trần Nhật Hưng lên tiếng: "Mấy anh nhà báo chụp ảnh xong chưa? Đến thác Tam Lu rồi, mấy anh chịu khó xuống thuyền đi bộ theo bãi đá ven sông để tụi em vượt thác. Qua thác, mấy anh lên thuyền lại nhé! À, anh nào đủ độ lì thì vượt thác với chúng em nhé". Chúng tôi phân vân tại sao lại phải đi bộ qua đoạn thác, Hưng giải thích: "Tam Lu nguy hiểm lắm anh ạ. Chỉ những người dũng cảm mới dám ngồi thuyền vượt nó, cảm giác mạnh đấy". Phút chốc, dòng thác Tam Lu hiện ra trước mắt chúng tôi thật hùng vĩ mà cũng dữ dằn với "những con rồng nước khổng lồ" sẵn sàng thách thức bất cứ ai muốn chinh phục nó. Tam Lu theo cách giải thích của đồng bào nơi đây là 3 cái lu hứng nước của trời. Thác có độ cao khoảng 20 mét so với mặt nước tự nhiên, với 3 bậc thang trắng xóa, nước cuồn cuộn tung bờm. Len giữa 3 bậc thang ấy là đá cuội đủ các loại kích cỡ. Hưng bảo: "Nước ở đây chảy rất mạnh và xoáy. Đáng sợ nhất là bãi đá phía dưới sắc nhọn do nước mài mòn theo thời gian. Nếu đi không đúng lệch nước, thuyền sẽ bị đánh gục ngay lập tức và dòng xoáy cũng sẽ nuốt nguyên con thuyền, dìm xuống đáy rồi đánh nát...".
Một cảm giác ớn lạnh thoáng vụt qua, chúng tôi quyết định vượt thác Tam Lu cùng anh em Hưng trên chiếc thuyền nhôm gắn cule. Hưng ngồi đầu mũi thuyền cầm mái chèo gỗ hỗ trợ anh trai cầm lái phía sau. "Sẵn sàng chưa các anh ơi, chúng ta vượt thác nhé!", Hưng nói rồi bảo chúng tôi phải ngồi thấp, bám chặt thân gỗ giữa thuyền. Tiếng máy như xé tai sau cú tăng ga và con thuyền vượt qua bậc thác đầu tiên. Thuyền vượt lên con nước đang tung bờm, men theo mỏm đá lớn, dồi lên không trung, rồi đáp hạ an toàn. Thuyền chạy quay vòng nơi vùng nước lành, cũng để lái đò lấy sức rồi tiếp tục vượt hai bậc thác còn lại. "Không thua gì người lái đò sông Đà anh nhỉ? Cảm giác mạnh thật, nhưng thuyền vượt thác êm ru", cậu em đồng nghiệp thở phào, tếu táo. Tôi cũng cảm giác thế. Học "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân lâu lắm rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi được cảm nhận vượt thác ngoạn mục. Hưng kể: "Bây giờ thuyền nhôm, gắn máy 13 mã lực nên vượt thác an toàn hơn. Trước đây, người ta vượt thác bằng thuyền gỗ, chèo tay mới điệu nghệ. Có người vượt thác ban đêm, không có đèn mà vẫn thành công, vì họ đã quen với con nước. Dân ở đây vứt ra sông là biết bơi vào, nhưng lái thuyền vượt được thác Tam Lu không nhiều". Hưng là một trong những tay lái đò điêu luyện như thế. Năm nay 27 tuổi nhưng Hưng khoe đã có gần 12 năm trong nghề lái thuyền. Dù vậy, chúng tôi vẫn mang mối lo ngại về những chuyến vượt thác không an toàn. Tôi muốn nói với Hưng rằng dù có nhiều kinh nghiệm lái thuyền, song không vì thế mà chủ quan, thiếu các phương tiện bảo hộ rất nguy hiểm khi xảy ra tai nạn sông nước.
Kể chuyện vượt thác Tam Lu để muốn nói rằng, những bản làng nơi miền biên giới Trường Sơn vẫn còn sống cô lập vì đò giang trắc trở. Ngày thường, nước êm, thi thoảng có dân buôn mang nhu yếu phẩm lên bán thì bà con Vân Kiều có điều kiện mua sắm, cải thiện cuộc sống. Còn những ngày mưa lũ, bản làng hoàn toàn cô lập trong điều kiện sống khắc khổ.
