“Phạm Duy và lời ca lắng đọng” qua góc nhìn Phan Trang Hy
Phạm Duy và lời ca lắng đọng” là tập sách tiểu luận, phê bình và tạp bút của tác giả Phan Trang Hy, Nxb Hội nhà văn ấn hành tháng 4-2021. Nội dung tập sách không chỉ bao gồm các biên khảo, giới thiệu, phê bình mà còn là những dòng tạp bút chia sẻ những kỷ niệm, cảm xúc của tác giả về ca từ trong âm nhạc Phạm Duy.
Bìa sách “Phạm Duy và lời ca lắng đọng”. |
Trong lời mở đầu giới thiệu tập sách, tác giả Phan Trang Hy khẳng định: “Từ những ca khúc ông tự viết lời cho đến những thơ được ông phổ nhạc đều làm cho tiếng Việt thăng hoa. Lời ca trong nhạc Phạm Duy mãi còn theo trong năm tháng lòng người yêu nhạc. Với người đời, Phạm Duy được xưng tụng là “phù thủy âm nhạc”. Riêng tôi, qua những lời ca, Phạm Duy là người yêu tiếng Việt khôn cùng!”.
Tập sách chia làm hai phần. Phần đầu bao gồm hơn 20 bài viết tiểu luận, phê bình đưa ra những nhận định chuyên sâu của tác giả về các chủ đề lớn trong âm nhạc Phạm Duy. Phần hai là phần tạp bút, bao gồm những bài viết mang nặng cảm xúc về những ca khúc Phạm Duy mà tác giả yêu thích.
Theo Phan Trang Hy: “Nghe và đọc ca từ trong các tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy, tôi lại gặp một Phạm Duy thể hiện rõ tính cách có đủ 3 yếu tố Cái Nó - Bản năng có người gọi là Tự ngã (The Id), Cái Tôi- Bản Ngã (The Ego) và Siêu Tôi- Siêu Ngã (The Superego)”. Từ đó, qua suốt nhiều trang viết, tác giả luôn chú trọng phân tích, làm rõ thêm nhận định này. Trước tiên, đó là Cái Tôi yêu nước. Hầu như mọi người đều công nhận trong một số bài hát, cũng như một số trường ca, Cái Tôi yêu quê hương, đất nước của ông cất lên cùng tiếng lòng của người dân Việt. Đâu phải một mình Phạm Duy mới thể hiện tình yêu quê hương, đất nước trong âm nhạc. Nhưng qua lời ca, nghe lời ca ấy cất lên, người yêu nhạc lại thổn thức, trầm trồ có một nhạc sĩ viết lời ca với những giai điệu làm xao xuyến lòng người, khơi dậy cái tình yêu quê hương, đất nước ấy trong bản thể của người nghe. Cái tình yêu ấy bắt nguồn từ tiếng khóc đầu đời, từ lời ru của mẹ, của bà... Không thể không xúc động khi nghe lời ca: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời! Người ơi!/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi! Tiếng ru muôn đời/ Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/ Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi! Nước ơi!”…(“Tình Ca”, Sài Gòn, 1953). Ngoài ra, trong lời ca của Phạm Duy bộc lộ Cái Tôi khát vọng tự do. Bởi “Tự do đáng để trả giá” (Jules Verne), tự do là thứ quý nhất trên đời. Khát vọng tự do có trong lời ru con: “À ơi, con ngủ u ù cho muồi/ À ơi, cười vui trong giấc mộng/ À à ơi! Yêu đời tự do/ À à ơi, à à ơi! À à ơi, à à ơi!” (“Vợ Chồng Quê”). Cũng có cả trong lời xưng tụng ngợi ca: “Việt Nam đây miền xinh tươi/ Việt Nam đem vào sông núi/ Tự do công bình bác ái muôn đời” (“Việt Nam! Việt Nam!”). Và có cả trong lời nguyện cầu: “Tình nhân loại, nghĩa đồng bào/ Tránh cho nhau máu chảy ruột đau/ Tránh cho nhau máu chảy ruột đau/ Gọi nhân loại, cứu đồng bào/ Đang kêu to: Tự do yêu dấu/ Gọi nhân loại, cứu đồng bào/ Sống yên vui dưới mặt trời cao/ Sống yên vui dưới mặt trời cao” (“Tình Nhân Loại, Nghĩa Đồng Bào”).
