Nông dân bất an vì lúa bị chuột và sâu bọ phá hoại
Những ngày đầu tháng 3, phóng viên đến một số cánh đồng ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi nhận thấy nhiều diện tích lúa đang đẻ nhánh, trổ đòng bị chuột và sâu bọ phá hoại trên diện rộng. Mặc dù người nông dân đã sử dụng nhiều biện pháp diệt chuột nhưng vẫn không kiềm chế được tình trạng chuột phá hoạt do số lượng quá lớn. Theo người nông dân, năm 2023 không có lụt đã tạo điều kiện cho chuột sinh sôi, phát triển mạnh.
Ra thăm ruộng lúa tại cánh đồng ở xã Bình An (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), ông Hồ Xuân Toản (trú xã Bình An) than thở: “Năm rồi không có lụt nên chuột phát triển rất mạnh. Lúa mới bắt đầu đẻ nhánh mà 10 sào lúa của tôi đã bị chuột phá rất nhiều. Tôi dùng thuốc trộn với lúa bỏ trên bờ ruộng nhưng chuột ít ăn. Tôi cắm túi ny-lông xua đuổi chuột và rào bạt xung quanh ruộng nhưng chuột vẫn phá bạt chui vào cắn phá lúa. Bây giờ, chỉ còn cách lấy nước đầy ruộng để hạn chế chuột cắn lúa. Ngoài ra, rầy nâu và rầy lưng trắng đang phát triển mạnh, tôi phải phun thuốc diệt chớ không là vụ này mất trắng”.
Tại cánh đồng thuộc xã Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), lúa của người nông dân cũng bị chuột cắn phá trên diện rộng. Lom khom dọn những cây lúa bị chuột cắn hư hỏng, bà Nguyễn Thị Phong (trú xã Nghĩa Điền) tâm sự: “Vụ năm nay tôi gieo sạ được 4 sào lúa, đang thời kỳ trổ đòng thì bị chuột cắn phá. Chuột phá lúa vào ban đêm nên khó xua đuổi. Tôi trộn lúa với thuốc bắt được mấy con, sau đó nó biết không ăn lúa nữa. Làm bạt bao quanh thì tốn nhiều chi phí nên đến tối vợ chồng tôi phải ra ruộng đuổi chuột…”.
Ông Nguyễn Xuân Cẩm - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho biết, vụ này toàn huyện sản xuất hơn 8.517ha lúa, trong đó có 126ha lúa bị chuột cắn phá, tập trung ở các xã Bình Nguyên, Bình An, Bình Phục, Bình Đào... Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh lứa mới gây hại trên lúa ở giai đoạn làm đòng với mật độ 1 - 2 con/m2, còn sâu trưởng thành gây hại rải rác với mật độ 2 - 4 con/m2. Rầy nâu và rầy lưng trắng tiếp tục phát sinh gây hại ở hầu hết các vùng với mật độ bình quân 300 - 500 con/m2, cục bộ có nơi mật độ 700 - 1.000 con/m2. Tổng diện tích lúa bị nhiễm 2 loại rầy này trên là 28ha.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, đến nay toàn tỉnh đã có 374,5ha lúa bị chuột phá hoại với tỷ lệ bình quân 3 - 5%, nơi cao 10%, cục bộ 12%. Trong khi đó, thời điểm này năm ngoái, số diện tích lúa bị chuột cắn phá trên phạm vi cả tỉnh chỉ gần 313ha. Rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại rải rác trên lúa giai đoạn trổ đòng ở Quế Sơn, Hiệp Đức, Tam Kỳ, Thăng Bình, Phú Ninh. Mật độ rầy trung bình 500 - 1.000 con/m2, nơi cao 2.500 con/m2. Ngoài ra, bọ xít đen, sâu năn, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, bệnh nghẹt rễ - vàng sinh lý, bệnh tuyến trùng rễ, bọ trĩ, sâu keo, sâu phao, bọ xít dài… cũng phát sinh gây hại rải rác ở nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Quảng Nam cho biết, trước khi vào vụ sản xuất, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức ra quân đào hang, tìm diệt chuột. Trước tình trạng chuột phát triển cắn phá lúa, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương theo dõi, huy động các hội đoàn thể, cùng người dân ra quân diệt chuột, hướng dẫn các biện pháp trừ sâu bọ để đảm bảo năng suất lúa cho bà con.
Theo Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có hơn 1.052ha lúa bị chuột gây hại, trong đó các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành có diện tích lúa bị chuột phá hoại nhiều. Ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo cán bộ địa phương phối hợp với người dân tổ chức diệt chuột để hạn chế đến mức thấp nhất chuột gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Đồng thời khuyến cáo người nông dân thường xuyên thăm đồng, chú trọng các biện pháp diệt chuột bằng bẫy cơ học, bảo vệ các loài thiên địch của chuột như: rắn, chim cú… Người dân tuyệt đối không sử dụng điện để bẫy chuột vì gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Quỳnh Trang