Núi sông Quảng Trị còn ghi tháng ngày...
Đoàn Triệu Hải lẫy lừng
Dịp 27-7 này, Cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 27 Mặt trận B5 Quảng Trị và thân nhân liệt sĩ từ nhiều tỉnh thành của cả nước lại về sum vầy cùng đồng đội đang yên nghỉ và hòa vào mảnh đất Quảng Trị anh hùng 50 năm qua. Từ “Khu tưởng niệm 81 liệt sĩ Đại đội 16, Trung đoàn 27” cạnh NTLS xã Triệu Long, CCB cùng người thân tiếp tục di chuyển ra Khu tưởng niệm và Đền thờ 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27 tại thôn Phương Ngạn để cùng với chính quyền và đơn vị phối hợp tổ chức Chương trình “Ngọn nến tri ân” lần thứ 2 (năm 2023). Trong không gian đầy những lắng đọng ấy, bao nhiêu hồi ức về năm tháng chiến đấu cứ như cuốn phim, vừa hào hùng, vừa thổn thức.
Để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, đầu năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thành lập Trung đoàn bộ binh 27. Đến cuối tháng 2-1968, Trung đoàn 27 nhận lệnh hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Tại đây, các địa danh như Cù Đinh, Ba De, Động Khe Sóc, Kiềng Cây Quýt, Sa Mưu, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đầu Mầu, Hồ Khê, Đá Bạc, Đường 9 - Khe Sanh, Bích La, An Lộng, Nại Cửu, Đâu Kênh, Cửa Việt…đã gắn liền với chiến công của Trung đoàn bằng hàng trăm trận đánh khốc liệt với quân thù. Từ năm 1968 đến đầu năm 1972, Trung đoàn 27 đã diệt và làm tan rã 2 vạn tên địch, bắt sống 940 tù binh; tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 20 tiểu đoàn, 31 đại đội, bắn rơi 79 máy bay, phá hủy 440 xe quân sự (nhiều xe tăng, bọc thép), 41 khẩu pháo và 2 dàn ra-đa, thu 800 súng các loại. Mở đầu cuộc tiến công chiến lược Xuân hè năm 1972, Trung đoàn 27 đánh địch trên hướng quan trọng của chiến dịch và đập tan “Hàng rào điện tử McNamara” ở Điểm cao 544, Đồi Tròn, Điểm cao 322, Điểm cao 288, mở toang cánh cửa phía Tây Bắc cho quân ta vào giải phóng Quảng Trị ngày 1-5-1972. Bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch, Trung đoàn 27 vu hồi xuống phía đông Quảng Trị, tiêu diệt địch ở Điểm cao 8, Gia Đẳng, Long Quang, Linh An, Cầu Nhi, hỗ trợ cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng nổi dậy đánh địch, giải phóng quê hương. Đồng thời chặn địch rút lui xuống hướng Đông ở bắc sông Mỹ Chánh và tiến công địch ở Phong Điền. Để đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 72” hòng tái chiếm Quảng Trị của chính quyền Sài Gòn, giữa tháng 6-1972, Bộ tư lệnh chiến dịch thành lập Mặt trận cánh Đông. Thời gian này, Trung đoàn lấy làng Đâu Kênh, xã Triệu Long làm nơi đặt sở chỉ huy để chỉ huy bộ đội chiến đấu, giành giật từng tấc đất, bảo vệ hướng Đông bắc Thành cổ Quảng Trị. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, Trung đoàn 27 đảm nhiệm hướng quan trọng, góp phần vào thắng lợi giải phóng miền Nam. Với những cống hiến, hy sinh to lớn và chiến công đặc biệt, Trung đoàn 27 đã được phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1972. Trung đoàn còn vinh dự được mang tên “Đoàn Triệu Hải” để ghi nhớ những năm tháng sát cánh cùng quân và dân 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng giải phóng quê hương.
Thăm đồng đội nơi Nghĩa trang không mộ
“Với 5 năm làm nhiệm vụ, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, gần 2.500 liệt sĩ của Trung đoàn 27 đã ngã xuống trên mảnh đất này. Và còn hơn 1.800 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt” - Thuợng tướng Nguyễn Huy Hiệu, AHLLVTND, nguyên Chỉ huy Trung đoàn rưng rưng cho biết. Đây cũng là niềm day dứt trong tâm can các CCB khi nhớ về đồng đội, trong đó có nhà báo – nhà thơ Nguyễn Văn Á.
Năm 2013, ông Á đã đề xuất xây dựng “Khu tưởng niệm 81 liệt sĩ Đại đội 16, Trung đoàn 27” bên cạnh NTLS xã Triệu Long. Công trình có Bia ghi danh 81 liệt sĩ, Bia chiến công Đại đội 16, Bia chiến công Trung đoàn 27… với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Từ năm 2015 - 2018, được sự động viên và giúp đỡ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, CCB Nguyễn Văn Á và Ban liên lạc CCB Đại đội 16, Trung đoàn 27 đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí xây dựng Khu tưởng niệm 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27 thành một Nghĩa trang không mộ; xây dựng Đền thờ 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27 bằng gỗ sến. Khu tưởng niệm có hai dãy Bia ghi danh liệt sĩ. Đặc biệt, tại đây có Bia Tổ quốc ghi công khắc tên của 50 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng của làng Phương Ngạn và của Trung đoàn 27, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1. Đền thờ có các gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27, nạn nhân chiến tranh tại thôn Phương Ngạn với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Công trình khánh thành đưa vào sử dụng đúng dịp tháng Bảy tri ân năm 2018.
Trong dịp xúc động này, nhiều người dân cũng đã đến dự chương trình “Ngọn nến tri ân” lần thứ 2 với nhiều tình cảm sâu sắc. Hội Truyền thống CCB Trung đoàn 27 cho biết, luôn xúc động trước tình cảm của bà con từ trước đến nay. Ngay cả quá trình xây dựng công trình Khu tưởng niệm đặc biệt trên cũng đã nhận được nhiều ủng hộ. Trong đó, các gia đình: bà Nguyễn Thị Muội, ông Nguyễn Lưu, ông Nguyễn Vương, ông Nguyễn Xuyên, ông Nguyễn Thanh Thảo (thôn Phương Ngạn) đã hiến đất xây dựng công trình giai đoạn 1. Và đã có thêm 6 gia đình hiến đất để triển khai “Dự án mở rộng Đền thờ 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27” giai đoạn 2 từ năm 2023 đến 2025. Tình cảm này, nhớ thương này cũng là tấm lòng của toàn thể người dân Quảng Trị hướng về những người con ưu tú đã xả thân vì độc lập, tự do, hòa bình của đất nước.
Đọc lại những dòng thơ CCB viếng đồng đội được khắc lên bia đá ở Khu tưởng niệm 81 liệt sĩ Đại đội 16, Trung đoàn 27: “Núi sông Quảng Trị còn ghi tháng ngày. Dòng sông nọ, ngọn núi này. Con xin ở lại lấy đây làm nhà…”, lòng lại rưng rưng. Xin nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, hôm qua, hôm nay và muôn đời sau, các anh luôn sống trong niềm tự hào của người dân Quảng Trị, trong nhớ thương và tri ân mãi mãi.
Bảo Hà