Nữ “luật sư công” với những chuyện đời buốt lòng
Gai góc, nghiệp vụ sắc bén, bản lĩnh khi tham gia tố tụng trong vai trò Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) miễn phí nhưng khi gợi hỏi về những góc khuất hồ sơ vụ án, song những nữ TGVPL thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Trị không giấu được sự trăn trở, xót xa với những chuyện đời xé lòng về các “thân chủ”, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em nghèo ở cả 2 tuyến trong vụ án.
Hai nữ TGVPL tỉnh Quảng Trị cùng tham gia bào chữa miễn phí cho bị hại lẫn bị cáo trong cùng 1 vụ án. |
Hơn 5 năm công tác, tham gia tố tụng bào chữa miễn phí cho hàng chục trường hợp nhưng TGVPL Lê Đỗ Diệu Huyền vẫn ám ảnh vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại một xã miền núi tỉnh Quảng Trị. Trong vụ án này, chị Huyền bảo vệ quyền lợi cho bị hại, bé gái 13 tuổi. Quá trình tiếp cận hồ sơ, tiếp xúc với bị hại cùng người thân, chị Huyền cố nén lòng nhưng mắt vẫn cứ ầng ậng nước. Nhất là khi nghe cháu gái con nhà nghèo hồn nhiên kể lại những lần bị 1 thanh niên trong bản xâm hại, từ khi cháu còn 9 tuổi. Kẻ bất nhân cũng là người trong bản, sau tội ác đã chịu trừng phạt của luật pháp với bản án nhiều năm tù. Trở về xuôi sau những lần lặn lội lên bản cheo leo giữa đại ngàn Trường Sơn gặp bị hại, chị Huyền càng nặng trĩu nỗi lòng khi còn đó khoảng trống về ý thức, nhận thức bảo vệ bé gái trước “yêu râu xanh”.
Cũng là TGVPL bảo vệ miễn phí cho phía bị hại trong một vụ xâm hại tình dục xảy ra tại H. Vĩnh Linh (Quảng Trị) vài năm trước, chị Lê Thị Bích Loan còn nhớ như in một vụ án được đưa ra xét xử khi bị hại vừa sang tuổi 16 và trở thành “bà mẹ nhí”. Chị Loan cho hay, sau khi người nhà bị hại phát hiện con gái mang thai đã tố cáo đến cơ quan Công an. Tuy nhiên, quá trình điều tra lại lộ ra thêm chuyện động trời. Ngoài người yêu tuổi teen là Z., còn có ông hàng xóm làm chuyện người lớn với em. Lúc đó, cơ quan điều tra buộc phải làm giám định ADN, kết quả, Z. chính là tác giả bào thai. Cả 2 đối tượng xâm hại cô bé đều bị truy tố. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, chị Loan đã ngược xuôi thu thập thông tin, củng cố chứng cứ để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho “bà mẹ” bất đắc dĩ. Điều quan trọng, chị Bích Loan phải động viên để bị hại không suy sụp tinh thần, để lời khai chính xác giúp làm rõ vụ án. Tại phiên tòa, trong khi Z. thành khẩn thì bị cáo còn lại cứ đổ lỗi bị bị hại dụ dỗ, đối lập với lời khai từ phía bị hại vì bị đe dọa phải giấu kín mọi chuyện. Theo cô bé, em bị hàng xóm xâm hại trước khi “gần gũi” với người yêu. Phiên tòa hôm đó xử kín nhưng phần tuyên án công khai, và được kết thúc bởi sự náo loạn khi người thân của bị cáo vì xót xa và nhục nhã đã ném về phía bị hại những lời nặng nề. Nạn nhân sợ hãi ngồi thụp xuống rồi khóc nghẹn, lọt thỏm tội nghiệp trong bể mắt giận dữ của những người nhẫn tâm.