Bên cạnh đó, Phan Trang Hy cho rằng, trong nhạc Phạm Duy, lời ca còn thể hiện Cái Tôi ước mơ. Mơ ước giúp con người hy vọng vào cuộc sống, tin vào tương lai. Một cuộc sống buồn tênh bởi kiếp nghèo, bởi hoàn cảnh vẫn không ngăn được niềm ước mơ về cuộc sống an lành: “Đường về trong mơ đêm đêm phố lớn thênh thang/ Ánh sáng kinh kỳ tràn lan/ Đời nghèo không riêng thương yêu bóng dáng Xuân sang/ Yêu phố vui, nhà gạch ngon/ (“Phố Buồn”, Sài Gòn. 1954). Cái Tôi ước mơ còn thể hiện về một thời chấm dứt chiến tranh, hòa bình được trở về trên đất Mẹ Việt Nam để cho người con được một lần hát ru cho Mẹ giấc ngủ an lành. Quả là đẹp, bởi có gì đẹp hơn khi con nhìn Mẹ yên bình trong lời ru của con: “Mẹ năm mươi tuổi chiến tranh/ Con hai mươi tuổi, Hòa Bình về chơi/ Từ lâu súng nổ vang trời/ Hôm nay yên lặng cho đời ngẩn ngơ/ (“Ru Mẹ”, Sài Gòn, 1972). Nhắc đến Trường ca “Con Đường Cái Quan, tác giả viết “Nghe cả Trường Ca “Con Đường Cái Quan”, tôi không thể không nói lời biết ơn có một nhạc sĩ đã nói hộ bao người dân Việt về một nước Việt Nam thống nhất. Thống nhất trong lịch sử từ thuở chia đôi trăm con, từ thuở mở rộng cõi bờ đến hoàn thành xứ sở; thống nhất từ điệu hò, điệu lý đến truyền thuyết, cổ tích, ca dao...” (tr.57-58). Đặc biệt, trong bài Tình ca (Sài Gòn, 1953), tác giả nhấn mạnh: “ Nghe cả bài Tình ca, hầu như mọi người đều có chung cảm xúc tự hào về đất Mẹ Việt Nam. Cái Tôi yêu nước, thương nòi trong bài hát này đâu còn của riêng Phạm Duy, mà trở thành Cái Tôi chung của mọi người. Mỗi khi lại bài hát này, tôi thấy yêu vô cùng tiếng nói Việt Nam”.
Cư như thế, từ Phạm Duy và Bé ca, Nữ ca, Vỉa hè ca, Tam ca, Bình ca, Tình Ca, Xuân ca đến... Phạm Duy, Phạm Thiên Thư và đạo ca; Phạm Duy và Thiền ca; Hoàng Cầm ca (một chương khúc gồm có 6 bài, như một như tâm giao giữa nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Hoàng Cầm); Hương ca (tập hợp gồm 10 bà ca viết về quê hương Việt Nam sau năm 2000); Dị khúc Bích Khê..., Phan Trang Hy đã dành khá nhiều thời gian khảo cứu cẩn thận, bằng tất cả tình yêu và đam mê để đem đến bạn đọc nhiều thông tin mới lạ và bổ ích về ca từ trong âm nhạc Phạm Duy, như đã viết ở phần tạp bút: “Những bài tôi thường hát đều mang tâm trạng của tôi. Xin cảm ơn những lời ca của Phạm Duy để lại cho đời, cho bạn và cho tôi. Thôi thì cứ hát để mà nhớ về nhau, để mà mơ giấc mộng vô thường cõi thế”.
TRẦN TRUNG SÁNG