Nữ phiên dịch “đa-zi-năng”

Thứ sáu, 26/01/2024 13:30
Khép lại phiên xét xử vụ án hình sự về ma túy có bị cáo người nước ngoài, vị thẩm phán, TAND tỉnh Quảng Trị liền rời ghế chủ tọa hướng về phía người phiên dịch gửi lời cảm ơn. Đón nhận sự quý mến, tin cậy này chính là chị Nguyễn Thị Xuân Lam (1970, trú TP Đông Hà), người đã có ngót nghét 10 năm với vai trò phiên dịch cho không ít bị can, bị cáo người nước ngoài bị điều tra, xét xử tại Quảng Trị. Nhiều người gọi chị là nữ phiên dịch “đa – zi- năng” khi “cân” luôn 3 ngoại ngữ.
Chị Lam trò chuyện với nữ bị cáo người Lào bị xét xử về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy".
Chị Lam trò chuyện với nữ bị cáo người Lào bị xét xử về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy".

Thông thạo tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Lào, chị Lam được các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự tại Quảng Trị dành sự tin tưởng, yêu cầu phiên dịch trong quá trình giải quyết nhiều vụ án, vụ việc có đối tượng người nước ngoài. Tinh thần trách nhiệm, giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi phiên dịch, luôn trung thực trong chuyển tải khách quan nội dung, cùng vẻ đẹp dịu dàng, điềm đạm, nữ phiên dịch còn để lại ấn tượng trong lòng bị can, bị cáo muốn được sẻ chia, gửi gắm tâm tư.

Chị Lam quê ở thành Vinh (Nghệ An). Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm tiếng Nga, chị học thêm chuyên ngành tiếng Anh. Nên duyên với chàng trai quê Quảng Trị, chị mang thanh xuân đến với mảnh đất này, tiếp tục gắn với sự nghiệp dạy học và sau đó trở thành giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị từ những năm 2000 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2021. Quá trình công tác, gắn bó với nhiều sinh viên đến từ nước Lào học tập tại Quảng Trị, chị còn có cơ hội làm việc, dạy tiếng Việt cho nhiều cán bộ đến từ tỉnh Savannakhet. Hoàn cảnh đó thôi thúc chị tiếp tục dành tâm huyết học tiếng Lào. Ở ngoại ngữ nào, chị đều trau dồi nghiêm túc để hiểu hết ngọn nguồn sức mạnh ngôn ngữ, văn hóa. Và việc chị được mời phiên dịch cho các bị can, bị cáo nhiều năm qua đã chứng minh khả năng thực thụ của chị trong lĩnh vực này. Nhất là những năm gần đây, khi tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhiều người nước ngoài sa lưới tại Quảng Trị thì hình ảnh phiên dịch của chị càng quen thuộc hơn.

Chị Lam vẫn còn nhớ rõ lần phiên dịch trong vụ một đối tượng quốc tịch Nga bị lực lượng chức năng Quảng Trị bắt giữ khi vừa nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, trong người có mang theo cần sa. Qua kiểm tra, đây là đối tượng bị Interpol truy nã. Vụ việc sau đó được chuyển Công an tỉnh Quảng Trị thụ lý, khởi tố bị can. Chị được mời tham gia phiên dịch trong quá trình điều tra và cả tại phiên họp xét yêu cầu dẫn độ do TAND tỉnh Quảng Trị tổ chức. Được phiên dịch khách quan, chính xác, bị can hợp tác điều tra, cơ quan chức năng cũng hoàn tất các bước giải quyết nhanh chóng, đảm bảo quy định pháp luật. Đến năm 2019, tiếp tục có 1 công dân quốc tịch Nga nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã bị lực lượng chức năng phát hiện là đối tượng bị Interpol truy nã quốc tế liên quan đến ma túy. Nhận được yêu cầu của cơ quan chức năng, chị Lam cũng đã tham gia hỗ trợ phiên dịch ngay từ buổi làm việc đầu tiên. Sự nhẹ nhàng, thông thạo ngoại ngữ của chị đã khiến đối tượng buông bỏ lo lắng, yên tâm khai báo.

Sự tin tưởng đó chúng tôi cũng cảm nhận rõ ở 2 bị cáo quốc tịch Nigeria phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng hơn 14kg ma túy tổng hợp bị đưa ra xét xử tại Quảng Trị vào năm 2021. Tại phiên tòa này, chị Lam tiếp tục với vai trò phiên dịch tiếng Anh cho các bị cáo. Trước đó, chị đã được tham gia phiên dịch trong quá trình điều tra vụ án, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng các đối tượng phạm tội này. Nên khi thấy nữ phiên dịch tại tòa, hai bị cáo mừng như gặp người quen. Nghe chị hỏi thăm tình hình sức khỏe, ánh mắt cả hai ánh lên sự xúc động… Đó cũng là tình cảnh mà chị Lam phiên dịch ở những vụ án bị cáo quốc tịch Lào phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như Tong Lenglo và Thong Vang (quốc tịch Lào) bị xét xử trong năm 2023 về tội Mua bán trái phép chất ma túy với gần 46kg ma túy đá. Chị Lam phiên dịch cho hai bị cáo này cả tại phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm diễn ra cuối tháng 8-2023. Hiểu sự hối hận và nỗi niềm khát khao được sống của bị cáo, chị lắng nghe, câu nào chưa rõ thì đề nghị bị cáo nói lại để mình dịch được chi tiết nhằm chuyển tải đầy đủ nội dung xin HĐXX xem xét.

Khi nói về nữ phiên dịch có tâm và nhiều tài này, các thẩm phán, hội thẩm TAND tỉnh đều dành cho chị sự tin tưởng. Còn với chị, sau mỗi lần tham gia phiên dịch, đều để lại trong lòng những câu chuyện khác nhau về số phận, cuộc đời và cả những bí mật. Trong chia sẻ đầy xúc động, chị Lam bất ngờ cho chúng tôi xem món quà đặc biệt đến từ một bị cáo người Lào mà chị phiên dịch. Đó là bông hoa được tết từ bao ni-lông, dây nhựa mà bị cáo làm trong những ngày tạm giam với nỗi nhớ nhung người thân, quê nhà. Lại thêm một kỷ niệm sâu sắc trong lòng chị, nhắc nhớ chị tận tâm hơn với công việc mai này.

Bảo Hà