Ông Biden, Brexit và CPTPP
Sau khi có thông tin ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử Tổng thống Mỹ, một số đài báo Anh ghi nhận tại làng Ballina, quận Mayo, vùng biển phía tây đảo Ireland, thân nhân của ông Biden và dân làng đã làm lễ ăn mừng. Kênh SkyNews tại Anh nói, nhà ông Joe Blewiit, họ hàng xa của ông Joe Biden, đã chúc mừng tổng thống tân cử của Mỹ.
Cụ tổ ông Biden là Edward Blewitt từ làng này ra đi và đến Mỹ vào giữa thế kỷ XIX. Năm 2016, ông Biden có về làng Ballina thăm họ hàng và hồi 2017, ông Blewitt được mời tới Nhà Trắng. Trong sổ lưu niệm ở làng còn dòng chữ ông Biden viết “Trái tim tôi thuộc về vùng Tây Bắc Pennsylvania, nhưng tâm hồn luôn ở đây, với Ireland”. Vì vậy, chính giới Anh bị cho là đang lo ngại, thái độ của ông Biden ủng hộ rõ rệt cho nước Cộng hòa Ireland và EU, bên đối điện với Anh của đàm phán Brexit trong vấn đề biên giới Anh-Ireland, có thể gây khó khăn cho London.
Theo Financial Times, quan hệ riêng giữa hai ông Joe Biden và Boris Johnson là “không có gì”, vì hai người chưa bao giờ gặp mặt. Chưa kể ông Biden từng bình luận rất tệ về Thủ tướng Anh, gọi ông Johnson là “bản sao cả về hình dạng và tình cảm của Trump”. Ông Biden không chỉ trực tiếp có liên hệ với Ireland, quê hương của tổ tiên ông, mà còn nói thẳng rằng, ông muốn Thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành phải được đảm bảo.
Nhìn chung, các báo Anh cho là chính phủ của Thủ tướng Johnson sẽ phải rất cố gắng để “hàn gắn” với đảng Dân chủ Mỹ, nhất là vì ông Johnson, khi còn là nhà báo, đã gọi Tổng thống Barack Obama lúc đó là “người một phần là Kenya vốn căm ghét sẵn đế quốc Anh”. Một số báo Ireland còn nói nếu cần, chính phủ Ireland sẽ mời ông Biden đến thăm vùng biên giới với Bắc Ireland thuộc Anh để chuyển tải thông điệp cứng rắn cho London. Nhưng điều có thể khiến London phải chọn một phương án Brexit mềm mỏng hơn với EU còn phụ thuộc vào chuyện tân chính phủ Mỹ muốn gì từ đàm phán thương mại với London, dự kiến xảy ra sau khi Anh rời EU từ tháng 1- 2021. Một thỏa thuận với Mỹ trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào thỏa thuận tương tự Anh -EU... mà hiện còn một số vấn đề chưa giải quyết xong.
Dù hai bên Anh và EU cho biết đều cố gắng đạt thỏa thuận vào giữa tháng 11 này, giới chuyên gia tỏ ý nghi ngờ tính khả thi của đàm phán “tăng tốc” giữa hai bên. Bác bỏ các nghi ngại này, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab nói rằng, London coi Washington là “đồng minh quan trọng nhất” và sẵn sàng làm việc với chính phủ mới tại Mỹ vì quyền lợi chung. Theo BBC, bức tranh chung không quá tệ nhưng cũng không dễ dàng cho Anh và khả năng cùng vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là một “lối thoát” nếu đàm phán Brexit bế tắc. Mỹ đánh giá cao quan hệ với Anh, cả về an ninh và địa chính trị. Theo các chuyên gia, Brussels và Nhà Trắng thời ông Biden sẽ làm việc với London trên trường quốc tế nhằm kiềm tỏa Trung Quốc và Nga và chống biến đổi khí hậu.
Nhưng để Anh và Mỹ cùng tham gia CPTPP, vốn hiện có Canada và các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, đó cũng không phải là điều dễ dàng ngay trước mắt.
T.V