"Ông đồ" cho chữ ngày Tết

Thứ ba, 24/02/2015 11:34

(Cadn.com.vn) - Với niềm đam mê vẻ đẹp chữ Việt, chàng sinh viên Đào Xuân Đức đã đưa đường chữ thư pháp Việt vào xuân và làm cho nó lan tỏa trong giới trẻ, là nét đẹp văn hóa điểm xuyết trong bức tranh toàn cảnh Tết ở miền quê lúa Yên Thành (Nghệ An). Công việc này cũng giúp Đức kiếm được bạc triệu để phục vụ cho việc học hành sau Tết.

Trong những ngày đầu xuân Ất Mùi, hình ảnh một "ông đồ" trẻ mặc áo dài, khăn đóng ngồi viết thư pháp bên lề đường Tỉnh lộ 538 (thuộc khối 1 thị trấn huyện Yên Thành, Nghệ An), trở thành một hình ảnh đẹp thu hút sự chú ý của đông đảo người đi du xuân dừng lại xem và xin chữ. Ở đây, các loại thư pháp được viết, vẽ bằng chữ Việt, chữ Hán trên các loại giấy, khung vải nhiều màu sắc, kích cỡ, giá  từ 50.000 đến 100.000 đồng/chiếc. 

"Ông đồ" trẻ cũng sưu tầm rất nhiều chữ có ý nghĩa về ngày Tết, về hiếu nghĩa với tổ tiên, cha mẹ, về cuộc sống... để khách hàng tha hồ lựa chọn. Sau khi khách chọn nội dung, "ông đồ"  ngồi vào chiếc bàn nhỏ đặt trên vỉa hè, chỉ vài ba phút, bàn tay uyển chuyển đã kiến tạo nên từng con chữ như phượng múa rồng bay khiến người thưởng ngoạn thích thú.

"Ông đồ" Đào Xuân Đức cho chữ cho khách.

"Ông đồ trẻ" Đào Xuân Đức sinh năm 1992, ở khối 1 thị trấn Yên Thành, hiện là sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, là thành viên Câu lạc bộ thư pháp trẻ Đà Nẵng, được đánh giá là nét bút đẹp và có thần. Đức tâm sự: "Em đam mê hội họa từ nhỏ và viết chữ khá đẹp, nhưng bén duyên với nghệ thuật thư pháp từ khi bước chân vào giảng đường đại học. Chính môi trường này em đã có dịp học hỏi và tập luyện để có thể tự mình viết thư pháp. Anh Mai Bá Phúc-một thư pháp gia nổi tiếng ở Đà Nẵng là thầy dạy cho em những nét thư pháp đầu tiên". Đức cũng khoe từng được thầy dạy thư pháp Hoa Nghiêm-một trong những người trẻ viết thư pháp nổi tiếng ở Việt Nam truyền thụ kinh nghiệm viết thư pháp. Tuy nhiên để đạt đến độ nét bút có thần thái, cốt cách, Đức đã miệt mài ngày đêm để luyện chữ và lên mạng Internet tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp Việt, Trung Quốc...

Theo Đức, cái khó của thư pháp quốc ngữ là tác phẩm thường kèm thơ chứ không chỉ có 1-2 con chữ chính. Điều này đòi hỏi người viết phải có vốn từ, kiến thức văn hóa, thi ca phong phú. "Để viết được thư pháp đẹp, người viết cần phải viết bằng cả tâm- ý- trí- lực.  Bởi thư pháp không chỉ rèn tay mà còn rèn cả tâm nữa. Em chủ yếu viết thư pháp bằng chữ Việt, bởi đây là chữ viết của dân tộc, dễ hiểu, dễ cảm, dễ nhớ và gần gũi với mọi người"-Đức nói.

Đức phấn khởi cho biết: "Năm nay về quê nghỉ Tết, em có ý định sẽ tái hiện hình ảnh "ông đồ" nhằm điểm xuyết thêm nét đẹp văn hóa Tết cho quê hương mình, không mang nặng hình thức kinh doanh, nhưng không ngờ, người đến mua và đặt chữ rất đông, số giấy mà em mua về đã được khách mua hết vèo trong 2 ngày đầu tiên, em phải mượn thêm tiền nhờ bạn  mua các loại giấy viết thư pháp  gửi về để phục vụ bà con".

Người đến mua, đặt chữ  phần đông là giới trẻ. Nguyễn Thành-học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đăng Lưu cho biết: "Em cứ ngỡ hình ảnh ông đồ chỉ còn lại trong thơ của Vũ Đình Liên nhưng thật bất ngờ, anh Đức đã làm được "ông đồ" trên chính quê nhà. Em và các bạn rất  thích xem và xin chữ về treo trong những ngày đầu năm mới gửi gắm ước mơ học hành đỗ đạt". Ông Phan Bình-một nhà giáo về hưu nói: "Nét thư pháp Việt của cháu Đức vừa mềm mại, uyển chuyển phóng túng nhưng đầy cốt cách. Tôi cũng rất mãn nguyện khi xin chữ của ông đồ trẻ này về treo Tết".

Tiến Dũng