Ông Kim Jong-un và “chuyến tàu hòa bình” đến Việt Nam
Chuyến tàu chở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rời nhà ga Bình Nhưỡng vào chiều 23-2. Tháp tùng ông Kim Jong-un trong chuyến đi này có nhiều quan chức cấp cao, gồm em gái của ông, bà Kim Yo-jong và cố vấn hàng đầu Kim Yong-chol.
Truyền thông Triều Tiên hôm 24-2 đã lần đầu đưa tin về thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Trong đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến Việt Nam bằng tàu hỏa đặc biệt, để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này.
Cũng theo KCNA, ông Kim Jong-un sẽ có chuyến thăm hữu nghị chính thức tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫy chào người dân khi ông bắt đầu khởi hành từ ga Bình Nhưỡng để đến Hà Nội. Ảnh: Reuters |
Hành trình kéo dài 60 giờ
Cố Chủ tịch Kim Jong-il và nhà sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành đều luôn chọn tàu hỏa cho các cuộc hành trình dài từ Bình Nhưỡng đến các nước công du. Và lần này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng vậy.
Việc ông Kim Jong-un rời khỏi nhà ga Bình Nhưỡng để đến Hà Nội đã được hãng thông tấn KCNA xác nhận, và những bức ảnh chính thức cho thấy ông vẫy tay chào người dân trước khi bước vào con tàu màu xanh, với cuộc hành trình kéo dài 60 giờ đến Việt Nam. Theo nguồn tin, đoàn tàu khởi hành vào khoảng 17 giờ ngày 23-2 (giờ địa phương). Đoàn tàu đi qua thành phố biên giới Đan Đông, Trung Quốc vào cuối ngày 23-2, theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc và hãng tin NK News. Tuy nhiên, thông tin tuyến đường đi lần này vẫn là một bí mật.
An ninh được thắt chặt trước khi tàu đến Đan Đông, với cảnh sát khoanh vùng khu vực cầu biên giới bằng hàng rào băng và kim loại, một nhà báo AFP cho biết. Một khách sạn đối diện cây cầu đã đóng cửa. “Tàu khá dài và qua cầu chậm hơn tàu du lịch, nhưng chắc chắn là tàu chở ông Kim Jong-un, có rất nhiều cảnh sát”, một nguồn tin giấu tên nói với NK News. Tàu thường mất 13 giờ để đến Bắc Kinh, nhưng không có dấu hiệu tăng cường an ninh xung quanh nhà ga, động thái cho thấy tàu có khả năng đi qua thành phố này trên hành trình gần 4.000 km đến Việt Nam.
Gấp rút công tác chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 Ngày 24-2, một nhóm các quan chức Triều Tiên tiếp tục công tác chuẩn bị cho vấn đề hậu cần và lịch trình của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Nhóm công tác Triều Tiên do ông Kim Chang-son, quan chức thuộc Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, dẫn đầu được nhìn thấy rời khỏi Nhà khách Chính phủ vào khoảng 10 giờ sáng nay để tới trung tâm hội nghị và kinh doanh tại Khách sạn Sofitel Legend Metropole ở thủ đô Hà Nội, nơi nhiều khả năng Chủ tịch Kim Jong-un lưu lại trong thời gian thăm Việt Nam. Tháp tùng ông Kim Chang-son có ông Pak Chol, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Châu Á - Thái Bình Dương của Triều Tiên. Hoạt động của nhóm công tác này cho thấy công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đang được hoàn tất. T.L |
Đoàn tháp tùng hùng hậu
Tháp tùng ông Kim Jong-un trong chuyến đi này có nhiều quan chức cấp cao, trong đó có em gái của ông, bà Kim Yo-jong và cố vấn hàng đầu Kim Yong-chol. Theo Yonhap, các quan chức cấp cao tháp tùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm Việt Nam và dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 không khác so với lần thứ nhất diễn ra tại Singapore vào tháng 6-2018.
Ngoài hai nhân vật thân tín trên, còn có 4 phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, trong đó đáng chú ý là cái tên O Su Rong, phó Chủ tịch phụ trách vấn đề kinh tế. Các gương mặt như Phó Chủ tịch Ban chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên như Kim Yong-chol, Ri Su-yong, Ngoại trưởng Ri Yong-ho, Bộ trưởng Quốc phòng Noh Kwang-chol, Phó Chủ tịch thứ nhất Ban tuyên truyền thống nhất Kim Yo-jong, đều là những nhân vật quan trọng. Tuy nhiên, KCNA không nhắc đến phu nhân của ông Kim Jong-un, bà Ri Sol-ju có nằm trong danh sách đoàn tháp tùng hay không. Các hình ảnh tại nhà ga Bình Nhưỡng cũng không có sự hiện diện của phu nhân.
Mỹ đã tham vấn Nga để chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh
Ngày 24-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, các quan chức Mỹ tham vấn Nga về công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Việt Nam VTV, Đài truyền hình Trung Quốc CCTV và kênh truyền hình Phượng Hoàng của Trung Quốc, ông Lavrov nêu rõ: “Tôi sẽ không giữ bí mật: Giới chức Mỹ phụ trách công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đang tham vấn chúng tôi. Chúng tôi cũng duy trì kênh tiếp xúc lâu dài với phía Triều Tiên”. Quan chức ngoại giao hàng đầu của Nga này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biến các thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên ở Singapore thành hành động, với khung thời gian và trách nhiệm cụ thể. Cũng theo ông Lavrov, các thỏa thuận cuối cùng cần được ký kết trong khuôn khổ đa phương, bởi các vấn đề của Đông Bắc Á đều cần tương xứng với các thỏa thuận có sự tham gia của toàn bộ các bên liên quan, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.
Trả lời câu hỏi lý do vì sao Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, Việt Nam là nước có trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của nước này. Ông khẳng định: “Việt Nam là nước cởi mở hợp tác, không bao giờ lãng quên bạn bè và không tìm kiếm sự đối đầu với bất kỳ ai”.
KHẢ ANH