Nước cờ chiến thuật trong cáo trạng mới với ông Trump

Thứ năm, 29/08/2024 09:35

Ngày 27-8, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã đệ trình bản cáo trạng mới chống lại cựu Tổng thống Donald Trump về những nỗ lực của ông nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2020. Bản cáo trạng mới đã xuất hiện sự cắt giảm các vụ kiện mà lý do đằng sau có thể là một bước “rút lui chiến thuật”.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Văn phòng của công tố viên đặc biệt Jack Smith ngày 27-8 thông báo đã nộp lại cho tòa án liên bang ở Washington bản cáo trạng mới đối với ông Trump, trong vụ án "lật kèo bầu cử" tổng thống Mỹ năm 2020 và dẫn đến bạo loạn ở tòa nhà quốc hội Mỹ vào ngày 6-1-2021. Cáo trạng đã được đại bồi thẩm đoàn thông qua, với những thành viên lần đầu nghe công tố viên trình bày bằng chứng trong vụ án. Hồ sơ được nộp 3 ngày trước hạn chót của thẩm phán Tanya Chutkan dành cho ông Smith để trình bày hướng giải quyết mới cho vụ án, sau khi Tòa án Tối cao Mỹ vào tháng 7 cho rằng cựu tổng thống Mỹ được hưởng quyền miễn trừ với hành động công vụ khi đương chức.

Tài liệu mới dài 36 trang, so với cáo trạng cũ dài 45 trang. Thay đổi đầu tiên là nhân vật “đồng phạm thứ 4” từng được nhắc đến gần 30 lần trong cáo trạng ban đầu không còn nữa. Qua điều tra, CNN cho rằng đồng phạm này là Jeffrey Clark - người được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Tư pháp, ủng hộ ông Trump dùng quyền hành pháp tác động kết quả bầu cử. Nhưng thay đổi rõ ràng nhất là cáo trạng mới xóa bỏ toàn bộ nội dung về nỗ lực lợi dụng Bộ Tư pháp Mỹ làm “vũ khí” giúp ông Trump bám trụ quyền lực.

Bản cáo trạng mới giữ nguyên 4 tội danh đối với ông Trump, giữ nguyên kết luận cốt lõi rằng ông Trump đã thất cử vào năm 2020 nhưng "quyết bám trụ quyền lực" và có hành động nhằm thay đổi kết quả bầu cử. Tuy nhiên, cáo trạng thu hẹp nội dung các cáo buộc để phù hợp với phán quyết của Tòa án Tối cao hồi tháng 7. Công tố viên đặc biệt Smith đã xóa một số phần của bản cáo trạng ban đầu có khả năng được coi là "hành vi chính thức" và chỉ buộc tội ông Trump về những nỗ lực bị cáo buộc nhằm "gây sức ép với các quan chức tiểu bang và địa phương" và "nộp danh sách cử tri gian dối".

Nguyên nhân là do phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ về quyền miễn trừ của tổng thống. Cụ thể là vào ngày 1-7 vừa qua, Toà án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết với tỷ lệ 6 phiếu thuận, ba phiếu chống rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được hưởng quyền miễn trừ với các hành động công vụ, trong khi các hành động mà ông thực hiện với tư cách cá nhân không được hưởng miễn trừ. Đây là lần đầu tiên hình thức miễn trừ truy tố dành cho tổng thống Mỹ được áp dụng và khi đó.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích pháp lý của CNN, Elie Honig, công tố viên đặc biệt Smith đã đưa ra một “quyết định mang tính chiến thuật”, không tiếp tục đấu tranh giữ lại những gì mà Toà án Tối cao Mỹ đã loại trừ và chuyển sang “tập trung vào áp lực mà Donald Trump gây ra cho các quan chức cấp tiểu bang và địa phương cũng như âm mưu bầu cử giả mạo cử tri”. Chuyên gia Honig nói: "Tôi nghĩ Jack Smith đã đưa ra quyết định trên là xét đến phán quyết miễn trừ (trong phán quyết ngày 1-7-2024) của Tòa án Tối cao Mỹ” vì Jack Smith không muốn tốn thời gian và nguồn lực để đấu tranh cho việc đưa các phần khác vào trong vụ án.

Vì vậy, theo chuyên gia Honig, những gì công tố viên Smith đã làm là rút lui về vùng đất an toàn nhất đối với phần mà ông Trump có thể không được miễn trừ. Bởi phán quyết của Toà án Tối cáo Mỹ nói rằng “rất có thể tổng thống không có nhiệm vụ tương tác và gây áp lực với các quan chức cấp tiểu bang và địa phương". Chuyên gia Honig nói thêm rằng nhóm luật sư của ông Trump có khả năng sẽ kháng cáo bản cáo trạng mới và lập luận rằng phần còn lại của vụ án thuộc quyền miễn trừ.

Phản ứng lại vụ việc, trong một tuyên bố trên nền tảng truyền thông xã hội Truth vào ngày 27-8, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng bản cáo trạng mới mà công tố việc đặc biệt Jack Smith đưa ra là bản cáo trạng vô lý chống lại ông trong nỗ lực hồi sinh “Cuộc săn phù thủy đã chết ở Washington” và cần phải bị bác bỏ ngay lập tức.

AN BÌNH