Nữ tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu: Bạn của nhà nông

Thứ bảy, 20/10/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Theo lời mời gọi của lãnh đạo Đà Nẵng, chị đã chọn thành phố bên bờ Sông Hàn làm quê hương thứ hai, cống hiến bằng tất cả sự tâm huyết, niềm đam mê nghề nghiệp, góp phần không nhỏ cho tiến trình phát triển của thành phố, đặc biệt là những nông dân. Chị là Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu (1974), Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ, kiêm Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học(CNSH).

Từ niềm đam mê nghiên cứu khoa học...

 Nữ Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu.

Sinh ra trên vựa lúa Thái Bình, nên chị Hậu chọn thi và đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội là một điều dễ hiểu. Ra trường năm 1996, chị được nhận vào công tác tại Viện di truyền Nông nghiệp T.Ư (Hà Nội). Bằng những nỗ lực và sự phấn đấu không ngừng, năm 1999, chị nhận được suất học bổng của Thụy Sĩ, làm thực tập sinh thời hạn 2 năm tại Trung tâm Rau thế giới ở Đài Loan. Với những thành tích ấn tượng khi làm thực tập sinh, chị được mời về làm chuyên gia phát triển dự án do 3 tổ Quỹ Hợp tác và Phát triển Hoa Kỳ, Trung tâm Rau thế giới và Viện nghiên cứu Nông nghiệp Bangladesh phối hợp nhằm hỗ trợ các kỹ thuật giống rau quả mới cho nông dân ở các nước tại Đài Loan, Bangladesh, Thái Lan, Campuchia vàViệt Nam. Thực hiện xong dự án, năm 2002, chị được Chính phủ Nhật Bản cấp học bổng đào tạo Tiến sĩ tại Trường Đại học Kobe (Nhật). Năm 2009, chị hoàn thành việc học và trở về nước công tác.

Trong thời gian học tập tại Nhật, nhiều công trình nghiên cứu khoa học của chị được những nhà khoa học đánh giá cao, có công trình được ứng dụng trong thực tiễn, mang lại danh tiếng cho nhà trường. Nổi bật trong đó là công trình "Nghiên cứu các loại nấm men tự nhiên để sản xuất các loại rượu Sake mới". Ròng rã hơn 3 năm, chị nghiên cứu và tìm ra 1.250 loại nấm men từ hơn 600 loài hoa có mặt tại Kobe để chiết xuất ra loại men mới. Công trình này được một Cty rượu danh tiếng Sawanotsuru đưa vào ứng dụng trong sản xuất rượu truyền thống của Nhật Bản (rượu Sake). Ghi nhận công lao của chị, Sawanotsuru đã thành lập Quỹ học bổng dành cho những sinh viên Trường Đại học Kobe, mà trong đó, những SV Việt Nam được Quỹ trao những học bổng có giá trị nhằm khuyến khích khả năng nghiên cứu, sáng tạo.

...Đến "Nấm và hoa"       

Khi được hỏi đâu là lý do để chị chọn Đà Nẵng, chị Hậu bộc bạch: "Đôi lúc, mọi việc giống như "cơ duyên" vậy. Tôi biết về Đà Nẵng ban đầu cũng chỉ qua chồng mình, hiện là Trưởng phòng Khoa học sau Đại học và Hợp tác quốc tế của Đại học Kinh tế Đà Nẵng, cũng là đồng liêu tại ĐH Kobe. Thế rồi, qua tìm hiểu cũng như tận mắt chứng kiến những thay đổi từng ngày của Đà Nẵng, đặc biệt trong buổi gặp gỡ lãnh đạo thành phố, cảm nhận tâm huyết, hoài bão, chính sách thông thoáng của chủ trương "thu hút nhân tài"... chị đã bị thuyết phục.

Cán bộ Trung tâm CNSH chuyển giao giống lan mới cho nông dân trên địa bàn TP Đà Nẵng (chị Vũ Thị Bích Hậu đứng thứ 2 từ trái sang). 

Về Đà Nẵng, với những kiến thức được tích lũy bấy lâu, chị lại lao vào nghiên cứu khoa học. Tháng 7-2010, chị được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm CNSH và Ứng dụng KHCN, thuộc Sở KH&CN. Ở vị trí mới, chị có điều kiện để đề xuất những dự án mà chị đã ấp ủ bấy lâu. Bắt đầu là dự án trồng "Nấm và hoa", với phương châm "cầm tay chỉ việc", hầu như từ kỹ sư chuyên trách cho đến lãnh đạo của Trung tâm đều tham gia tích cực nhằm chuyển giao công nghệ mới cho nông dân  thông qua các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức, áp dụng công nghệ... Từ hiệu quả thiết thực của dự án mà chị đề xuất, năm 2010, lãnh đạo thành phố đã thành lập Trung tâm CNSH trên diện tích 5ha ở P. Hòa Thọ Tây (Q. Cẩm Lệ) để có điều kiện nghiên cứu những thành tựu CNSH tiên tiến để áp dụng, chuyển giao cho nông dân, phục vụ sản xuất.

Nói về nguồn gốc ý tưởng của dự án "Nấm và hoa", chị Hậu lý giải: "Nước ta là một nước sản xuất nông nghiệp, do vậy việc đưa công nghệ mới vào ứng dụng nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp cho nông dân để kiếm thêm thu nhập là một việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, Đà Nẵng với tốc độ phát triển nhanh và mạnh mẽ, quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp là một thực tế... Vì thế, với dự án "Nấm và hoa", chúng ta phần nào giải quyết được bài toán trên. Bởi, khi áp dụng công nghệ mới để trồng những loại nấm như nấm sò, nấm rơm, nấm linh chi, hoa lan, hoa cúc Nhật... thì người dân không cần phải tốn nhiều diện tích đất mà vẫn đảm bảo tính chủ động sản xuất quanh năm và đảm bảo tính hiệu quả kinh tế một cách đáng kể cho nông dân".

Cũng theo chị Hậu, thời gian đến, với những thành tựu về CNSH mới mà thế giới đã đạt được, lãnh đạo Sở sẽ chủ động phối hợp với các Trung tâm nghiên cứu lớn trong và ngoài nước, từ đó nắm bắt kiến thức, chủ động chuyển giao công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất cho nông dân, vừa tăng thu nhập, vừa giải quyết được công ăn việc làm cho những hộ nông dân trong bối cảnh đô thị hóa... Điều này phù hợp với chủ trương của thành phố nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp đô thị bền vững trong tương lai.

Hoàng Lịch