Ở tiệm bánh hạnh phúc có những trái tim yêu thương

Thứ bảy, 26/02/2022 18:53

Ở Đà Nẵng có một tiệm bánh đặc biệt của những người khuyết tật mang tên Happy heart. Một nơi ấm áp, hạnh phúc mà rất nhiều du khách nước ngoài muốn tìm tới để thưởng thức và trải nghiệm. 

Chị Thảo và những nhân viên khiếm thính trong tiệm bánh hạnh phúc của mình.

Chủ nhân của Happy heart ở 57 Ngô Thì Sỹ, quận Ngũ Hành Sơn là chị Hồ Phương Thảo, 42 tuổi, một phụ nữ khuyết tật đôi chân từ nhỏ. Tuy nhiên, chị Thảo có nghị lực và tinh thần lạc quan rất lớn. Những người đối diện trò chuyện cùng chị đều dễ dàng cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực lan tỏa từ chị.  Chị Thảo kể mình sinh ra trong gia đình làm nông khó khăn ở Đại Lộc, tới 6 tuổi thì bị khuyết tật đôi chân sau một cơn sốt của bệnh thoái vị màng não. Chị chỉ được đến trường 1 ngày để biết cảm giác đi học với bạn bè, còn lại phần lớn thời gian là đến bệnh viện hoặc ở góc nhà. Cha chị là người dạy chị biết đọc, biết viết. Phần lớn thời gian trên giường bệnh là chị ngấu nghiến đọc sách nhờ vậy mà dẫu không được đi học chị cũng có được kiến thức cho mình. 

Lớn lên, nhờ sự giúp đỡ và giới thiệu, chị quyết tâm rời quê ra Đà Nẵng kiếm sống. Nỗ lực không ngừng nghỉ chị đã tự học tiếng Anh và ngôn ngữ ký hiệu để có thể làm việc tại 1 tiệm bánh của 2 người nước ngoài tốt bụng, nơi mà nhân viên cũng chủ yếu là người khiếm thính. "Mình đi đứng khó khăn, lại không biết tiếng Anh, được nhận vào làm mừng đấy, song đặt quyết tâm phải cố gắng, người thường cố gắng một, mình cố gắng mười để chủ nhà hàng thấy mình không bị giới hạn"- chị Thảo chia sẻ. Không dừng ở việc học tiếng Anh, chị Thảo còn tự học tin học kỹ năng quản lý nhà hàng. Nhờ nỗ lực, quyết tâm, chị Thảo tiến bộ rất nhanh, sau đó được chủ tiệm bánh đưa lên vị trí quản lý. 

Tiệm bánh hoạt động vài năm thì chủ nhân lớn tuổi về nước, phải đóng cửa. Không muốn những người bạn khiếm thính bơ vơ, chị Thảo đã phối hợp với 1 người nước ngoài khác lập tiếp 1 tiệm bánh và cà-phê. Thời gian sau người này cũng không thể duy trì và chị quyết định tự làm 1 mình. Tiệm bánh và cà-phê Happy Heart mà chị gầy dựng hiện tại được nhiều người gọi tên là Tiệm bánh Hạnh phúc, nơi mà người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn được làm việc, vui sống. 

Nguyễn Anh Vũ (quê ở Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng) bị khiếm thính từ nhỏ hiện đang làm nhân viên của Happy heart chi sẻ, lúc nhỏ ở quê gia đình, bạn bè không ai hiểu ngôn ngữ của mình, luôn thấy lạc lõng. Nhưng từ khi làm việc tại đây, được động viên, hỗ trợ của chị Thảo cũng như các bạn khiếm thính, Vũ luôn cảm nhận được sự ấm áp, niềm hạnh phúc trong công việc. Nhờ sự tận tình của chị Thảo, Vũ được bày học công thức làm bánh, học kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài… Những lần trở về thăm quê sau đó, Vũ có thể giao tiếp với gia đình bằng cách viết và đọc, khiến ba mẹ Vũ rất vui mừng. Với Vũ, Happy heart đúng là tiệm bánh hạnh phúc, ấm áp và vui vẻ. 

Nghị lực, niềm tin, luôn lan tỏa năng lượng tích cực là điều dễ cảm nhận về chị Hồ Phương Thảo.

Chị Hồ Phương Thảo kể, mình là người khuyết tật từ nhỏ nên hiểu được những khó khăn khi gia đình phải chăm sóc một người khuyết tật. Vì vậy chị đã quyết tâm tự lập để không làm gánh nặng cho gia đình. Trong thâm tâm chị luôn nghĩ và cố gắng không chỉ vì bản thân mà còn vì những người khuyết tật khác, nếu cho họ một cơ hội, họ sẽ vượt lên, có thể làm được như bao người khác. Happy heart ra đời từ suy nghĩ đó và chị luôn nỗ lực duy trì dù trải qua nhiều thử thách. Theo chị Thảo, một trong những khó khăn là việc dạy nghề cho các bạn câm điếc, vì các bạn không có đầy đủ các giác quan, có những công thức làm bánh phải dạy đi dạy lại hàng chục lần để các bạn nhớ. Dịch bệnh khó khăn cho các nhà hàng nói chung, nhưng với Happy heart còn khó hơn vì các em không thể ra ngoài xin việc làm tạm thời. Nếu nhà hàng đóng cửa 1 tháng thì các em quên hết các công thức, dù đã làm 10 năm. Cho nên dù không có khách, nhà hàng vẫn mở cửa, duy trì hoạt động, thao tác để các em không bị quên.

Ở Happy heart khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Họ có thể đi ăn nhiều nơi, nhưng họ đến đây để vừa được ăn ngon lại vừa làm một việc tốt hỗ trợ những người khuyết tật, do vậy họ có sự kiên nhẫn. Tuy nhiên dịch bệnh phức tạp, khách nước ngoài về nước nhiều, nhà hàng gặp khó khăn về nguồn thu. Mặc dù vậy, như chia sẻ của chị Thảo, động lực để chị cố gắng chính là các bạn nhân viên khuyết tật. Vì các bạn ấy là đối tượng mà chị hướng đến từ nhỏ, là ước mơ của chị, nên dù khó khăn cũng phải bước đi, không để ước mơ ấy bị cắt đứt.

HẢI QUỲNH