Pakistan có thể mong đợi gì từ “chính quyền ông Biden”?

Thứ hai, 07/12/2020 16:05

Mặc dù có khả năng Pakistan sẽ nhận được một số cứu trợ từ Mỹ vào đầu năm tới, nhưng chính sách của Washington đối với Islamabad sẽ được định hình bởi mối quan hệ của họ với Trung Quốc và Ấn Độ.

Pakistan rất mong đợi việc chính quyền tương lai của Tổng thống đắc cử Biden nối lại các khoản cứu trợ đã bị dừng hồi năm 2018. Ảnh: Diplomat

Khi lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20-1 đến gần, Islamabad đang có rất nhiều suy đoán về những gì họ có thể mong đợi từ chính quyền sắp tới ở Washington. Dưới đây là một số vấn đề dự kiến sẽ chi phối các cuộc thảo luận giữa Islamabad và Washington dưới thời tổng thống Biden.

Pakistan có thể rất mong đợi việc Mỹ nối lại các khoản cứu trợ mà Tổng thống Donald Trump đã dừng vào năm 2018 do Islamabad không thực hiện hành động chống lại các nhóm chiến binh. Ông Trump cáo buộc Pakistan cung cấp “không có gì ngoài sự dối trá và lừa dối” khi ông hủy bỏ Quỹ Hỗ trợ Liên minh quan trọng cho Islamabad. Việc hủy bỏ khoản viện trợ đã khiến Pakistan mất hàng tỷ đô la viện trợ quân sự và dân sự trong 2 năm qua - một điều đã khiến Islamabad gặp khó khăn vào thời điểm khủng hoảng tài chính. Chính quyền Biden có thể sẽ nối lại một phần viện trợ để thưởng cho Pakistan vì sự hỗ trợ của nước này ở Afghanistan và đây cũng là một nỗ lực duy trì hoạt động ngoại giao.

Pakistan cũng có thể mong đợi sẽ có nhiều hoạt động, phối hợp và tăng cường hợp tác trong các chương trình huấn luyện quân sự dưới thời Tổng thống Biden. Ông Trump đã đình chỉ sự tham gia của Pakistan trong Chương trình Đào tạo và Giáo dục Quân sự Quốc tế (IMET) trong hơn một năm qua. IMET cho phép các sĩ quan quân đội nước ngoài đào tạo tại các cơ sở giáo dục quân sự của Mỹ. Việc chấm dứt chương trình vào năm 2018 đã hủy bỏ ít nhất 66 suất học dành cho các sĩ quan quân đội Pakistan trong các cơ sở quân sự khác nhau ở Mỹ. Trong hơn 1 thập kỷ qua, IMET là một trụ cột trong quan hệ quân sự Mỹ-Pakistan. Chương trình này vẫn tồn tại bất chấp mọi căng thẳng chính trị trong 8 năm lãnh đạo dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, trong đó có vụ Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan, điều này đã khiến quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất từ trước tới nay. Có thể, dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, chương trình huấn luyện quân sự của Pakistan sẽ tiếp tục.

Islamabad mong đợi nhận được nhiều đánh giá cao từ chính quyền Tổng thống Biden vì sự hợp tác của họ trong tiến trình hòa bình Afghanistan. Có khả năng, Pakistan sẽ tiếp tục coi tiến trình hòa bình Afghanistan và vấn đề hàng đầu trong việc hợp tác với Mỹ dưới thời ông Biden. Tại thời điểm này, không rõ liệu chính quyền Biden sẽ tôn trọng thỏa thuận của ông Trump với Taliban trong việc rút tất cả quân đội Mỹ khỏi Afghanistan. Taliban đã đề nghị chính quyền sắp tới của Mỹ tuân thủ thỏa thuận rút quân. “Tiểu vương quốc Hồi giáo muốn nhấn mạnh với tân tổng thống Mỹ mới đắc cử và chính quyền tương lai rằng việc thực thi thỏa thuận là công cụ hợp lý và hiệu quả nhất để chấm dứt xung đột của cả hai chúng ta”, Taliban tại Afghanistan cho biết trong một tuyên bố. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu ông Biden thông báo Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở một mức độ nào đó tại Afghanistan. Trong bất kỳ tình huống nào, Pakistan đều không muốn làm phật lòng chính quyền Tổng thống Biden để đảm bảo nhận được những lợi ích trên.

Ở lĩnh vực Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF), Pakistan mong muốn được loại khỏi danh sách xám nhưng điều này dường như là rất khó. Mặc dù Pakistan đã đạt được những tiến bộ về nhiều mặt liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố và bắt các nhóm phiến quân phải chịu trách nhiệm, nhưng điều này khó có thể trở thành yếu tố quyết định khi nói đến số phận của Pakistan tại cơ quan liên chính phủ này. Chính quyền tương lai của Mỹ hiểu rằng, áp lực từ FATF đã dẫn đến những lợi ích quan trọng và vẫn là đòn bẩy chính để Islamabad nhượng bộ hơn nữa. FATF có thể sẽ tiếp tục yêu cầu Islamabad làm nhiều hơn. Pakistan không nên mong đợi một sự can thiệp quyết định từ chính quyền Mỹ sắp tới chỉ vì Islamabad đã hợp tác trong vấn đề Afghanistan và thực hiện tốt một số việc trong nước.

Theo các chuyên gia, những lợi ích rộng lớn hơn của Washington ở Châu Á, bao gồm các mối quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc, sẽ quyết định chính sách của Washington đối với Islamabad.

AN BÌNH