Núi Thành quê tôi!
Đây là nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của quân ta với giặc Mỹ vào đêm 25 rạng 26-5-1965. Đồi Núi Thành nằm ở thượng nguồn sông Bến Ván, cuối làng tôi với thôn Long Phú. Hồi còn trẻ trâu, tôi cùng đám bạn hay lên đỉnh núi đó. Lúc thì mùa sim, khi là mùa chà là, dủ dẻ cũng có đôi khi đi theo người lớn lấy củi. Sướng nhất là những buổi chiều, sau khi hả hê với sim, móc, chà là, chúng tôi bày trò chơi trận giả, đánh du kích, trốn tìm. Hôm nào cũng thế, cứ đùng đoàng hoài trên núi, đến khi mặt trời đụng đỉnh núi Răng Cưa mới sực nhớ chạy về kẻo cha mẹ trông.
Từ ngày rời quê lên thành phố học tập, rồi công tác đến mãi hôm nay tôi mới bước chân lên đồi để thăm lại “trận địa” năm xưa và đứng trên đồi lộng gió ngắm cảnh quê hương trong nắng chiều vàng.
Tuy rất hăm hở, nhưng không còn như trẻ nữa, mới leo lên được nửa đoạn đã thở hổn hển. Nhưng khi nhìn xuống cánh đồng làng Tịch Tây, thượng nguồn sông Bến Ván thấy quang cảnh đẹp quá, như bức tranh thủy mặc của một nghệ sĩ tài hoa nên tự dặn lòng: Phải đến được đỉnh cao của trận địa năm xưa, nơi biểu tượng ý chí, tinh thần đánh thắng giặc ngọai xâm của ông cha ta. Từ đó phóng tầm mắt ra bốn phương, tám hướng, thấy dáng quê hương hòa mình trong đất trời bao la. Kìa là Tượng đài Chiến thắng Núi Thành uy nghi cao vút lên trời xanh, mặt hướng ra biển Đông, kia là sân bay Chu Lai và Tượng đài di tích lịch sử thành lập Phủ ủy Tam Kỳ sừng sững bên bờ Biển Rạng.
Quay ra hướng Bắc gặp cầu An Tân như dải lụa bắt qua dòng nước xanh trong, nơi hợp lưu của con sông Trầu từ Tam Mỹ chảy xuống với con sông Đình Tịch Tây. Bên cây cầu là mảng xanh công viên, quảng trường dập dờn cỏ non, Tượng đài Liệt sĩ dáng hình lưỡi gươm vút lên trời cao xanh như lời thề quyết tử bảo vệ tổ quốc, non sông. Công viên, quảng trường Núi Thành vốn trước đây là bãi sông, là lưu vực của dòng An Tân bây giờ là “sông lấp” tạo nên một hình thể đẹp tuyệt như cô gái đương thì. Trong ánh nắng chiều tà, từ đỉnh Núi Thành nhìn về Trung tâm huyện, tôi thấy bóng người tập thể dục ung dung, nhẹ nhàng cất bước, dáng hình nam thanh nữ tú nắm tay nhau đi trên con đường mới thênh thang lộng gió. Kia nữa, khu công nghiệp Bắc Chu Lai được xem là trung tâm của Khu Kinh tế mở Chu Lai; Vịnh An Hòa, Khu Công nghiệp THACO CHULAI, Cầu vượt, Bến Cảng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương cao sừng sững, vừa uy nghi vừa hiền dịu đứng trong bóng chiều. Gần cuối tầm nhìn là con đường ven biển 129 được mang tên nhà Lãnh đạo cách mạng lỗi lạc Võ Chí Công, một người con trung hiếu của quê hương Núi Thành. Con đường được mệnh danh là con đường đẹp nhất Quảng Nam và cũng là một trong những con đường đẹp của miền Trung duyên hải. Bầu bạn song hành cùng tuyến đường là dòng Trường Giang chảy theo hướng Bắc - Nam một đầu là cửa Đại - Hội An, một đầu cửa An Hòa-Tam Hải. Đây có thể là con sông lạ kỳ của đất nước, không đầu, không đuôi, không thượng nguồn, một thời là con đường thịnh vượng của ghe bầu, ghe buôn dập dìu chiếc ra cửa Đại chiếc về Tam Quang, Tam Hải, ngược lên Bến Ván. Đêm đêm nghe tiếng hát, tiếng hò văng vẳng vang ra từ những con thuyền buôn đang lững lờ trên dòng sông hay dập dềnh bên bến. Giờ đây, thay vào đó là những con tàu công nghiệp vạn tấn ngày đêm ra vào cảng mang những chuyến hàng ra biển lớn đến muôn phương trao đổi, bán buôn làm giàu quê hương xứ sở. Dáng núi nhưng biết rướn mình ra biển lớn.
Rồi mai đây không xa, song song với tuyến đường Võ Chí Công là tuyến đường sắt nối liền cảng Hàng không Chu Lai với sân bay Đà Nẵng.
Mới đây thôi! Nếu lấy tuyến đường sắt xuyên Việt làm ranh giới thì nửa huyện phía dưới là những trảng cát bời bời, trắng phau phau chỉ có con nhông, ngọn lang bò trên mắt đất, còn nửa phía trên là “nắng bụi, mưa lầy” với những cánh đồng phập phù nước non, chờ những cơn mưa trời. Nhưng giờ đây Núi Thành đã “lột xác” thay áo mới. Chiếc áo vừa vặn xinh xinh, vững chắc. Những con đường thênh thang rộng mở dọc, ngang nối liền các vùng miền trong huyện và tỉnh thành lân cận. Thanh niên không còn ly hương vào Nam để tìm việc làm. Sáng sáng từng dòng người hối hả hướng về các nhà máy, công ty, xí nghiệp của hai khu công nghiệp: Bắc, Nam Chu Lai; chỉ cần dốc sức, chăm chỉ lao động là có của ăn, của để tích lũy làm giàu. Tất cả trẻ em đều đến trường và được học tập trong những ngôi trường thân thiện, hạnh phúc đạt chuẩn quốc gia. Người người đoàn kết thắm tình làng, nghĩa xóm.
Nơi nơi cất lên câu ca thanh bình, ấm no hạnh phúc và hướng về một tương lai xán lạn.
Lê Văn Huân