Trong vụ án Hồ Thị Lan (H. Hướng Hóa) và em gái Hồ Thị Nan phạm tội giết người, chấn động vùng biên Quảng Trị vào năm 2016, TGVPL Bích Loan và Lê Thị Thủy Ngân trực tiếp bào chữa cho Nan và Lan cả quá trình sơ thẩm và phúc thẩm. Đây là vụ án nghiêm trọng, đặc biệt khi nạn nhân là chồng của Lan. Những lần tiếp xúc với 2 bị can, cả chị Bích Loan và chị Ngân không ít lần lặng người trước những lời khai. Trước khi ra tay tàn độc với chồng, hung thủ Lan đã trải qua triền miên ngày tháng bị bạo hành tinh thần, hôn nhân như địa ngục. Đến khi không còn sức chịu đựng, người vợ bạc phận này mới lôi kéo em gái thực hiện mưu kế hại chồng. TGVPL Bích Loan vẫn ám ảnh những tiếng nấc nghẹn khi tiếp xúc với Nan. “Nan được học hành, khôn ngoan nhưng khi nói về câu chuyện đời của chị gái cũng gần như đau đớn, không ngôn từ giãi bày được hết”, chị Bích Loan nhớ lại. Nan cũng đã từng can ngăn chị từ bỏ ý định sát hại chồng, nhưng sau đó tình thương với chị quá lớn, lấn át lý trí và lương tri, thôi thúc Nan trở thành đồng phạm... Thấu hiểu và lắng nghe từ những chia sẻ ấy, góc khuất đẫm nước nước mắt ấy, kết hợp với kết quả xác minh, các TGVPL đã bào chữa thuyết phục cho các hung thủ tại tòa, góp phần giúp HĐXX ra bản án thấu tình đạt lý. Đến phiên tòa phúc thẩm, tiếp tục với sự trợ giúp miễn phí của chị Bích Loan và đồng nghiệp, chị em hung thủ Lan đều được giảm án...
TGVPL Bích Loan trao đổi, chia sẻ với người thân của bị cáo vị thành niên mà chị được giao bào chữa miễn phí. |
Với những bị can, bị cáo như Lan, Nan, hay nhiều nữa, họ gọi các TGVPL miễn phí như chị Bích Loan, chị Ngân là “luật sư công” đầy trân trọng. Ông Hà Trung Thành- Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Trị cho hay, hiện trung tâm có 7 nữ TGVPL, chiếm gần 2/3 số lượng TGVPL tại trung tâm. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, trung tâm tiếp nhận 113 vụ án thì số nữ TGVPL tham gia giải quyết hơn 80 vụ. “Công việc đòi hỏi nhiều áp lực, khó khăn nhưng các nữ TGVPL đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và tâm huyết khi được giao nhiệm vụ”, ông Thành chia sẻ đầy tin tưởng. Khi được hỏi về gian nan trong nghề nghiệp, các nữ TGVPL đều cười trừ thay cho vô vàn khó khăn không thể gọi tên. “Nhiều vụ án bị cáo là trẻ vị thành niên, buồn lòng lắm. Hay có những vụ cả bị hại lẫn bị can đều có TGVPL bào chữa miễn phí. Lúc đó, dù đồng nghiệp nhưng ở 2 vị trí đối lập, như ở 2 “chiến tuyến”, nên thành ra... hơi căng”, chị Bích Loan kể. Cũng có không ít vụ án, bị cáo ngoài có nơi cư trú rõ ràng không có lấy thêm 1 tình tiết giảm nhẹ nào thì các TGVPL càng... đau đầu. Dù vậy, các nữ “luật sư công” vẫn kiên trì, “lật xới” hoàn cảnh để cho ra tình tiết có lợi giúp bị cáo, để họ có thêm cơ hội hoàn lương, tìm về nẻo thiện.
Có những gia đình ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhiều chị em TGVPL phải điều khiển xe máy đường xa, lại tiếp tục hành trình cuốc bộ qua núi đồi mới gặp được người thân bị can, gặp bị hại. Bỏ lại phía sau mưa nắng, nhọc nhằn, những nữ “luật sư công” đã thực sự mang lại điểm tựa, niềm an ủi, niềm tin cho những người yếu thế, rơi vào hoàn cảnh éo le thêm động lực vượt qua nghịch cảnh, sóng gió cuộc đời.
BẢO HÀ