Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa với phong trào phụ nữ cắt tóc ngắn

Thứ sáu, 06/03/2015 10:31

(Cadn.com.vn) - Việt Nam, phong trào cắt tóc ngắn bột phát vào khoảng năm 1908  nhưng chỉ dành cho nam giới và Quảng Nam là cái nôi phát động phong trào cắt tóc đầu tiên trong cả nước, khởi phát từ quê hương Đại Lộc. Gần 30 năm sau, nam giới ảnh hưởng phong trào Duy Tân, không chỉ thực hiện việc hớt tóc mà còn nhiều mặt khác như lập hội buôn, tổ chức trường dạy chữ Quốc ngữ, hô hào trồng quế... Nhưng riêng việc hớt tóc đối với nam giới đã khó khăn như làm một cuộc cách mạng vì từ bao ngàn năm qua, tổ tiên người Việt thấm nhuần nho giáo mà nho giáo dạy rằng: "Thân thể phát phu thọ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương hiếu chi thỉ dã, lập thân hành đạo dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu hiếu chi chung dã" (Trương Vĩnh Ký dịch: Mình vóc tóc da chịu chung cha mẹ chẳng dám nát hại, hiếu chung đầu vậy; lập mình đàm đạo, dơ tiếng nơi đời sau, lấy sáng cha mẹ, hiếu chung sau vậy). Đối với tiền nhân, cái búi tóc sau gáy vốn tiêu biểu cho sự hiếu thảo tuyệt đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, không ai dám đụng đến..., huống hồ đối với nữ giới! Thế mà lúc bấy giờ nữ giới Quảng Nam-Đà Nẵng đã phát huy phong trào cắt tóc ngắn mà người tiêu biểu đi đầu phong trào là nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa.

 

Bà Huỳnh Thị Bảo Hòa người làng Đa Phước, H. Hòa Vang (Đà Nẵng), xuất thân trong một gia đình có cha là võ quan triều Nguyễn, sau tham gia Hội Cần vương Quảng Nam. Bản tính thông minh, ham học hỏi lại được giáo dục kỹ lưỡng, từ nhỏ Huỳnh Thị Thái (tên  hồi nhỏ của bà Huỳnh Thị Bảo Hòa) đã học chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và được xem là người phụ nữ tiến bộ nhất địa phương lúc bấy giờ. Lớn lên, bà lấy chồng là Hàn lâm viện Đại học sĩ Vương Khả Lãm. Theo chồng về sống ở Đà Nẵng, sớm thích nghi với cuộc sống thị dân, tiếp thu tư tưởng duy tân từ các phong trào yêu nước lúc bấy giờ. Bà thường đăng đàn diễn thuyết tại Hội Lạc thiện Tourane, Công quán Tourane (nay là Nhà hát Trưng Vương) nhằm nâng cao tri thức cho chị em phụ nữ... Bà qua đời ngày 8-5-1982...

Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa có bài trả lời phỏng vấn trên Báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1934 với tựa đề "Vì sao tôi cúp tóc?". Trong đó bà lý giải nhiều lợi ích cho giới nữ về sự cúp tóc, về ích lợi về tinh thần, vệ sinh, vận động và thẩm mỹ. Bà Huỳnh nói đại ý việc cải tạo phụ nữ ta hiện thời không những về quyền lợi về trí thức, mà về hình thức cũng phải quan tâm cải cách. Trong đó có những đoạn bày tỏ ý tưởng mạnh dạn cải cách, canh tân, giải phóng những ràng buộc đối với phụ nữ về sở thích. "Tôi khởi sự cúp tóc từ đầu năm 1933, đến nay đã hơn một năm rồi, nhưng tôi chưa hề có đem sự này ra nghị luận, cổ động lên các báo chí.

Vì bản ý tôi muốn tự khiêm, và có ý để cho chị em nữ giới ta có mắt thấy, có tai nghe, có trí phán đoán điều ích lợi phải trái, mà phê bình, mà thi hành, không cần phải ai bàn bạc cho thêm rườm nữa". Bà lý giải: "Cúp tóc ngắn có hai điều ích lợi: 1) Thực hành một phần hình thức về vấn đề phụ nữ cải cách. 2) Cho được tiện lợi cả tinh thần và vật chất, hợp phép vệ sinh và không kém về phương diện mỹ thuật. Việc cải tạo phụ nữ ta hiện nay không những là chuyện về mặt quyền lợi và trí thức mà thôi, song về đường hình thức và vật chất cũng phải quan tâm lắm nữa, quyền bình đẳng, quyền tham chính tất có ngày phải đạt đến mục đích, nhưng hiện nay các quyền ấy vẫn còn trong thời kỳ lý tưởng, vả các quyền đó mà có thực hành được thì cũng phải nài xin, phải thỉnh cầu, vì quyền đó ở người, mà người ta có cho thì mới được. Đến như sự cải cách về hình thức đây mới thực là quyền tự do của cá nhân, ta không phải khó nhọc mà xin ai cho mới được.

Vì vậy cho nên, không những là một việc cúp tóc ngắn mà thôi, đến như các món thể thao, đi xe đạp và cải cách về phục sức như áo mặc, giày đi, hiện nay tôi cũng đang tìm cách sửa đổi cho hợp thời". Hoặc đưa ra lý do: "Làm thợ thuyền trong xưởng máy móc, nếu tóc dài vô ý vướng vào máy thì không toàn tính mạng. Tập thể thao, đánh tennis, chơi ping pong, cởi xe đạp, nếu tóc dài lở xổ xuống thì làm ngăn trở ngượng nghịu biết bao?". "Vả hiện thời phụ nữ các nước văn minh trong thế giới đều để tóc ngắn tất cả. Nay phụ nữ ta lẽ nào còn ngần ngại không dám quả quyết? Không có can đảm làm một việc cải cách rất có ích, rất hợp thời như vậy sao?".

Guinness Việt Nam và nhiều Bộ từ điển văn học ghi danh bà Huỳnh Thị Bảo Hòa là người phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ, cắt tóc ngắn, đi xe đạp và làm báo...

Trương Duy Hy