Muốn lên được nhiều bản làng biên giới của xã Trường Sơn, phải vượt thác Tam Lu. |
"Đồng bào mình còn khổ lắm!"
Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được bản Hôi Rấy. Đang giấc ngủ trưa bị đánh thức khi nghe nói là đoàn nhà báo đến thăm bản, tìm hiểu đời sống đồng bào, trưởng bản Hồ Pà niềm nở đón khách, đưa chúng tôi đến từng nhà dân. Lũ trẻ trong bản, mặt mày nhem nhuốc, nhiều đứa không mặc quần áo, tò mò nhìn khi thấy người lạ. Tôi phát kẹo, chúng rụt rè không dám lấy, rồi rón rén cắn từng miếng nhỏ, vừa ngắm nghía. Thương khó tả! Cả bản có 36 hộ, 142 nhân khẩu. Trưởng bản Hồ Pà khoe: "Dân bản khổ lắm nhưng có đến 43 cháu đang đi học đấy". Bản có hai điểm trường, một tiểu học, một mẫu giáo. Nói là trường cho oai chứ điểm trường tiểu học chỉ là một căn phòng đã xuống cấp trầm trọng. Nhà vệ sinh thì được các cô "sáng chế" bằng cách quây tấm bạt lại cho kín đáo. Đáng nói, phòng học duy nhất này là lớp học cho các em từ lớp 1 đến lớp 5. Còn điểm trường mẫu giáo nằm xa trên ngọn đồi, dựng bằng gỗ. Cơ sở vật chất chẳng có gì đáng giá. Chật chội, các cô giáo phải mượn nhà dân làm phòng học cho các cháu.
Ngoài hai điểm trường đó, Hôi Rấy chẳng có gì gọi là thuộc sở hữu cộng đồng. Họ sống trong điều kiện không điện, không đường, không trạm y tế và nguồn nước thì dẫn về từ con suối. Dẫn chúng tôi lội suối khảo sát đường ống nước dẫn về bản vừa bị cơn lũ dữ gây hư hỏng nặng, Hồ Pú (32 tuổi, đã có đến 5 đứa con) kể nhiều chuyện về đời sống đồng bào mình, trong đó tôi nghe toàn là chuyện thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu điều kiện tiếp cận với nền văn hóa văn minh. Khi chia tay, Pú nói: "Đồng bào mình còn khổ lắm! Nhà báo gắng nhờ Nhà nước quan tâm để bớt khổ với". Tôi nhìn thấy trong ánh mắt Pú niềm hy vọng gì đấy vào chúng tôi...
Những đứa trẻ Vân Kiều ở bản Hôi Rấy. |
Bản Nước Đắng cách bản Hôi Rấy khoảng 20 phút đi thuyền. Trưởng bản Hồ Văn Hơn cho biết: "Dân bản có cả thảy 32 hộ, 142 nhân khẩu và trong đó có 43 em đang đi học. Nhờ biết làm lúa nước nên không đói, nhưng dân bản không có điện thắp sáng, không có đường giao thương, không có trạm y tế. Mới đây Nhà nước xây cho ngôi trường nên con em có điều kiện học tập tốt hơn". Với bản Dốc Mây, chúng tôi đành phải nợ đồng bào một chuyến đến thăm, bởi mùa mưa suối dữ, vượt qua 25 cây số đường rừng và mất hơn ngày trời đi bộ là không thể. Ngay cả bộ đội biên phòng vào đây dạy xóa mù chữ cho đồng bào cũng bị mắc kẹt. Không đến được nhưng qua lời kể của bộ đội biên phòng, chúng tôi cảm nhận được đồng bào ta ở Dốc Mây cũng rất khó khăn...
Mừng là đã giữ được lời hứa với đồng bào Trường Sơn khi chúng tôi đang trên đường trở lại đây, mang theo những phần quà, những sinh kế quyên góp được từ các Mạnh Thường Quân đến với dân.
Quang Hải