Ông Netanyahu với nhiệm vụ thành lập chính phủ

Thứ ba, 15/11/2022 06:33
Ông Benjamin Netanyahu đã được Tổng thống Israel Isaac Herzog chỉ định đứng ra đàm phán với các đảng chính trị khác để thành lập chính phủ, dựa trên kết quả bầu cử ngày 1-11 vừa qua.
Tổng thống Israel Isaac Herzog (phải) chỉ định ông Benjamin Netanyahu thành lập Chính phủ, tại Jerusalem, ngày 13-11. Ảnh: AP
Tổng thống Israel Isaac Herzog (phải) chỉ định ông Benjamin Netanyahu thành lập Chính phủ, tại Jerusalem, ngày 13-11. Ảnh: AP

Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng thống Isaac Herzog kết thúc cuộc tham vấn với các đảng chính trị hôm 11-11. Phát biểu tại một buổi lễ chính thức tại Jerusalem ngày 13-11, Tổng thống Isaac Herzog nêu rõ các buổi làm việc với lãnh đạo các chính đảng “đã cho thấy một kết quả rõ ràng và nhiệm vụ thành lập chính phủ mới cần phải được trao cho ông Netanyahu”.

Trước đó, kết quả bầu cử hôm 1-11 đã mang lại cho phe cánh hữu của ông Netanyahu tổng cộng 64/120 ghế trong quốc hội, trong khi liên minh của Thủ tướng Yair Lapid chỉ đạt được 51 ghế. Sự chênh lệch này giúp ông Netanyahu tự tin sẽ được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ mới. Chiến thắng này đánh dấu sự trở lại đầy bất ngờ của cựu Thủ tướng Netanyahu, đồng thời mở ra một chính phủ mới đậm chất cánh hữu, có thể tác động tới các chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước Do Thái.

Nhiệm vụ trước mắt

Theo quy định, ông Netanyahu sẽ có 28 ngày để đàm phán với các đảng khác thành lập chính phủ. Tổng thống cũng có quyền quyết định cho ông Netanyahu gia hạn thêm 14 ngày sau đó nếu chưa thành lập được chính phủ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo chính phủ liên minh lần này sẽ được thành lập rất nhanh. Không giống như chính phủ liên minh trước, bao gồm 8 đảng thành viên có sự khác biệt lớn về đường lối và chương trình nghị sự, liên minh cánh hữu lần này chỉ gồm 4 thành phần và khá đồng nhất. Nếu các cuộc đàm phán phân chia các vị trí trong nội các và bộ máy chính quyền kết thúc sớm, chính phủ mới có thể sẽ tuyên thệ nhậm chức trong chưa tới 1 tháng.

Là một chính trị gia lão luyện, dù đang đối mặt với một số cáo buộc hình sự, ông Netanyahu đã khôn khéo tranh thủ sự sơ hở của phe cánh tả và chấp nhận bắt tay với hai đảng cực hữu để trở lại nắm quyền. Với một chính phủ bao gồm các thành phần cực hữu, thách thức trước mắt của ông Netanyahu là làm cách nào để giữ được sự cân bằng cho một nhà nước đồng thời mang hai bản sắc vừa thống nhất vừa đối lập: Israel - Do Thái.

Ngay sau khi được Tổng thống Israel Isaac Herzog giao nhiệm vụ đứng ra thành lập chính phủ mới, ông Netanyahu tuyên bố sẽ để ngỏ khả năng dàn xếp với các đảng phái nhằm thúc đẩy đoàn kết nội bộ và hành động vì quyền lợi của tất cả mọi công dân. Trước đó, trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Netanyahu đã cam kết đảm bảo nền dân chủ của Israel, tôn trọng quyền cá nhân của mọi công dân và sẽ là một thủ tướng đại diện cho tất cả nhân dân Israel, dù họ đã bỏ phiếu cho ông hay không. Ông kêu gọi các phe phái và người dân gác lại khác biệt để chung sống cùng nhau trong đất nước Israel.

Trước mắt, ông Netanyahu đang tìm cách hoàn tất các cuộc đàm phán liên minh để thành lập chính phủ. Các vấn đề tranh cãi nhất bao gồm một số ghế bộ trưởng, thời hạn thông qua ngân sách chính phủ, hủy bỏ một số chính sách tôn giáo của chính phủ tiền nhiệm. Một số nguồn tin nhận định, các vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, An ninh, Tư pháp nếu thuộc về các đảng cực hữu có thể dẫn đến nhiều thay đổi về chính sách.

Ông Netanyahu đang tìm cách hoàn tất các cuộc đàm phán liên minh để thành lập chính phủ. Ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới sẽ là chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị, nhưng sẽ phải đối mặt với những thách thức về chia rẽ của chính người dân Israel liên quan tới mối quan hệ với người Palestine, hồ sơ hạt nhân Iran và bình thường hóa với các nước Arab, Hồi giáo, cũng như về tham vọng khí đốt.

Ông Netanyahu được cho là sẽ áp dụng các chính sách cứng rắn chống lại Palestine đồng thời thực hiện lời hứa tranh cử là tiếp tục quá trình bình thường hóa với các nước Arab, Hồi giáo, tiếp tục chống lại chương trình hạt nhân của Iran, xem xét lại thỏa thuận phân định biên giới trên biển với Lebanon. Dưới thời ông Netanyahu, cơ hội hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ là rất mong manh.

AN BÌNH