Nữ kỹ thuật viên “bắt tử thi lên tiếng”

Thứ hai, 07/03/2022 19:35

Nhanh nhẹn, tháo vát, táo bạo và có độ chai lỳ là những ngôn ngữ đồng nghiệp nói về Nguyễn Thị Thanh – nữ điều dưỡng, kỹ thuật viên của Trung tâm pháp y tỉnh Nghệ An. Thanh quan niệm, làm việc cần có cái tâm và lòng yêu nghề thì tất cả mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Với nét tính cách này, Thanh đã trở thành nữ điều dưỡng duy nhất tại Nghệ An trực tiếp tham gia công việc giám định tử thi.

Bác sỹ, Giám định Viên Cần Quang Hà đang hướng dẫn Thanh phân tích hình ảnh.

Tình nguyện tham gia giám định tử thi

Gặp Nguyễn Thị Thanh (1991, quê ở Thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi cô gái có thân hình mảnh mai, nhỏ nhắn khác với trí tưởng tượng ban đầu về Thanh. Em đang cùng đồng nghiệp tất bật chuẩn bị một ca khám nghiệm pháp y tình dục cho một bé gái khoảng 10 tuổi. Thanh kể, trước đây hồi còn đi học, em là đứa rất thích đọc truyện trinh thám, rất thích xem phim ma nhưng lại sợ ma nhất xóm. Không ngờ, sau khi tốt nghiệp ngành cử nhân điều dưỡng và trực tiếp tham gia công việc tại Trung tâm pháp y tỉnh Nghệ An, em lại đam mê công việc này.

Trải qua 9 năm làm nghề, điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh không nhớ được mình đã tham gia bao nhiêu vụ giám định pháp y nhưng vụ việc mà Thanh nhớ nhất đó là thực hiện giám định ở địa bàn huyện Tương Dương. “Đó là một bản biên giới giáp với nước Lào, đời sống của người dân rất khó khăn, mọi điều kiện sinh hoạt đều rất hạn chế. Bình thường, em và mọi người đi làm đều được đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất như bàn, ghế, dụng cụ... nhưng hôm đó gia đình chỉ chuẩn bị được 1 tấm ván gỗ để đặt thi thể giữa nền nhà đất. Suốt gần 2 tiếng đồng hồ, đội khám nghiệm phải ngồi xổm để làm việc, khi đứng lên hai chân bị tê cứng. Mệt mỏi không ai nề hà gì nhưng khi chứng kiến hoàn cảnh nghèo khổ của gia đình họ mình thấy nhói lòng” – Thanh kể.

Cũng theo kỹ thuật viên Nguyễn Thị Thanh, nghề giám định nói chung và giám định pháp y nói riêng cần độ chính xác cực cao lên đến 100%. Chính vì vậy, lúc làm việc mình luôn phải giữ trạng thái thoải mái và tỉnh táo nhất, mọi động tác phải dứt khoát, chính xác, không được xảy ra bất cứ một sai sót nhỏ nào. Những công việc như làm hồ sơ, chụp ảnh, lấy các mẫu vật phẩm... đều được Thanh tiến hành một cách nhanh gọn, chính xác.  “Là nữ nên em luôn được Giám đốc Trung tâm và các anh tạo điều kiện hết sức. Những lần trực tiếp tham gia đi khám nghiệm, em đều hoàn toàn tự nguyện, nếu cảm thấy sức khỏe không đảm bảo thì các anh đều động viên nên ở nhà. Tất nhiên, trong một vụ khám nghiệm nếu có em tham gia thì mọi việc được triển khai nhanh hơn, thuận lợi hơn rất nhiều. Đó cũng là góp một phần sức lực của mình trong việc tìm nguyên nhân cái chết cho tử thi” – Thanh chia sẻ.

Cái tâm và lòng đam mê với nghề

Bác sỹ Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Nghệ An chia sẻ: Theo quy định của Luật lao động thì mổ tử thi là một trong 77 công việc mà phụ nữ không được làm. Trung tâm cũng không khuyến khích phụ nữ làm công việc này nhưng nữ điều dưỡng Thanh đã xung phong, tự nguyện và Thanh cũng đã làm rất tốt.

Nói về nghề giám định pháp y, Bác sỹ chuyên khoa 1- Giám định viên Cần Quang Hà cho rằng đây là nghề “bắt tử thi lên tiếng”. “Người giám định viên hay bác sỹ pháp y đóng vai trò quan trọng. Từ kết quả phân tích, giải phẫu sẽ tìm ra được cơ chế tử vong, nguyên nhân tử vong, giúp cho cơ quan chức năng đưa ra kết luận chính xác trong từng vụ việc cụ thể” – Bác sỹ Hà cho biết. Suốt 9 năm làm việc, Bác sỹ Hà cũng là người thầy, người anh, người đồng nghiệp trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho Thanh trưởng thành như ngày hôm nay. “Thanh là một cô gái rất nhanh nhẹn, tháo vát, táo bạo và đặc biệt có độ chai lỳ. Đối với cánh đàn ông việc tiếp xúc với tử thi là chuyện bình thường nhưng Thanh là phụ nữ mà lại tự nguyện, xung phong, không hề ngại ngần một trường hợp nào. Là người giúp việc cho Giám định viên, công việc của Thanh là cầm dụng cụ để mổ tử thi, trực tiếp đưa các mẫu vật ra ngoài sau đó lấy các mẫu vật phẩm để thực hiện công tác xét nghiệm. Ngoài ra, nhiệm vụ của kỹ thuật viên còn chụp ảnh các bộ phận, mẫu vật phẩm cần xét nghiệm để làm căn cứ hồ sơ thực hiện việc giám định pháp y. Những công việc như vậy không phải phụ nữ nào cũng làm được, Thanh thực sự là trường hợp đặc biệt. Đến thời điểm hiện tại thì ở Nghệ An, Thanh là người duy nhất trực tiếp đảm nhận công việc như vậy” - Bác sỹ Hà nhận xét về đồng nghiệp.

Mỗi ngày trôi qua có hàng chục trường hợp cần thực hiện giám định. Những công việc diễn ra đột xuất, không kể ở đâu, thời gian ngày hay đêm đòi hỏi các bác sỹ, giám định viên, kỹ thuật viên phải luôn ở tư thế sẵn sàng lên đường thực thi nhiệm vụ. Thế nhưng, với những cán bộ ở Trung tâm Pháp y tỉnh Nghệ An, chỉ cần có lòng đam mê với nghề thì tất cả những khó khăn ấy sẽ vượt qua một cách dễ dàng.

Dương Hóa