Nước mặn đã xâm nhập vào vùng hạ du sông Vĩnh Điện

Thứ ba, 03/03/2015 11:08

(Cadn.com.vn) - QUẢNG NAM- Ngày 2-3, ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi H. Điện Bàn cho biết, hiện nước mặn đã xâm nhập vào vùng hạ du sông Vĩnh Điện. Tại trạm bơm Tứ Câu (xã Điện Ngọc), nước mặn đã xuất hiện từ ngày 23-1 với nồng độ mặn trung bình từ 3 – 3,5 ‰.

“Để ứng phó với tình trạng nước mặn xâm nhập vào đất liền khá sớm, những ngày qua đơn vị liên tục cử cán bộ trạm bơm theo dõi để bơm nước lách triều vào đồng ruộng. Khi mặn xuất hiện thì ngay lập tức ngừng vận hành máy bơm để không gây ảnh hưởng đến cây lúa”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, dự báo năm nay, tình trạng hạn hán và nước mặn xâm thực sẽ diễn ra khốc liệt và kéo dài từ tháng 1 đến tháng 8. Đặc biệt từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4 là thời điểm quyết định năng suất cây lúa, vì đây là giai đoạn trổ đòng, cho nên cán bộ thủy lợi phải trực suốt 24/24 để kiểm tra nồng độ mặn trong nước.

Tuyến đập chống nhiễm mặn được xây dựng trên sông Vĩnh Điện.

Để chủ động chống nhiễm mặn, ngày 28-2, Sở NN&PTNT tỉnh đã phối hợp với UBND H. Điện Bàn khởi công xây dựng tuyến đập trên sông Vĩnh Điện với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 1,2 tỷ đồng. Tuyến đập có chiều dài 95m, chiều cao 5-7m, bề rộng mặt đập 3m. Sau khi hoàn thành, tuyến đập này sẽ đảm bảo nhu cầu tưới tiêu cho khoảng 2.000ha lúa tại các địa phương như Điện Bàn, Hội An và Q. Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng).

Trong một diễn biến liên quan, tại Hội nghị bàn giải pháp chăm sóc lúa Đông Xuân 2014-2015 trong điều kiện thời tiết ấm tổ chức ngày 2-3 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Trần Xuân Định, cho biết: Tình hình chung trong những tháng vừa qua của mùa Đông-Xuân năm 2014-2015, nền nhiệt độ ở khu vực các tỉnh miền Bắc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5-1,5 độ C.

Trong những tháng tiếp theo của mùa Đông-Xuân năm 2014-2015 ở các tỉnh miền Bắc, nền nhiệt độ tiếp tục còn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, mưa có xu hướng xuất hiện chưa nhiều nên vẫn còn khả năng khô hạn và thiếu nước cục bộ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Một số diện tích lúa đang bắt đầu đẻ nhánh có nguy cơ bị thiếu nước làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và khả năng đẻ nhánh của lúa. Đặc biệt, sâu bệnh sẽ có những diễn biến phức tạp do nền nhiệt cao, qua đông ngắn, nguồn thức ăn phong phú và sâu có vòng đời nhanh.

Do đó, các địa phương cần rà soát lại lượng nước tích trữ ở các ao, hồ, kênh, mương... nhằm đảm bảo đủ nước tưới dưỡng cho lúa để lúa sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt đối với những diện tích đã gieo cấy trước thời điểm Lập Xuân (4-2).

B.B