Phân bổ vaccine đậu mùa khỉ - thế giới có lặp lại sai lầm?

Thứ hai, 01/08/2022 09:25
Những ca tử vong đầu tiên vì bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi được thông báo cùng với tình trạng khan hiếm vaccine cũng như nguy cơ bất bình đẳng trong việc phân bổ vaccine phòng căn bệnh này đang làm gia tăng mối lo ngại trên thế giới.
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 26-7. Ảnh: AP
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 26-7. Ảnh: AP

Diễn biến phức tạp

Sau hơn 2 tháng kể từ khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên của đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kích hoạt mức cảnh báo cao nhất, coi đây là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Điều đó đồng nghĩa với việc WHO đánh giá đợt dịch này là mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng và các nước cần phối hợp để ngăn chặn chuỗi lây lan sớm nhất có thể, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu.

Tính đến nay, đợt dịch đậu mùa khỉ này đã ảnh hưởng tới khoảng 80 quốc gia, với trên 18.000 ca mắc.. Theo WHO, cho đến nay, 98% số ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận ở các nước ngoài châu Phi, phần lớn số ca bệnh ghi nhận đến nay là ở châu Âu, đặc biệt trong nhóm nam giới có quan hệ đồng tính. Số ca nhiễm trên thế giới đã tăng 77% từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, trong đó có nhiều trường hợp là bệnh nhi. Con số lây nhiễm thực tế có thể còn cao hơn do nhiều nước hạn chế về năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ.

Hôm 30-7, Văn phòng châu Âu của WHO cảnh báo số ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ sẽ gia tăng sau khi ghi nhận những ca tử vong đầu tiên bên ngoài châu Phi. Mới đây nhất, ngày 29-7, Tây Ban Nha và Brazil là những quốc gia đầu tiên bên ngoài châu Phi ghi nhận những ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 30-7, Tây Ban Nha tiếp tục ghi nhận ca tử vong thứ 2 vì bệnh này. Nhà chức trách Tây Ban Nha không nêu nguyên nhân cụ thể của các ca tử vong này trong khi chờ kết quả khám nghiệm tử thi, nhưng giới chức Brazil cho biết ca tử vong ở nước này có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Tại Brazil, một nam giới 41 tuổi đã thiệt mạng vì bệnh đậu mùa khỉ. Nhà chức trách địa phương cho biết, người đàn ông trên qua đời ở Belo Horizonte, thủ phủ bang Minas Gerais, đông nam Brazil. Bệnh nhân này trước đó có vấn đề nghiêm trọng về hệ miễn dịch. Bộ Y tế Brazil cho biết, nước này đã ghi nhận gần 1.000 ca mắc đậu mùa khỉ, hầu hết ở bang Sao Paulo và Rio de Janeiro.

Mỹ cũng nằm trong số quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi đậu mùa khỉ, với số ca nhiễm được ghi nhận lên gần 5.200, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ. Thống đốc bang New York Kathy Hochul hôm 30-7 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do bệnh đậu mùa khỉ lây lan mạnh. Quan chức này cam kết sẽ áp dụng các biện pháp ngăn ngừa bệnh dịch bùng phát. Bà Kathy cho biết, New York hiện chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở nước Mỹ.

Nỗi lo bất bình đẳng vaccine

Để tránh nguy cơ "dịch chồng dịch", nhiều nước trên thế giới đã triển khai các biện pháp phòng chống tức thời, trong đó chiến lược "tiêm vaccine có chủ đích" theo khuyến nghị của WHO là phương án được lựa chọn. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang lo ngại sự lặp lại của bi kịch bất bình đẳng vaccine mà thế giới từng chứng kiến trong đại dịch COVID-19. Tiến sĩ Boghuma Kabisen Titanji, Phó giáo sư y khoa tại Đại học Emory nhận định: "Những sai lầm mà chúng ta thấy trong đại dịch COVID-19 đã và đang được lặp lại".

Trong khi các quốc gia giàu có đã đặt hàng hàng triệu liều vaccine để ngăn chặn bệnh đậu mùa ở khỉ bên trong nước mình, không có quốc gia nào công bố kế hoạch chia sẻ vaccine này với châu Phi, nơi bệnh đậu mùa ở khỉ đang lây lan nhiều hơn ở phương Tây. Theo tờ The Telegraph, giới chức y tế châu Phi mới đây đã chỉ trích tình trạng bất bình đẳng về vaccine trong ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ ở quy mô toàn cầu. Người dân châu Phi vẫn chưa thể được tiêm vaccine đậu mùa khỉ, bất chấp số ca tử vong do căn bệnh này tại châu Phi cao gấp 15 lần các khu vực khác trên thế giới. Ông Ahmed Ogwell, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (CDC châu Phi) cho biết, thực tế hiện nay giống với thời kỳ các quốc gia tranh giành vaccine ngừa Covid-19. Do các nước phát triển đặt hàng với số lượng lớn, các nước châu Phi khó có thể mua vaccine cho mình.

Hôm 28-7, CDC châu Phi đã kêu gọi ưu tiên vaccine đậu mùa khỉ cho châu Phi, đồng thời lên tiếng rằng châu lục này lại đang bị bỏ lại phía sau. "Nếu chúng tôi không an toàn, phần còn lại của thế giới sẽ không an toàn", ông Ahmed Ogwell, giám đốc hành động của CDC châu Phi cho biết.

Bài học rút ra từ đại dịch COVID-19

Giới chuyên gia dịch tễ cảnh báo sau tất cả những bài học kinh nghiệm với đại dịch COVID-19, các nước không nên coi nhẹ bệnh đậu mùa khỉ và cần phải ngăn chặn căn bệnh này bùng phát quy mô lớn trên toàn cầu. Thế giới hiện đã ghi nhận hơn 50 đột biến của virus đậu mùa khỉ. Nếu không sớm dập được dịch bệnh truyền nhiễm này, virus sẽ tăng đột biến, tạo ra các biến thể mới nguy hiểm hơn, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy. Ngoài ra, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng như nhiễm trùng thứ phát, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, thế giới cần rút ra bài học từ đại dịch COVID-19 rằng dịch bệnh có thể được ngăn chặn nhờ các chiến lược phù hợp và cơ chế phối hợp chia sẻ vaccine nhanh chóng và công bằng trên toàn cầu. Ông nêu rõ: "Ưu tiên tiêm chủng đúng đối tượng sẽ là cách hiệu quả nhất để cứu những mạng sống, bảo vệ hệ thống y tế và mở cửa xã hội và nền kinh tế".

Một số chuyên gia lo ngại cơ chế này có thể lặp lại những vấn đề đã xảy ra với COVAX, cơ chế mà WHO và đối tác tạo lập vào năm 2020 để đảm bảo các nước nghèo sẽ có vaccine COVID-19. Việc không đảm bảo ưu tiên vaccine đậu mùa khỉ cho các nước nghèo cho thấy, bài học về chia sẻ vaccine COVID-19 vẫn chưa biến thành hành động.

Tiến sĩ Ingrid Katz, một chuyên gia y tế toàn cầu tại Đại học Harvard, cho biết dịch đậu mùa khỉ "có thể kiểm soát được" nếu các loại vaccine được phân phối một cách thích hợp. Bà Katz tin rằng vẫn có thể ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ biến thành đại dịch nhưng "chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ về các chiến lược phòng chống và phản ứng nhanh chóng".

AN BÌNH